Sơn Động ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông
Nhiều tuyến đường "khoác áo mới"
Những ngày này, không khí trong gia đình chị Bế Thị Thuần (SN 1981), dân tộc Tày ở thôn Luông, xã Vĩnh Khương luôn rộn ràng vì anh chị đang cuốc móng xây ngôi nhà mới thay thế căn nhà tường đất chật chội. Cùng đó, thôn, xã đang triển khai mở rộng, đổ bê tông tuyến đường đất lầy lội trước cửa nhà chị Thuần.
Tuyến đường thôn Vá đi thôn Dầu, xã An Bá dài hơn 1,5 km, trị giá gần 5 tỷ đồng vừa hoàn thành. |
Trò chuyện với chúng tôi, chị Thuần nói: “Nhà tôi có hai con nhỏ chưa thể tự đi đến trường nên trong ngày luôn phải có một người đưa đón, không vợ thì chồng. Con đường từ nhà ra trường tiểu học và mầm non xã bao năm nay mưa thì trơn trượt, nắng lên lại bụi, đưa con đến trường hay đi lên rừng, ra ruộng sản xuất đều rất bất tiện. Nay làm đường mới, chúng tôi và bà con trong thôn ai cũng vui, nếu cần mở rộng đường, gia đình tôi dù là hộ nghèo nhưng sẵn sàng hiến đất để đường to, đẹp hơn”.
Được biết, tuyến đường vào thôn Luông chỉ dài khoảng 1 km nhưng qua nhiều đoạn lầy thụt, dốc cao. Do dân cư thưa thớt, đời sống còn khó khăn nên người dân không có khả năng đóng góp để làm đường. May mắn, sau nhiều lần đề nghị, năm nay xã Vĩnh Khương được phân bổ kinh phí để xây dựng đường.
Ông Nguyễn Gia Lý, Chủ tịch UBND xã cho biết, thôn Luông là thôn đặc biệt khó khăn nên ngay sau khi tiếp nhận nguồn vốn gần 2 tỷ đồng, xã triển khai các bước để sớm thi công. Theo thiết kế, tuyến đường có nền rộng 4,5 m, bề mặt 3,5 m, hiện xã yêu cầu đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày không mưa tập trung làm phần nền. Xã phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành, nâng các tuyến đường trên địa bàn xã đã được bê tông hóa lên 90%, giúp bà con đi lại thuận tiện, giao thương, mua bán, học tập dễ dàng hơn.
Với chủ trương tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng hệ thống đường giao thông, khắc phục hạn chế địa hình bị chia cắt do đồi núi, sông suối, năm nay huyện Sơn Động dồn lực làm nhiều tuyến đường mới. Đến xã Giao Liêm tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi gặp ông Vi Văn Pỉnh, dân tộc Nùng, nhà ở thôn Rèm.
Dẫn chúng tôi ra chỗ ngầm đang được xây dựng, ông Pỉnh chia sẻ: “Thôn Rèm bị suối chia làm hai nửa, bình thường việc đi lại đã khó khăn do đường đất đá lổn nhổn, khi mưa lũ chúng tôi bị “cách ly”, có lúc đến vài ngày, chẳng may bị ốm đau cũng đành chịu vì không có đường nào để vượt suối dữ. Ngay cả cái ngầm này, chưa xây xong mà mấy ngày qua lũ về đã làm xói lở hai bên, rất nguy hiểm. Biết tin xã là chủ đầu tư làm đường mới, chúng tôi phấn khởi lắm, từ nay con em đi học, đi làm đỡ vất vả, nuôi con lợn, con gà, bán gỗ rừng trồng cũng được giá hơn”.
Công trình đường vào thôn Rèm có vốn đầu tư 1,9 tỷ đồng, dài hơn 1 km gồm tuyến chính và một số tuyến phụ. Khởi công từ tháng 6 năm nay, hiện xã đang đôn đốc nhà thầu thi công trong khoảng 4-5 tháng. Đường làm xong nhanh ngày nào, hơn 250 hộ dân thôn Rèm đỡ khó khăn ngày ấy.
Đầu tư trọng điểm
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững của huyện, chỉ tính riêng Chương trình 30a năm 2019, Sơn Động được phân bổ gần 71 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 60 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp. Huyện bố trí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 15 công trình, gồm 8 công trình chuyển tiếp, 6 công trình khởi công mới và duy tu, bảo dưỡng một số tuyến đường khác.
Hiện nay, đơn vị đang đôn đốc một số công trình được giao làm chủ đầu tư như: Đường giao thông thôn Đồng Dầu đi Đồng Tàn, xã An Bá; đường thôn Gốc Gạo đến thôn Khuôn Mười, xã Cẩm Đàn; đường thôn Đồng Mạ- thôn Đồng Làng, xã Dương Hưu; đường thôn Nhân Định, xã Yên Định; đường liên xã Cẩm Đàn-Chiên Sơn… với tổng vốn đầu tư 32,5 tỷ đồng”. Ông Phạm Văn Tự, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Sơn Động |
Ngoài ra, Chương trình 135 năm 2019 có tổng vốn hơn 28 tỷ đồng, trong đó hơn 22 tỷ đồng dành cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phân bổ 37 tỷ đồng, huyện ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng KT-XH tại các xã gần 33 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng, vận hành các công tình sau đầu tư hơn 2 tỷ đồng.
Hiện nay, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư đang tập trung thực hiện những công trình thủy lợi, giao thông ở các xã: Giáo Liêm, Vĩnh Khương, Hữu Sản, Dương Hưu… và công trình nước sinh hoạt tập trung thôn Thanh Trung, xã Tuấn Mậu; thôn Tiên Lý, xã Yên Định, góp phần giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất cho nhân dân các địa phương được thụ hưởng.
Bà Vi Thị Tú, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, khắc phục hạn chế của các năm trước, năm nay huyện đôn đốc đẩy nhanh việc rà soát nhu cầu danh mục đầu tư, danh mục công trình, đối tượng thụ hưởng chính sách theo đúng quy định. Đồng thời tìm biện pháp giải quyết vấn đề về giao, phân bổ vốn, các cơ chế thực hiện mới như việc đấu thầu qua mạng… giúp các chủ đầu tư, nhất là ở cấp xã tránh lúng túng, không nắm chắc văn bản pháp luật, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án.
Đi liền với đó, huyện chỉ đạo sát sao công tác kiểm tra, giám sát các công trình đầu tư xây dựng cơ bản. Gắn thực hiện kết luận kiểm tra của cấp trên với tự kiểm tra của các phòng, ban, UBND xã, thị trấn và giám sát cộng đồng để bảo đảm chất lượng công trình.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)