Lồng ghép nguồn vốn, làm chắc từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở Sơn Động
Tỷ lệ hộ nghèo cao
“Khó lắm”- là câu nói của hầu hết lãnh đạo các xã ở Sơn Động khi được hỏi về việc hoàn thành các tiêu chí NTM. Thạch Sơn là xã khó khăn nhất của huyện. Sau hơn 8 năm triển khai, xã mới đạt 8/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch; thuỷ lợi; điện; thông tin và truyền thông; giáo dục- đào tạo; lao động việc làm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng - an ninh.
Đường vào thôn Tam Hiệp (xã An Lập) được bê tông hoá, tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. |
Chủ tịch UBND xã La Văn Ót trăn trở: "Với một xã đặc biệt khó khăn như Thạch Sơn, chỉ tính chuyện sinh kế cho hơn 98% đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã nan giải rồi”.
Mặc dù được Nhà nước đầu tư xây dựng đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, hệ thống thuỷ lợi, hỗ trợ cây, con giống… nhưng một phần do địa bàn rộng, phong tục tập quán, canh tác lạc hậu nên hầu hết các hộ kinh tế vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%.
Tương tự, An Lập được chọn là xã điểm của huyện về đích NTM vào năm 2020. Ngoài 14 tiêu chí đạt, hiện xã đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại, đó là: Giao thông; thuỷ lợi; cơ sở vật chất văn hoá; thu nhập; hộ nghèo. Để tạo sự đồng thuận, xã giao các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu lợi ích của xây dựng NTM.
Đơn cử, thôn Tam Hiệp có 105 hộ thì 76% là người dân tộc thiểu số. Đời sống còn khó khăn song hầu hết các hộ đều tự nguyện hiến đất, tường bao, công trình phụ, cây ăn quả để mở rộng đường, làm nhà văn hóa.
3 năm gần đây, An Lập huy động được 66,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 3,4 tỷ đồng và hiến hàng nghìn m2 đất, hơn 1 nghìn cây ăn quả để xây mới 9 nhà văn hóa, cứng hóa 17 km đường giao thông, 11 km kênh mương nội đồng.
Các xã trong huyện cần rà soát những tiêu chí còn thiếu, đạt thấp để tập trung nguồn lực nâng các tiêu chí đó, tránh dàn trải vốn. Những xã đã đạt bình quân 12 tiêu chí cần chú trọng vào 4 nội dung: Phát triển sản xuất; hạ tầng kỹ thuật giao thông; cơ sở vật chất văn hóa; môi trường cảnh quan. Nội dung quan trọng nhất là phát triển sản xuất để xóa đói, giảm nghèo bền vững”. Ông Nguyễn Văn Doanh, Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM tỉnh |
Tuy nhiên, để hoàn thành các tiêu chí còn lại vẫn là điều khiến người đứng đầu xã trăn trở. Ông Đàm Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Các tiêu chí chưa đạt đều là tiêu chí khó, xã cần nguồn vốn khoảng gần 100 tỷ đồng mới hoàn thành, trong khi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, khó huy động.
Do đó, dù chương trình xây dựng NTM đã tuyên truyền đến từng hộ, được người dân nhiệt tình hưởng ứng song để về đích theo kế hoạch là rất khó”.
Phấn đấu mỗi xã đạt từ 1 đến 2 tiêu chí/năm
Xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên huyện tuyên truyền, vận động sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chủ trương, lợi ích chương trình này mang lại.
Được biết, năm 2018, toàn huyện huy động được hơn 261 tỷ đồng từ các chương trình giảm nghèo của Chính phủ, trong đó có 13,4 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Nhờ đó, huyện cứng hoá được 25 km đường giao thông nông thôn, ngoài hỗ trợ xi-măng của tỉnh, người dân đóng góp 8,4 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực không ngừng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 35,61%, giảm 5,61% so với năm 2017. Huyện đã có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là Tuấn Đạo, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 18 xã đạt từ 9 đến 14 tiêu chí, 1 xã đạt dưới 9 tiêu chí.
Năm 2019, huyện được phân bổ 32,8 tỷ đồng vốn từ ngân sách cho xây dựng NTM. Đây là nguồn lực để huyện phấn đấu mỗi xã đạt thêm 1 đến 2 tiêu chí, trong đó có 4 đến 6 xã đạt từ 14 -18 tiêu chí, nâng số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 12,7, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí; mức thu nhập khu vực nông thôn đạt 36 triệu đồng/người/năm.
Bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: “Dù cấp ủy, chính quyền và người dân trong huyện đã nỗ lực nhưng kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Khó khăn nhất huyện đang đối diện đó là thiếu nguồn lực xây dựng NTM. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, giải quyết việc làm tại chỗ… hiện vẫn là những nút thắt huyện cần tháo gỡ”.
Cũng theo bà Ninh, để đạt các mục tiêu xây dựng NTM, huyện chủ trương tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn, thực hiện chắc từng tiêu chí. Cùng đó, tập trung phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kỹ thuật tiến tiến, công nghệ cao theo hình thức liên kết... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ý kiến bạn đọc (0)