Huyện ủy Sơn Động tiếp xúc, đối thoại với tổ chức chính trị-xã hội
Đại biểu phát biểu tại cuộc đối thoại. |
Với tinh thần cởi mở, đã có 24 ý kiến kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; quản lý tài nguyên môi trường, đất đai, thu hút đầu tư, cấp giấy chứng nhận QSDĐ sau dồn điền đổi thửa, sáp nhập các đơn vị xã, thôn, bố trí sắp xếp cán bộ, di dời 8 hộ dân khe Moòng, xã Thạch Sơn ra khỏi khu vực đất Trường bắn quốc gia TB1…
Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, đại biểu Chu Thị Hiếu, Hội Phụ nữ xã An Lập phản ánh, toàn xã tiêu hủy hơn 2 nghìn con lợn, nhiều hộ vay tiền ngân hàng xây dựng trang trại quy mô vừa và nhỏ nhưng nay không có khả năng hoàn trả gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn, chưa kể tiền mua thức ăn chăn nuôi. Đề nghị huyện sớm có biện pháp hỗ trợ cho người dân chuyển đổi chăn nuôi thay thế đàn lợn.
Một số đại biểu phản ánh tình trạng khai thác cát, sỏi, đất nền trái phép ở một số nơi chưa được xử lý nghiêm; hoạt động cờ bạc núp bóng trò chơi bắn cá gây bức xúc trong nhân dân…
Tại buổi đối thoại, những vấn đề cụ thể, liên quan đến lĩnh vực của các phòng, ban trong huyện cũng được giải thích, làm rõ. Đối với việc hỗ trợ người chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, toàn huyện có gần 26 nghìn con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, huyện đã thành lập tổ rà soát, thiết lập hồ sơ để hỗ trợ theo quy định chung của tỉnh, giá hỗ trợ vào từng thời điểm do Sở Tài chính cập nhật công bố. Để bù đắp thiệt hại, các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang chăn nuôi gà, bò, dê…
Phát biểu tại đây, Bí thư Huyện ủy Nghiêm Xuân Hưởng tiếp thu các ý kiến và đề nghị các cơ quan chuyên môn xem xét lại những vấn đề trao đổi, đối thoại để giải quyết thấu đáo, kịp thời những đề xuất, kiến nghị của nhân dân, nhất là lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai, an ninh trật tự…
Đồng chí Bí thư Huyện ủy cho rằng việc tiếp xúc đối thoại sẽ giúp cho lãnh đạo huyện nắm bắt được phần nào nguyện vọng của nhân dân, nghe người dân cũng như các đại biểu “hiến kế” để phát triển KT-XH, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những tồn tại, vấn đề bức xúc xảy ra tại địa phương. Sau hội nghị này, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên tổ chức đối thoại nắm bắt sâu hơn tình hình, đời sống, tâm tư của người dân để giải quyết kịp thời những vấn đề ngay tại cơ sở.
Ý kiến bạn đọc (0)