Đưa thông tin phát thanh đến đồng bào vùng cao
Những "nhà báo" bốn trong một
Đều đặn 3 năm qua, công việc thường nhật của anh Ngọc Văn Tập (SN 1989), cán bộ Đài truyền thanh xã Long Sơn bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau khi kiểm tra máy móc, vận hành hệ thống tiếp sóng phát thanh 3 cấp (T.Ư, tỉnh và huyện), anh chuẩn bị nội dung bản tin thời sự của xã và trực tiếp thể hiện bằng giọng đọc trầm ấm, truyền cảm của mình.
Anh Ngọc Văn Tập thu âm bản tin truyền thanh của xã. |
Để có được những bản tin thời sự hay, những thông báo bổ ích, thiết thực tới người dân, ngay từ những ngày đầu được giao phụ trách Đài truyền thanh xã, tuy chưa có kinh nghiệm song anh Tập tự mày mò, tập viết tin, bài, thông báo rồi đọc và xử lý hậu kỳ trước khi phát sóng. Mặc dù mức lương thấp (1 hệ số lương cơ bản), song bằng trách nhiệm của tuổi trẻ và đam mê với nghề báo, anh Tập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù một mình đảm nhiệm hết phần việc từ viết, đọc, biên tập và phát sóng song chưa khi nào anh để các chương trình chậm lên sóng, mọi thông tin đều được truyền tải kịp thời đến người dân.
Với đặc thù địa bàn miền núi, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, từ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, anh biên tập thành thông tin ngắn gọn, dễ hiểu. “Khi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc các mô hình hay, gương sản xuất giỏi… được thông tin rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh, bà con đến tận nhà tôi hỏi, tìm hiểu thêm về tài liệu. Đây chính là động lực giúp tôi gắn bó với công việc này”, anh Tập chia sẻ.
Còn khá trẻ song anh Trần Công Trường (SN 1992) đã có thâm niên hơn 7 năm gắn bó với Đài truyền thanh xã Vân Sơn. Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác tuyên truyền được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, coi đây là một trong những kênh quan trọng để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào. Nhớ lại thời điểm các thôn Phe, thôn Gà (cùng xã Vân Sơn) thiết lập vùng cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19, lập chốt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhiều người dân chưa hiểu, vẫn có ý định di chuyển sang các địa phương khác.
Để người dân chung tay chống dịch, UBND xã giao cho anh Trường viết bài tuyên truyền rồi liên tục phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Tại những điểm sóng phát thanh không thể tới, địa phương hỗ trợ xăng xe tổ chức tuyên truyền lưu động đến từng cụm dân cư. Nhờ đó, sau 14 ngày, các thôn được dỡ bỏ cách ly, không phát sinh những ca nhiễm mới. Mới đây, khi nhiều người đến điểm du lịch Đồng Cao cắm trại dịp nghỉ lễ 30/4, anh Trường viết, đọc bài tuyên truyền đến du khách về bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cuối buổi chiều, anh lại sử dụng loa cầm tay đến từng điểm cắm trại nhắc nhở du khách thu dọn rác.
Hướng đến truyền thanh thông minh
Toàn huyện Sơn Động hiện có 17 đài truyền thanh xã, thị trấn và 124 điểm đài truyền thanh cơ sở ở các thôn, tổ dân phố; tỷ lệ phủ sóng hơn 90% địa bàn dân cư. Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở đã được chính quyền các địa phương khai thác tối đa thế mạnh trong tuyên truyền, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Huyện Sơn Động có 17 đài truyền thanh xã, thị trấn và 124 điểm đài truyền thanh cơ sở ở các thôn, tổ dân phố; tỷ lệ phủ sóng hơn 90% địa bàn dân cư. Để nâng cao chất lượng, năm 2023, huyện sẽ đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh ở thị trấn An Châu, thị trấn Tây Yên Tử và xã Thanh Luận với 35 điểm truyền thanh không dây. |
Tại xã Long Sơn, để về đích nông thôn mới năm 2021, Đài truyền thanh xã thường xuyên thông tin về 19 tiêu chí cũng như tiến độ thực hiện, đồng thời biểu dương các nhân tố điển hình trong xây dựng nông thôn mới… Hay như tại xã Giáo Liêm, khi địa phương phát động phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, anh Nguyễn Văn Vui (SN 1980), cán bộ Đài truyền thanh xã tích cực đưa thông tin đến người dân. Ở chiều ngược lại, anh tích cực phản ánh nguyện vọng của người dân tới cấp ủy, chính quyền địa phương.
Với sự đồng thuận cao, từ năm 2020 đến nay, xã Giáo Liêm đã vận động 160 hộ dân hiến 9 ha đất các loại triển khai 14 công trình cứng hóa đường giao thông với tổng chiều dài 20,8 km. Ông Vi Văn Bắc, Bí thư Đảng uỷ xã Giáo Liêm nói: “Dù kiêm nhiệm phụ trách Đài truyền thanh xã song đồng chí Nguyễn Văn Vui luôn chủ động xây dựng các bản tin, góp phần không nhỏ thay đổi nhận thức của người dân”.
Mặc dù đội ngũ cán bộ truyền thanh cơ sở đang lặng thầm trên mặt trận công tác tư tưởng để đưa các thông tin một cách chân thực về bức tranh phát triển kinh tế ở mỗi địa phương song qua đánh giá chất lượng tuyên truyền tại các địa phương có thời điểm chưa tốt. Do cán bộ đài các xã được đào tạo ở các chuyên môn khác, chỉ được tập huấn nghiệp vụ, phải kiệm nhiệm nhiều việc nên nhiều địa phương chưa tự xây dựng được các chương trình.
Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện nói: “Thời gian tới, cùng với sự quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đài cơ sở, toàn huyện tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống đài ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Trước mắt, trong năm 2023, huyện sẽ đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh ở thị trấn An Châu, thị trấn Tây Yên Tử và xã Thanh Luận với 35 điểm truyền thanh không dây. Khi đó, chất lượng, hiệu quả tuyên truyền sẽ được nâng lên”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)