Dấu ấn người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới ở Lục Ngạn
BẮC GIANG - Những năm gần đây, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở Lục Ngạn có nhiều đổi mới. Trong thành quả chung ấy có đóng góp của đội ngũ những người có uy tín.
Con đường bê tông uốn lượn bao quanh những khu vườn xanh mướt đưa chúng tôi vào thôn Đức Thắng, xã Biên Sơn. Đây là thôn đặc biệt khó khăn có 226 hộ, 98% dân số là dân tộc Nùng. Trước đây, đường vào thôn là đường đất rất khó đi. Bao năm qua người dân khát khao một con đường được cứng hóa giúp việc đi lại thuận lợi. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cuối năm 2022, thôn Đức Thắng được Nhà nước hỗ trợ cứng hóa tuyến đường dài gần 500m với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, nguồn vốn chỉ phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng không bao gồm giải phóng mặt bằng.
Đồng bào các dân tộc ở xã Hồng Giang chung sức xây dựng nông thôn mới. |
Là người có uy tín tại địa phương, ông Vi Văn Thanh đã cùng ban vận động thôn gặp gỡ các hộ có nhà ở hai bên tuyến đường để tuyên truyền, vận động. Theo đó, gần 20 hộ có nhà bám trục đường thôn đồng tình tháo dỡ tường, lùi vào từ 0,5 đến 1 m để thôn mở rộng đường. Đến nay, đường giao thông đổ bê tông ở thôn Đức Thắng đạt gần 90%.
Ông Thanh còn phối hợp với các đoàn thể tích cực vận động bà con tích cực phát triển sản xuất, xây dựng NTM. Ghi nhận đóng góp đó, năm 2023, ông Thanh được Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng người có uy tín tiêu biểu.
Không chỉ ở Biên Sơn, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đồng bào DTTS sinh sống, vai trò của người có uy tín luôn thể hiện rõ. Từ năm 2023 đến nay, đội ngũ người có uy tín đã phối hợp tham gia gần 200 cuộc tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án, xây dựng NTM; giải quyết ổn thỏa nhiều vụ việc khiếu kiện, không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự; tham gia giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc... Điển hình là các ông: Chung Văn Thảo, xã Đèo Gia; Đàm Văn Kim, xã Phú Nhuận; Hỷ Văn Lỳ và Bế Văn Điềm, xã Quý Sơn…
So với các địa phương trong tỉnh, huyện Lục Ngạn có địa hình rộng, nhiều đồng bào DTTS chung sống. Xác định người có uy tín là hạt nhân nòng cốt ở mỗi thôn, làng, thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã chú trọng xây dựng đội ngũ người có uy tín với 214 hạt nhân tiêu biểu. Huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiều chính sách ưu đãi về công tác dân tộc; quan tâm làm tốt công tác khen thưởng, giới thiệu người có uy tín tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, các hội nghị thông tin tình hình thời sự, chính trị...
Nhờ được quan tâm, động viên kịp thời, đội ngũ người có uy tín ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân ở cơ sở. Từ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp quan trọng của người có uy tín trên địa bàn, diện mạo NTM của huyện ngày càng khởi sắc. Toàn huyện hiện có 18 xã NTM, 4 xã NTM nâng cao và 11 thôn NTM kiểu mẫu. Trong số này, xã Hồng Giang về đích NTM vào năm 2017, năm 2021 đạt NTM nâng cao; xã có 2 thôn NTM kiểu mẫu, đồng thời là địa phương dẫn đầu nhiều phong trào thi đua của huyện.
Bà Vi Thị Anh Thùy, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết, cấp ủy, chính quyền và nhân dân luôn đánh giá cao vai trò, đóng góp của người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu với UBND huyện và phối hợp với các ngành triển khai đầy đủ chính sách đối với người có uy tín; chú trọng biểu dương, tôn vinh kịp thời những cá nhân có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực. Tiếp tục khích lệ người có uy tín đóng góp trí tuệ, công sức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương, phấn đấu có thêm nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)