Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn
BẮC GIANG - Đào tạo nghề là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Để người dân nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, huyện Lục Ngạn đã nâng chất lượng các lớp đào tạo nghề ngắn hạn.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn đã phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tổ chức 7 lớp đào nghề ngắn hạn cho gần 200 học viên là đồng bào DTTS. Các lớp học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, sửa chữa máy nông nghiệp… thu hút đông đảo lao động là đồng bào DTTS trên địa bàn tham gia.
Buổi thực hành lớp đào tạo nghề về chăn nuôi- thú y được tổ chức tại thôn Vựa Trong, xã Phong Vân. |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau khóa học, nhiều người tự tạo việc làm, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình kinh tế vườn đồi và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển dần từ phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Là học viên tham gia lớp đào tạo nghề vừa được tổ chức tại xã Biên Sơn, chị Hoàng Thị Chuyền, dân tộc Tày ở thôn Đức Thắng, xã Biên Sơn, cho biết: “Qua lớp học ngắn hạn về chăn nuôi - thú y đã giúp tôi tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích về cách phòng, chống dịch bệnh, kỹ thuật tiêm vắc-xin, mật độ chăn nuôi phù hợp, phương pháp chống nóng và rét, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương kết hợp thức ăn công nghiệp cho đàn vật nuôi… Nhờ nắm được kỹ thuật cơ bản này, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô đàn gà. Do được chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật của giảng viên và tài liệu nên đến nay đàn gà phát triển tốt”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, chương trình đào tạo nghề cho đồng bào DTTS có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng chất lượng nguồn nhân lực và là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS, giúp địa phương thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Do thời gian đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng), việc tham gia học nghề trồng trọt, chăn nuôi sẽ phù hợp và thiết thực đối với các học viên. Với phương pháp “học đến đâu thực hành đến đó” giúp đồng bào dễ hiểu, nhớ lâu và có thể nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn.
Học viên tham gia được Nhà nước hỗ trợ học phí và tiền ăn trưa, kết thúc khóa đào tạo nghề được cấp chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp và được tư vấn, hỗ trợ giới thiệu tìm kiếm việc làm. Để tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian tới huyện Lục Ngạn tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện hỗ trợ và tổ chức các khóa đào tạo đúng đối tượng, bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả và sát thực, đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương.
Cùng đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện chú trọng giám sát chất lượng đào tạo nghề, đôn đốc các cơ sở đào tạo nghề, các xã thực hiện đúng, đủ các nội dung theo quy định. Quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học, giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời lượng thực hành.
Với sự quan tâm của Nhà nước và những giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, từ sự cố gắng, nỗ lực tự thân vươn lên của đồng bào DTTS, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn huyện Lục Ngạn được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)