Thật bất ngờ trước hình ảnh những đàn bướm vàng dập dìu theo suốt trên con đường quanh co vào xã Hộ Đáp, lên miền Lục Ngạn. Có lẽ chưa bao giờ được chứng kiến những cánh bướm rợp trời như vậy. Những cánh bướm len lỏi vào tán vải trong vườn.
Những cánh bướm mải mê đập cánh, đồng hành cùng dòng xe, như hân hoan đón chào khách phương xa. Những cánh bướm vỗ cánh bình yên giữa hệ sinh thái xanh, trong lành.
Những cánh bướm đại diện cho phương thức nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên, an toàn, bền vững.
Về với thủ phủ vải thiều Lục Ngạn, ngắm nhìn vườn cây xanh ngát, thấp thoáng chùm vải đầu mùa, trái còn xanh, trái mới ngả vàng, trái đã chín hồng, thấy lòng ngập tràn niềm vui. Một miền quê hiền hoà, những vườn cây trĩu quả, những cán bộ cơ sở năng động đang cùng bà con hướng đến mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Theo chủ trương chung, từ mấy mươi năm trước, bà con từ đồng bằng sông Hồng lên miền núi lập nghiệp, người Hải Dương đã mang theo những gốc vải để trồng quanh nhà trên vùng đất mới, như cách giúp vơi đi nỗi nhớ miền quê bao kỷ niệm. Nhiều người xác định rõ ràng cột mốc đó là năm 1956 và cây vải tổ hiện vẫn còn sum suê đến tận bây giờ.
Có những vườn vải lặng lẽ khép mình trên những con đường quê, có những khu vườn như bừng sáng một góc trời, nô nức du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nơi thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, vườn vải nối tiếp vườn vải, đến đúng dịp “mở cửa vườn” đón mừng khách những ngày đầu vụ. Sự kiện trình diễn thời trang giữa vườn vải xanh ngắt, với những bộ trang phục thiết kế từ cảm hứng về quả vải, gửi gắm thông điệp tôn vinh vải thiều Bắc Giang.
Không gian sự kiện năng động, trẻ trung giúp du khách thỏa thích trải nghiệm bằng tất cả giác quan. Được ngắm nhìn những tán vải xanh mát. Được chạm vào những chùm vải chín mọng. Được thưởng thức hương vị ngọt thanh. Được cảm nhận hương thơm dịu nhẹ. Được lắng nghe tiếng reo cười sảng khoái của bà con nông dân. Nắng nóng ngày hè như bớt phần gay gắt, tất cả đều tự nhiên, gần gũi, giữa con người và thiên nhiên, giữa chủ vườn và du khách, giữa người tham gia với nhau.
Thật ấn tượng với cách thức lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo huyện Lục Ngạn đồng hành với bà con nông dân, khởi tạo và chăm chút cho mô hình Hợp tác xã ở vùng đất này sau bao ngày đêm trăn trở. Đến nay đã có khoảng 30 Hợp tác xã tiếp cận “du lịch nông nghiệp”, hoặc “nông nghiệp du lịch”, tuỳ theo cấp độ, để đem đến hoạt động trải nghiệm đặc sản vải thiều nơi đây. Mô hình “Cây vải vườn nhà” thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, từng thân cây được gắn mã số, thông tin định danh, có cây đã được đặt mua trọn 2 năm.
Thật ấn tượng với người chủ vườn được biết đến với biệt danh “phù thuỷ đất vải thiều” - giúp những chùm vải mọc ra từ thân, chứ không chỉ từ nhánh, để có thể kéo dài thời gian mùa vụ, giảm thiểu rủi ro thị trường.
Đi cùng nhau đi được xa hơn, anh còn giúp, hướng dẫn nhiều nông dân khác cùng làm theo và liên kết lại thành Hợp tác xã. Chắc rằng còn nhiều nông dân Lục Ngạn, nông dân Bắc Giang cũng mạnh dạn cách nghĩ mới, kiên trì cách làm mới như vậy. Cách thức tiếp cận nông nghiệp mới sẽ tạo ra giá trị đa dạng cho người nông dân và cho cộng đồng.
Từ cách sống, cách nghĩ, cách làm, từ “nhân hiệu” của một người nông dân xứng đáng được cộng đồng tôn vinh, sẽ tạo dựng nên thương hiệu của nông sản, của ngành nông nghiệp Lục Ngạn, Bắc Giang.
Dòng khách đến với Chão Cũ, Giáp Sơn hôm đó đâu chỉ thăm ngắm miệt vườn “Xanh sạch - Giàu trải nghiệm” như tấm bảng giới thiệu dọc đường. Du khách đâu chỉ được thưởng thức những quả vại chín mọng, mà còn bao đặc sản: mật ong hoa vải, nước uống từ vải, cùng nhiều sản vật địa phương khác. Từ trước đến nay, theo cách nghĩ truyền thống, là nông dân làm ra nông sản, rồi chuyển ra chợ bán. Và giờ đây là “đưa chợ về vườn”.
Người tiêu dùng gần xa đến vườn không chỉ thưởng thức và mang về những quả vải làm quà, mà còn mang cả chất đất, tình người Lục Ngạn về nơi phố thị. Du khách gần xa góp thêm sự tươi mới cho đời sống làng quê, để cuộc sống của nông dân và người dân nông thôn vốn lặng lẽ thêm phần năng động, văn minh.
Trên trái đất làm gì có đường, con người đi mãi mà thành đường. Và Bắc Giang, cùng nhiều địa phương đã mạnh dạn, chủ động tìm ra con đường phù hợp với mình, hướng đến mục tiêu mới. Đó là con đường chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tư duy kinh tế nông nghiệp, đơn giản là, tạo ra giá trị nhiều hơn, cao hơn, bằng cách tiếp cận đa mục tiêu để nhận lại đa giá trị. Nông nghiệp du lịch là một gợi mở thú vị. Tầng đầu tiên là kinh tế hàng hoá, tạo ra, sản xuất và mua bán đơn thuần. Tầng tiếp theo quan tâm thương mại hóa, đến dịch vụ, để tạo ra giá trị tăng thêm.
Kế đến trong tầng cao nhất của nấc thang giá trị là kinh tế trải nghiệm, đem đến sự độc đáo, nét khác biệt, bằng cách “chạm” đến cảm xúc của khách hàng, của người tiêu dùng một cách tự nhiên và gần gũi. Nông nghiệp du lịch, qua một buổi trình diễn thời trang nhẹ nhàng giữa vườn vải trĩu quả, chính là một hướng tiếp cận mới mẻ, theo xu hướng kinh tế trải nghiệm. Ở nhiều đất nước, người ta còn tiếp cận khái niệm “Nông nghiệp giải trí”. Người nông dân đâu chỉ biết “cuốc bẫm cày sâu”, đâu còn “một nắng hai sương”, làm nông cũng có cách giải trí của người làm nông, khi ấy cuộc sống người nông dân không còn lặng lẽ, nép mình bên gốc vải, cây cam.
Nghe kể rằng, sự kiện này được tổ chức bởi nhóm bạn trẻ xuất thân ngay mảnh đất này, sau thời gian ra đi học tập, đã trở về quê hương khởi nghiệp, góp sức cùng ông bà cha mẹ bao đời gắn bó với nghề nông. Khởi nghiệp nông nghiệp đâu chỉ có trồng trọt hay chăn nuôi.
Khởi nghiệp nông nghiệp có thể là “thổi vào” giá trị mới, nhiều lần hơn cho những nông sản do người nông dân một nắng hai sương dày công tạo nên. Những người trẻ với nguồn vốn tri thức, tư duy không giới hạn, kết hợp sự sáng tạo mới mẻ, năng lượng dồi dào, và hơn hết, bằng cả trách nhiệm và niềm tự hào với quê hương, xứ sở, sẽ giúp cho nông sản tối ưu giá trị.
Thông qua “tour hái vải đêm” hay hoạt động trải nghiệm “thu hái trong đêm, thu mua trong ngày”, các bạn trẻ giúp cho vườn vải thêm phần cuốn hút. Thông qua cảm hứng thiết kế vải thiều vào trang phục trình diễn, các bạn trẻ giúp cho nông sản tự tin “bước vào” lĩnh vực mới. Nở những nụ cười rạng rỡ, nhẹ nhàng gật đầu chào đón, gửi lời cám ơn chân tình, các bạn trẻ tạo nên ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách: vườn vải không chỉ là điểm đến trải nghiệm, mà như về thăm quê nhà thiết thân.
Dõi theo những cánh bướm vàng rập rờn, chợt nhớ đến lý thuyết về “Hiệu ứng cánh bướm”. Hiệu ứng này chỉ ra rằng có những điều nhỏ nhoi như cái vỗ nhẹ của cánh bướm, tưởng chừng không đáng lưu tâm, hay chuỗi các sự kiện dường như không quan trọng, cũng có thể tác động ngoài phạm vi mong đợi, hay có thể tạo nên thay đổi lớn lao.
“Cánh bướm” ở Chão Cũ sẽ lan toả giá trị mới, giá trị của sinh thái, tự nhiên, ra Giáp Sơn, rồi cả miền Lục Ngạn và phủ khắp Bắc Giang. “Cánh bướm” từ những vườn vải sẽ tạo hiệu ứng tích cực lan toả đến các vườn cây ăn quả và các ngành hàng nông sản khác.
“Đã bao lâu rồi, bạn chưa về Bắc Giang?”. Về Bắc Giang, để được ít nhất một lần trải nghiệm hồn đất, cảm nhận tình người Lục Ngạn. Về “Hồ trên núi” - Cấm Sơn, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tạo nên cảm hứng của lời ca đi cùng năm tháng: “Nghe tiếng rừng, nghe tiếng suối. Xốn xang mái chèo, nhịp đời sinh sôi…”.
Ý kiến bạn đọc (0)