Xuất khẩu lao động mở hướng thoát nghèo
BẮC GIANG - Cùng với triển khai các dự án, mô hình giảm nghèo, thời gian qua, huyện Lục Nam (Bắc Giang) chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhờ đó, nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, diện mạo nông thôn khởi sắc.
Cuộc sống đổi thay
Cùng cán bộ UBND xã Bảo Đài (Lục Nam), chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Quang (SN 1985), trú tại thôn Quê. Căn nhà mới khang trang, kiên cố của vợ chồng anh nằm giữa vườn cây rợp bóng mát.
Từ xuất khẩu lao động, gia đình anh Nguyễn Văn Quang, thôn Quê, xã Bảo Đài có điều kiện mua đất, làm nhà. |
Do kinh tế gia đình khó khăn, học xong THPT, anh Quang rời quê vào TP Hồ Chí Minh làm việc rồi xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Tính (SN 1985), quê ở tỉnh Nghệ An. Dành dụm được chút vốn, năm 2015, anh Quang quyết định đưa vợ về quê lập nghiệp.
Vay mượn thêm bạn bè, người thân, hai vợ chồng đầu tư gần 500 triệu đồng thuê đất, xây chuồng nuôi thỏ, dê. Do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên đàn vật nuôi phát triển chậm, bị chết nhiều, không có lãi. Cuối năm 2017, vợ chồng anh lỗ gần 300 triệu đồng nên quyết định từ bỏ giấc mơ làm giàu từ chăn nuôi.
Nợ nần nhiều trong khi bố mẹ già yếu, các con lại đang tuổi ăn học, đầu năm 2018, anh Quang quyết định học tiếng nước ngoài để “xuất ngoại” sang Hàn Quốc lao động. Từng có nhiều năm làm công nhân tại các doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh, anh nhanh chóng bắt nhịp với môi trường mới, khẳng định được tay nghề, thu nhập 40-45 triệu đồng/tháng.
Đến nay, sau 6 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh có tiền gửi về để vợ trả nợ, mua đất và làm nhà. “Nếu không đi XKLĐ thì vợ chồng tôi không biết dựa vào đâu để trả số nợ lớn, chứ nói gì đến mua đất, làm nhà. Giờ cuộc sống ổn định, tôi dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bố mẹ, nuôi dạy các con để chồng yên tâm làm việc bên xứ người”, chị Nguyễn Thị Tính chia sẻ.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Nam phối hợp với các DN tuyên truyền, tư vấn, giải quyết việc làm cho gần 4 nghìn lao động, trong đó có 397 người đi XKLĐ tại các nước. Qua đó, nâng tổng số lao động của địa phương đang làm việc ở nước ngoài lên hơn 7,9 nghìn người.
Diện mạo thôn Thanh Giã 1, xã Tam Dị khởi sắc nhờ xuất khẩu lao động. |
Ghi nhận tại thôn Thanh Giã 1, xã Tam Dị (Lục Nam) cho thấy, 90% số hộ trong thôn có người đang lao động ở nước ngoài với tổng số hơn 300 người. Nhờ XKLĐ, nhiều hộ có điều kiện cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo, có vốn đầu tư kinh doanh. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, trong thôn có 4 hộ thoát nghèo, tất cả đều nhờ XKLĐ.
“Trước kia, thôn Thanh Giã 1 khó khăn lắm. Từ khi phong trào XKLĐ lan tỏa, diện mạo làng quê ngày càng khang trang, 100% hộ gia đình có người đi XKLĐ đã xây dựng được nhà kiên cố, nhiều hộ mua ô tô và có tiền gửi ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Nền, Trưởng thôn Thanh Giã 1 chia sẻ.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo đánh giá, các chính sách về lao động nói chung, hỗ trợ XKLĐ nói riêng đã góp phần nâng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Cụ thể, năm 2023, toàn huyện còn 1.848 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3%; giảm 1.572 hộ, giảm 2,64% so với năm 2021. Tại các địa phương, nguồn kiều hối từ hoạt động XKLĐ đã mang lại nguồn lực quan trọng để phát triển KT-XH.
Cán bộ UBND xã Bảo Đài gặp gỡ, thông tin về tình hình lao động tới gia đình có con em đi XKLĐ. |
Ví như tại xã Bảo Đài, với hơn 1 nghìn người đang lao động tại các nước, trung bình mỗi năm lực lượng này gửi về địa phương hơn 200 tỷ đồng, góp phần nâng thu nhập bình quân của xã lên 75 triệu đồng/người/năm, vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025.
Tương tự, tại xã Tam Dị, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 4,04 %, giảm 3,54 % so với năm 2021. Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Dị chia sẻ: “Để giữ lại tiền cho người lao động sau khi đi làm ở nước ngoài về, cán bộ xã, thôn vận động các gia đình chỉ chi tiêu cho những việc cần thiết như làm nhà ở, lo cho con ăn học. Số dư thì chuyển vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng để sau này khi lao động về nước có vốn tạo sinh kế ổn định”.
Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Lục Nam xác định XKLĐ là một trong những giải pháp thiết thực trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo cơ quan, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về XKLĐ.
Với trách nhiệm của mình, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp rà soát, thống kê danh sách số người trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi XKLĐ của họ. Cùng đó khảo sát, lựa chọn thị trường sao cho phù hợp với lao động địa phương và chọn DN có uy tín để tư vấn cho người dân.
Thực hiện vai trò hỗ trợ vốn vay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi về các chương trình, chính sách hỗ trợ; các hội, đoàn thể đứng ra nhận ủy thác giúp hội viên của mình tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 32 lao động được vay vốn ưu đãi đi XKLĐ với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
Đồng chí Vũ Hoài Sơn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Nam cho biết: “Để đẩy mạnh chương trình XKLĐ, ngoài việc tập trung tuyên truyền, chúng tôi sẽ phối hợp với các DN hoạt động lĩnh vực này thông tin về thị trường lao động cũng như chế độ đãi ngộ để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp. Định kỳ hằng tháng, chúng tôi phối hợp với UBND các xã, thị trấn thông báo tình hình lao động tại nước ngoài để người thân trong huyện yên tâm”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)