No ấm nhờ vườn thanh long ruột đỏ
Từng có ba năm đi xuất khẩu lao động, khi tích luỹ được chút vốn, năm 2016, bà Thu trở về quê cùng gia đình tập trung cải tạo vườn, đồi cằn cỗi bằng các loại cây ăn quả.
“Một lần đến thăm vườn trồng thanh long ruột đỏ của bà con trong xã, tôi thấy cây này dễ trồng, sai quả, cho giá trị kinh tế cao hơn các cây trồng khác nên tháng 8/2019 gia đình quyết định mua 200 cây giống về trồng thử” - bà Thu cho biết.
Sau một năm tích cực chăm sóc, cây ra hoa nở trắng cả vườn, đồi rồi cho những trái ngọt đầu tiên. Nhận thấy loài cây trồng mới có nhiều triển vọng trên đồng đất quê hương, nhất là lại được địa phương định hướng phát triển, năm sau, gia đình lần lượt thay thế diện tích trồng vải thiều, chanh đào kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ, nâng tổng diện tích lên 2 ha, với gần 2 nghìn cây.
Bà Thu vui mừng vì năm nay vườn thanh long năng suất cao. |
“Đi sau” nên gia đình bà học hỏi, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là khâu chọn giống. Giống thanh long ruột đỏ của gia đình bà Thu cho quả tròn, to, 2 quả/kg, màu sắc đẹp, vị ngọt mát được ông bà cất công tìm mua tận nhà vườn ở Ninh Bình.
Khu vườn của gia đình được thiết kế khoa học với những hàng cọc bê tông cho cây leo lên bám trụ, ra nhánh, hệ thống nước tưới tự động. Xen giữa các gốc thanh long là các loại rau cải, rau muống, mùng tơi, rau gia vị. Bà Thu chia sẻ: "Để các loại cây có thể phát triển tốt, tôi áp dụng quy trình chăm sóc an toàn, sử dụng phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp và men vi sinh để giữ chất dinh dưỡng cho đất tơi xốp". Mùa nào thức ấy, mỗi ngày thu về từ bán rau 700 nghìn đồng đến hơn 1,2 triệu đồng, chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn ở TP Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.
Riêng thanh long thu hoạch rải từ tháng 5 đến tháng 11 với 6-7 lứa quả. Năm nay, sản lượng thanh long ước đạt 30 tấn. Với giá bán bình quân 17 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng, tăng gần 100 triệu đồng so với năm trước. Thương nhân đến tận vườn thu mua nên ông bà chỉ việc tính cân, thu tiền mà không vất vả mang đi tiêu thụ.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Sơn, không chỉ giỏi làm kinh tế, bà Bùi Thị Thu còn gương mẫu trong các phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", vận động người thân bảo vệ môi trường, xây dựng xã nông thôn mới Bình Sơn xanh, sạch, đẹp, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)