Nấm chẹo - "vàng ròng" từ rừng dẻ Lục Nam
Không chỉ biết chọn thời điểm, người hái nấm còn phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo. |
Đi rừng tìm nấm chẹo
Mới đây, trong một chuyến công tác cùng cán bộ kiểm lâm huyện Lục Nam, tôi được nghe kể về nấm chẹo - loại nấm được mệnh danh là “vàng ròng" của rừng. Để thỏa chí tò mò, tôi đề nghị anh Phạm Bằng Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đưa đi thực tế mong được tận mắt thấy loại nấm quý này. Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối tuần vừa rồi, tôi theo anh Giang về xã Nghĩa Phương (Lục Nam) để nghe những câu chuyện về nấm chẹo. Đây được coi là “vương quốc” của loài nấm này bởi toàn xã có hơn 500 ha rừng dẻ, chiếm gần 50% tổng diện tích rừng dẻ của huyện. Vừa đến bìa rừng thuộc thôn Dốc Lỉnh, chúng tôi gặp một nhóm người từ rừng về, ai nấy đều phấn chấn bởi "săn" được nhiều nấm. Vừa cho tôi xem thành quả, chị Nguyễn Thị Thêm vui vẻ cho biết: “Hôm nay gặp may, tôi hái được hơn 20 kg nấm. Với giá bán 140 nghìn/kg nấm tươi, tôi thu gần 3 triệu đồng”.
Sau những lời thăm hỏi, chúng tôi cùng anh Nguyễn Đình The, Trưởng thôn Dốc Lỉnh, cũng là một trong những tay "săn" nấm có tiếng tiếp tục hành trình vào rừng. Trên đường đi gặp hàng chục người dân khác trở về sau khi tìm nấm chẹo. Theo lời anh The, cả thôn Dốc Lỉnh hơn 100 hộ thì có quá nửa được hưởng lộc rừng vào mỗi mùa nấm. Trong số ấy có những tay “sát” nấm như chị Thêm, anh Dư, anh Bình… Được biết, nấm chẹo mọc ở một số vùng thuộc Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh... Ở Bắc Giang, loài nấm này chỉ xuất hiện tại một số rừng dẻ thuộc huyện Lục Nam và Sơn Động, mọc ở những nơi có nhiều cây chẹo, cây dẻ. Khu rừng nào càng nhiều cây già, cây mục thì càng nhiều nấm. Mỗi năm, nấm sinh trưởng mạnh vào hai thời điểm là tháng 3-4 và 6-8 âm lịch.
Nấm chẹo có nhiều chất dinh dưỡng nên được thương lái thu mua với giá cao, trong khi nấm chỉ có ở một vùng đất nhất định. Cùng một quả đồi nhưng loài nấm này mọc ở một góc đất nhỏ nên khá hiếm. Chính vì điều đó, chúng tôi coi nấm chẹo là “vàng”, là lộc trời mà thiên nhiên đã ban tặng".
Anh Nguyễn Đình The
|
Bằng kinh nghiệm hơn 10 năm tìm nấm, anh The nhanh chóng đưa chúng tôi đến một khoảnh rừng dẻ có nấm mọc nhiều nhất. Dù vẫn còn dấu chân của những người đi trước đó nhưng anh The quả quyết sẽ tìm thấy nấm. Bởi theo anh, loại nấm này mọc rất nhanh. Chỉ sau khoảng hơn một giờ là lại có lớp cây mới mọc lên. Quả không sai, chúng tôi đi sâu vào khu rừng chừng 30 mét đã bắt gặp ngay một khoảnh nấm mới nhú. Chúng có hình cái ô, màu đỏ sặc sỡ, rất giống với hình thù của nấm độc nhưng theo anh The đây là loại nấm lành. Tôi định hái thì anh vội ngăn lại và nói: “Tìm được vị trí nấm mọc đã khó, vấn đề hái nấm như thế nào để không bị hỏng, dập nát cũng không phải chuyện đơn giản. Người có kinh nghiệm thường cầm vào thân cây nấm rồi xoay ngược chiều kim đồng hồ hoặc nhấc nhẹ lên. Ngoài ra, khi hái không được nhổ toàn bộ mà phải để lại gốc nấm. Từ đây, những cây nấm mới sẽ tiếp tục mọc lên”.
Được biết, nấm chẹo chỉ mọc dưới gốc cây dẻ hoặc cây chẹo và đặc biệt là mọc đơn độc, không theo cụm. Tuổi thọ của nấm chẹo rất ngắn, sáng mọc tối tàn. Đây chính là những kinh nghiệm "cha truyền, con nối" của người dân thôn Dốc Lỉnh để mỗi khi đi rừng không hái nhầm nấm độc. Bao năm qua, ở thôn không xảy ra trường hợp nào ngộ độc do ăn nấm. Một điều kỳ lạ khác mà anh The cho biết, loại nấm này rất kỵ hơi người, khi hái nấm không được ngồi, nếu không chỗ đó hôm sau nấm sẽ không mọc nữa. Đồng thời cũng phải cầm nhẹ nhàng vì nấm chẹo rất dễ vỡ.
Gìn giữ lộc rừng
Theo người dân Nghĩa Phương, nấm chẹo chủ yếu được các thương nhân trong, ngoài tỉnh thu gom, sau đó đưa sang Trung Quốc tiêu thụ với giá cao, có hàng đến đâu bán hết đến đó. Sau khi cùng anh The hái nấm, chúng tôi đến gia đình anh Phạm Văn Tâm, thôn Tân Hương, xã Nghĩa Phương khi trời đã gần trưa. Lúc này anh chuẩn bị đưa mẻ nấm vừa thu mua của bà con vào lò sấy. Vào mùa nấm nở rộ, mỗi ngày, gia đình anh gom được gần một tạ nấm tươi. Sau khi sơ chế, nấm được đưa vào lò sấy.
“Cứ 6 kg nấm tươi sẽ thu được 1 kg nấm khô. Hiện nấm khô được thương lái Trung Quốc thu mua với giá khoảng 1,2 triệu đồng/kg”, anh Tâm chia sẻ. Cũng theo lời anh, loại nấm dùng để sấy là những cây vừa nhú lên khỏi mặt đất, cánh nấm xòe ra, trên cánh nấm phải còn nguyên lớp phấn trắng như bột bao phủ. Với những cây nấm đã tan hết phấn đậu trên cánh nấm nhưng phần thân vẫn còn nguyên hình dạng chưa sứt mẻ hay bị nát, gãy, bà con thường chế biến thành các món ăn. “Trước đây, người dân trong vùng thường dùng nấm chẹo như một món ăn đặc sản nhưng giờ giá bán cao nên cũng ít người ăn, sản lượng thu hái được chủ yếu để bán”, anh Tâm nói.
Nấm chẹo. |
Lắng nghe những câu chuyện bà con kể về nấm chẹo, chúng tôi được biết, nhiều hộ đã khá giả nhờ lộc rừng. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thêm. Nếu như cách đây vài năm, cuộc sống 4 người trong gia đình gặp nhiều khó khăn khi tất cả chỉ trông vào tiền hỗ trợ, chăm sóc bảo vệ rừng và vài sào ruộng thì nay, rừng dẻ đã mang lại nguồn thu đáng kể. Chị tâm sự: “Mùa cây dẻ rụng hạt thì nhặt hạt bán. Đến mùa nấm, tôi lại vào rừng hái nấm. Tính ra, mỗi vụ nấm, gia đình thu về gần 40 triệu đồng”.
Rồi chị kể, cách đây vài năm, có một nhóm người đến xúi giục chị chặt cây dẻ để bán cho các doanh nghiệp làm than hoạt tính nhưng chị nhất quyết không đồng ý. Bởi chị biết như thế là vi phạm pháp luật. Hơn thế, chị luôn coi rừng dẻ là của để dành cho các con. Hay như trường hợp của gia đình anh Vỹ, ở xã Vô Tranh (cùng huyện). Gia đình anh sắm được ti vi, tủ lạnh cũng như nhiều vật dụng trong gia đình đều từ những mùa nấm chẹo. Theo cách làm của anh, nhiều hộ trong xã đã và đang quyết tâm giữ lấy rừng dẻ, vừa bảo tồn được rừng tự nhiên, vừa mang lại thu nhập khá cải thiện đời sống.
Theo anh Phạm Bằng Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam, hiện toàn huyện có hơn 9 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó khoảng 1,2 nghìn ha rừng dẻ, nằm rải rác tại các xã: Nghĩa Phương, Lục Sơn, Trường Sơn, Huyền Sơn, Vô Tranh, Trường Giang. Tuy nhiên không phải khu vực nào có rừng dẻ cũng có nấm chẹo bởi chúng mọc theo từng khu vực và trong điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nhất định. Khi được hỏi làm thế nào để nhân rộng nấm chẹo ra toàn bộ các cánh rừng dẻ, giúp người chăm sóc đều thu lợi từ rừng, từ đó giữ rừng, anh Phạm Bằng Giang trăn trở: “Đây là điều tôi canh cánh từ lâu. Tôi cũng như nhiều người dân mong muốn sản phẩm phụ từ rừng này được nghiên cứu, khai thác một cách bền vững, bảo đảm tính đa dạng của thảm thực vật, đồng thời tránh tình trạng khai thác ồ ạt và bán sản phẩm thô như hiện nay”.
Để "vàng" của rừng còn mãi, theo anh Giang, các cơ quan chuyên môn sớm có đề án nghiên cứu về giá trị cũng như đặc tính của nấm chẹo. Từ đó có hướng phát triển cũng như chế biến, phục vụ nhu cầu trong nước. Về phía người dân cần quản lý, bảo vệ tốt rừng tự nhiên, không vì lợi nhuận trước mắt mà phá rừng, bảo đảm đủ điều kiện cho nấm chẹo sinh trưởng, phát triển tốt.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)