Lục Nam: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới
Xây dựng khu dân cư văn hóa điển hình
Đến thôn An Phú, xã Cương Sơn, cảm nhận đầu tiên là diện mạo làng quê khang trang. Cổng làng, tường bao nhà văn hóa được nâng cấp, sơn mới sạch đẹp. Trục đường chính vào thôn mở rộng gấp đôi, ven đường có dãy hoa nhiều màu sắc rực rỡ. Đón chúng tôi ở cổng, bà Tô Thị Điểm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phấn khởi: “Mấy ngày nay, người dân trong thôn đang gấp rút hoàn thiện những phần việc cuối cùng như trồng cây cảnh, lắp đặt dụng cụ thể thao trong khuôn viên nhà văn hóa, treo băng rôn… để chuẩn bị cho lễ đón nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Bởi vậy, nhà văn hóa lúc nào cũng có người qua lại. Mỗi buổi tối vang tiếng luyện tập của các bà, các chị đội văn nghệ thôn”.
Thôn An Phú có 175 hộ, vừa được công nhận thực hiện tốt mô hình khu dân cư điển hình tiên tiến. Có được điều này là do sự tự giác, gương mẫu của người dân trong thực hiện các phong trào như: Quyên góp ủng hộ các loại quỹ; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; làm đường giao thông; cứng hóa kênh mương; giúp nhau phát triển kinh tế. Được biết, xã Cương Sơn cũng là điểm sáng của huyện trong phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa khi 8/8 thôn đều đạt danh hiệu văn hóa cấp huyện từ 5 năm trở lên.
Khu trung tâm thôn An Phú, xã Cương Sơn (Lục Nam). |
Còn ở thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương, thông qua các buổi họp, cấp ủy, lãnh đạo thôn và ban công tác mặt trận khu dân cư đã làm tốt công tác tuyên truyền để các hộ thấy rõ ý nghĩa của việc xây dựng khu dân cư điển hình. Ngoài khuyến khích người dân tiếp tục phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, thôn còn quan tâm huy động nội lực trong dân cùng chung tay thực hiện cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh trật tự. Từ sự đồng lòng, chung sức xây dựng làng quê, năm nay, 96% số hộ trong thôn đạt gia đình văn hóa. Thôn 14 năm liên tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa.
Bà Phùng Thị Minh, một người dân sinh sống ở đây chia sẻ: “Xây dựng khu dân cư điển hình, bản thân mỗi người đều tự thấy có trách nhiệm tích cực lao động, phát triển kinh tế, góp sức tạo dựng làng quê thêm đẹp. Cuối tháng 11 vừa qua, thôn làm đường ngõ xóm, gia đình tôi đã tự nguyện lùi tường bao để mở rộng đường từ 4m lên 5m.
Quan tâm tuyên truyền, vận động
Theo ông Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự. Để nhân rộng, hằng năm, Ban chỉ đạo huyện đều quan tâm hướng dẫn các xã, thị trấn đăng ký mô hình. Các mô hình chủ yếu như phấn đấu làng văn hóa xanh, sạch, đẹp; tự quản về vệ sinh môi trường; bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự. Cùng đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, các tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư văn hóa”, “Thị trấn văn minh" tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên nhân dân tích cực tham gia. Quá trình thực hiện phát huy vai trò của ban công tác mặt trận khu dân cư, nhất là trong vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước, xây dựng nếp sống văn hóa.
Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm bố trí hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa. Tính riêng năm nay, toàn huyện đã có 18 nhà văn hóa thôn được xây mới, sửa chữa. Khu trung tâm văn hóa ở các thôn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi, hội họp của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng. Liên hệ cách làm ở địa phương, bà Phùng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết: Hằng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai tới các ban ngành, đoàn thể, khu dân cư đăng ký danh hiệu văn hóa. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được phân công phụ trách theo từng mảng hoạt động và ở từng khu dân cư. Ngoài ra, qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở, những gương điển hình được biểu dương, khích lệ, tạo sức lan tỏa.
Kết quả bình xét năm nay cho thấy, toàn huyện Lục Nam có hơn 54.800 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm hơn 90%; có 238/282 thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa. Các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự ở mỗi vùng quê. Kinh nghiệm thực hiện phong trào hiệu quả là các cấp ủy cơ sở thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Phát huy vai trò của các câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ, thể thao giúp người dân cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Bài, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)