Lục Nam (Bắc Giang) kích cầu làm đường ở vùng khó khăn
Nếu đến các xã vùng cao của huyện Lục Nam, điều dễ cảm nhận chỉ trong thời gian ngắn, các tuyến đường liên thôn, liên xã được cứng hóa rộng, dài hơn, đi lại thuận tiện. Huyện có 5 xã khu vực Tứ Sơn gồm: Lục Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Trường Giang và nhiều thôn, bản thuộc vùng ĐBKK. Từ đường Tây Yên Tử, những tuyến nhánh được trải nhựa hoặc bê tông hóa nối với trung tâm các xã và cơ bản đã kéo đến gần hết các thôn, bản ở vùng cao.
Đường giao thông ở thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn được cứng hóa. Ảnh: Đinh Hương |
Xác định việc đầu tư nâng cấp “huyết mạch” giao thông là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa nghèo ở khu vực này, cùng với chính sách kích cầu qua hỗ trợ xi măng của tỉnh, Chương trình 135 của Chính phủ, huyện có chính sách ưu tiên cho các xã, thôn vùng ĐBKK.
Năm 2017, huyện hỗ trợ từ 150 đến 200 triệu đồng/km tùy loại đường. Năm sau, riêng các xã vùng khó khăn được ưu tiên nhiều hơn là 100 triệu đồng/km. Năm 2019, các địa phương được hỗ trợ từ 200 đến 250 triệu đồng/km.
“Nhờ chính sách kích cầu của tỉnh, huyện và lồng ghép vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở vùng cao nở rộ. Hai năm qua, người dân ở khu vực này đã cứng hóa gần 70 km và năm nay dự kiến thực hiện khoảng 125 km”, ông Trần Văn Chức, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Nam nói.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân các xã, thôn vùng ĐBKK. Không những góp tiền đối ứng, nhiều người dân còn hiến đất giải phóng mặt bằng làm đường.
Từ năm 2017, huyện hỗ trợ các xã, thôn từ 150 đến 200 triệu đồng/km tùy kết cấu mặt đường. Năm sau, riêng các xã vùng khó khăn được ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn là 100 triệu đồng/km. Năm nay, các địa phương này tiếp tục được hỗ trợ từ 200 đến 250 triệu đồng/km tùy loại, đường rộng từ 3,5 m trở lên. |
Có hộ dân đã hiến hàng trăm mét vuông đất vườn, đất nông nghiệp, tự tháo dỡ một số công trình của gia đình để tạo điều kiện cho con đường thi công được nhanh gọn, khi hoàn thành sẽ rộng rãi, đẹp hơn.
Kể từ khi có chính sách kích cầu cứng hóa giao thông, Đảng ủy, UBND xã Lục Sơn tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo các thôn, bản tích cực vận động bà con góp tiền đối ứng, giải phóng mặt bằng hưởng ứng phong trào.
Thôn Vĩnh Tân có nhiều hộ góp tiền, hiến đất cứng hóa đường thôn. Đơn cử như gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc góp 60 triệu đồng và hiến hơn 460 m2 đất vườn, rừng; ông Nguyễn Hữu Quý hiến khoảng 760 m2 đất vườn... Với sự đồng thuận đó, con đường bê tông ở thôn Vĩnh Tân đã hoàn thành.
Lãnh đạo và người dân thôn Thọ Sơn, xã Lục Sơn kiểm tra con đường vừa hoàn thành. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dương Ngọc Hà, ba năm gần đây, 17/17 thôn, bản của xã Lục Sơn nở rộ phong trào cứng hóa đường nông thôn, tiêu biểu là các thôn, bản: Thọ Sơn, Vĩnh Tân, Khe Nghè, Trại Cao.
Đến nay toàn xã có 167 hộ đã hiến hơn 9 nghìn m2 đất làm đường; hơn 20 km đường thôn, liên thôn đã được cứng hóa, chiếm tỷ lệ gần 80%. Lục Sơn phấn đấu đến tháng 10 năm nay, tất cả các tuyến đường thôn, liên thôn của xã đều được đổ bê tông.
Trước đây, các xã vùng cao khu vực Tứ Sơn của huyện Lục Nam được coi là “vùng lõm” trong phát triển KT-XH, bởi đây là địa bàn vùng xa trung tâm huyện, giao thông không thuận lợi. Kể từ khi đường tỉnh 293 – con đường tâm linh Tây Yên Tử đoạn qua địa bàn huyện hoàn thành, cùng với phong trào cứng hóa các tuyến đường nhánh liên xã, liên thôn kết nối con đường này, vùng đất Tứ Sơn như được đánh thức.
Từ đây có thể dễ dàng sang huyện Lục Ngạn, Sơn Động hoặc đến tỉnh Quảng Ninh bằng những con đường lớn. Việc ưu tiên kinh phí đầu tư, hỗ trợ xây dựng đường ở các thôn, bản, xã ĐBKK là chủ trương đúng, như "luồng gió mới” làm thay đổi diện mạo giao thông vùng cao, giúp đời sống của người dân nơi đây vơi bớt khó khăn, động lực để các xã vùng cao vươn lên xây dựng nông thôn mới.
Bảo Khánh - Diệu Lan
Ý kiến bạn đọc (0)