Liên kết sản xuất: Tăng giá trị, thuận đầu ra
BẮC GIANG - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương, nhiều hộ dân ở huyện Lục Nam chủ động liên kết thành lập hợp tác xã (HTX), xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Với sự chung sức của mỗi thành viên, các HTX từng bước lớn mạnh, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.
Tăng thu nhập
Gắn bó với đồng ruộng, ông Nguyễn Duy Phương (SN 1968) ở thôn Chấu, xã Bảo Đài (Lục Nam) tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất. Trước đây, trên diện tích 6 nghìn m2 nhà lưới, vợ chồng ông thâm canh nhiều loại cây trồng khác nhau, từ su hào, bắp cải đến hoa, dưa các loại. Dù sản phẩm làm ra có chất lượng song do chưa có liên kết, sản lượng ít nên việc tiêu thụ khó khăn. Tháng 1/2018, ông Phương cùng 6 hộ dân trên địa bàn huyện thành lập HTX Nông sản an toàn Lục Nam.
Mô hình liên kết trồng đu đủ tại xã Bình Sơn (Lục Nam). |
Trên diện tích 5 ha nhà lưới, các thành viên tập trung sản xuất cùng một loại nông sản, chủ yếu là dưa lưới, dưa chuột để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, tạo ra lượng hàng hóa lớn. Nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm, HTX ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp tại TP Hà Nội với giá bán ổn định. Hiện mỗi năm HTX đưa ra thị trường từ 150 đến 180 tấn dưa các loại. Với giá bán bình quân 22 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, HTX thu lãi gần 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhờ có sự liên kết, chất lượng sản phẩm của các thành viên HTX đồng đều, được khách hàng đánh giá cao. Không chỉ tăng thu nhập cho thành viên, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Hiện huyện Lục Nam có 92 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp với tổng số vốn điều lệ hơn 298 tỷ đồng. Qua đánh giá, do các HTX được thành lập dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như nhu cầu thực tế của người dân nên hầu hết hoạt động hiệu quả. Ví như, sau 6 năm thành lập, HTX Dược liệu Lựu Chanh Trường Sơn (Lục Nam) có bước phát triển mới. Từ 10 ha cây trà hoa vàng của 9 thành viên, đến nay diện tích trồng loại cây này của HTX đã tăng lên hơn 30 ha. Đặc biệt, HTX đã xây dựng khu nhà xưởng chế biến, khu trưng bày sản phẩm rộng khoảng 1 nghìn m2 và có văn phòng giới thiệu sản phẩm tại TP Hà Nội. HTX đạt doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 20-30%.
Tương tự, sau 4 năm thành lập, HTX Dưa leo quê Lục Nam, thôn Va, xã Đông Phú có hợp đồng cung cấp dưa leo với sản lượng 20-30 tấn/ngày cho Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu G.O.C, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang); ký hợp đồng tiêu thụ tại TP Hà Nội cũng như nhiều tỉnh miền Trung... Hiện mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 7 nghìn tấn nông sản, chủ yếu là dưa leo, khoai tây, khoai sọ, hành... Theo anh Hoàng Ngọc Tình, Giám đốc HTX Dưa leo quê Lục Nam, bên cạnh tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, HTX còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong xã và một số địa phương lân cận. Qua đó, giúp các hộ yên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra, thu nhập vì thế tăng lên.
Hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết
Là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Na dai, trà hoa vàng, nhãn, dứa, dưa các loại…, huyện Lục Nam có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa. Xác định vai trò của các HTX với phát triển KT-XH, những năm qua, UBND huyện có nhiều chính sách hỗ phát triển HTX. Chỉ tính riêng năm 2024, toàn huyện có 16 HTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng; 4 HTX được hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết... Từ nguồn hỗ trợ, các HTX quan tâm thiết kế, in bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP… Đặc biệt, doanh thu bình quân của HTX tăng, hiện đạt 1,1 tỷ đồng/năm, lãi bình quân của HTX là 540 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động trong HTX đạt 64,3 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2023.
Qua thống kê, hiện 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có HTX, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các HTX góp phần thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới như: Hình thức tổ chức sản xuất, hộ nghèo, lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập của người dân, môi trường… Mặc dù vậy, đa số HTX chưa chú trọng khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nhiều HTX quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ hiệu quả còn thấp. Các mặt hàng nông sản của HTX làm ra tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa ổn định về sản lượng, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế…
Khắc phục những hạn chế này, cùng với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 44 ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, UBND huyện giao cơ quan chuyên môn hỗ trợ các địa phương, HTX lựa chọn, xây dựng các chuỗi liên kết phù hợp với địa bàn và có tính khả thi cao. Cùng đó lồng ghép nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong các kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. “Để khai thác lợi thế, từ đó sản xuất ra sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh, chúng tôi quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết. Tại các chuỗi, HTX giữ vai trò cầu nối, vừa hướng dẫn thành viên, hộ liên kết sản xuất theo quy trình, vừa quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ”, ông Nguyễn Hữu Luân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nói.
Ý kiến bạn đọc (0)