Làm giàu từ chăn nuôi khép kín
Sinh ra và lớn lên tại xã Bắc Lũng, khi vừa tròn 19 tuổi, chị Trương Thị Điền nên duyên vợ chồng với anh Nguyễn Văn Thịnh ở thôn An Phú. Sau đó, được bố mẹ chồng cho ra ở riêng với hai sào ruộng khoán, cuộc sống của vợ chồng chị Điền đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi anh chị đón đứa con đầu lòng.
Chị Trương Thị Điền chăm sóc đàn dê. |
Năm 2008, đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế thì chị biết đến mô hình chăn nuôi gà khép kín từ một người họ hàng tại tỉnh Vĩnh Phúc. Qua tìm hiểu thực tế tại một số cơ sở chăn nuôi gà trong và ngoài tỉnh, năm 2019, chị Điền liên hệ trực tiếp với một doanh nghiệp để liên kết chăn nuôi.
Theo đó, chị bàn với chồng chặt bỏ toàn bộ vườn cây tạp, hiệu quả kinh tế không cao, mạnh dạn vay vốn ngân hàng, bạn bè, người thân… đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín rộng 1.400 m2. Lứa đầu tiên, gia đình chị chăn nuôi 1,2 vạn con gà. Đến năm sau, chị tiếp tục mở rộng hệ thống chuồng trại thêm 900 m2.
Chị Điền cho biết, trong chăn nuôi gà thì khâu phòng bệnh là quan trọng nhất. Để đàn gà phát triển khỏe mạnh, trước khi nhập gà, chị vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng 2 - 3 hôm, sau đó mới tiến hành rắc trấu, vào gà, tiêm phòng vắc-xin định kỳ. Với mô hình liên kết, gia đình chị được doanh nghiệp cung cấp con giống, hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật nên hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi.
Đến nay, tổng đàn gà trong trang trại nhà chị đã lên đến 2 vạn con/lứa. Mỗi năm, chị chăn 3 lứa, cho thu khoảng 150 tấn thịt/năm; doanh nghiệp thu mua với giá từ 60 - 65 nghìn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, hằng năm gia đình chị thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng.
Năm 2021, chị Điền tiếp tục đầu tư xây dựng 100 m2 chuồng trại chăn nuôi 70 con dê thương phẩm và dê nái. Nắm bắt cơ hội, chị Trương Thị Điền đã thành công từ trang trại chăn nuôi khép kín. Đây cũng là mô hình tiêu biểu để hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn học hỏi, làm theo cùng phát triển kinh tế.
Nguyễn Hào
Ý kiến bạn đọc (0)