Đổi thay ở Tứ Sơn
Từ cơ sở hạ tầng…
Nắng tháng Tám trải dài trên tỉnh lộ 293 phẳng phiu chạy qua 4 xã vùng Tứ Sơn khiến con đường như dải lụa uốn lượn giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, cây ăn quả các loại. Ngồi trên xe cùng tôi, anh Hoàng Văn Huy, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Lục Nam tâm sự: “Trước đây, mỗi khi bà con vùng Tứ Sơn muốn ra trung tâm huyện thường mất cả ngày bởi đường quanh năm bụi bặm, lầy lội. Từ năm 2011, khi Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường này, người dân đi lại thuận tiện, tạo ra diện mạo mới cho cả vùng”.
Anh Phùng Văn Luận, thôn Bãi Gạo, xã Vô Tranh kiểm tra sản phẩm gỗ bóc của gia đình. |
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang nằm cạnh tỉnh lộ 293, Bí thư Đảng ủy xã Vô Tranh Lưu Văn Báo cho biết, mấy năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở hạ hầng trên địa bàn xã Vô Tranh nói riêng, cả vùng Tứ Sơn nói chung được đầu tư xây mới to đẹp hơn, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Dạo một vòng quanh xã Vô Tranh, từ thôn Trại Lán, Đồng Mạ tới thôn Đồng Quần, Ao Sen, đến đâu cũng thấy đường giao thông được bê tông hóa, đi lại thuận lợi. “Mặc dù điều kiện tự nhiên của xã nhiều đồi núi, dân cư phân tán song đến nay 70- 80% đường giao thông của xã đã được đổ bê tông”, ông Báo nói.
Sự đổi thay ở vùng Tứ Sơn không chỉ thông qua mạng lưới giao thông mà còn thể hiện qua sự đầu tư xây dựng những hồ đập trữ nước phục vụ bà con phát triển kinh tế nông- lâm nghiệp. Nếu như trước đây, các đập lớn nhỏ ở vùng Tứ Sơn được làm bằng đất, dễ bị sạt lở mỗi khi mùa mưa đến thì nay được kè đá chắc chắn, vừa ngăn được lũ, vừa trữ nước để phục vụ nước tưới quanh năm.
Đưa chúng tôi lên thăm công trường xây dựng hồ Khe Cát, thôn Điếm Rén, xã Trường Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hà Quốc Hưng quả quyết, khi công trình đi vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa cung cấp nước tưới cho cánh đồng Mai Sưu rộng 160 ha mà còn mở ra cho địa phương hướng phát triển du lịch sinh thái - tâm linh với những địa danh nổi tiếng như: Đền Bà Chúa ở bản Vua Bà, đình Mai Sưu ở thôn Điếm Rén… Anh Hoàng Văn Nghĩa, chỉ huy công trường xây dựng hồ Khe Cát cho biết, công trình được khởi công từ tháng 1/2021 với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, hiện đã đạt 60% khối lượng xây lắp, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 10 tới, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.
… đến đổi mới tư duy phát triển kinh tế
Có thời gian thâm nhập thực tế ở những thôn, xóm vùng Tứ Sơn, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây. Nếu như trước kia, không ít người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì nay đã chủ động tìm cách phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giầu từ chính mảnh vườn, khu rừng của mình.
Qua đánh giá, tổng thu nhập từ cây ăn quả ở 4 xã vùng Tứ Sơn trong năm qua đạt gần 1 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện để bộ mặt nông thôn ngày càng thay da đổi thịt. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn vùng giảm còn khoảng 8%. |
Vừa bước chân vào sân nhà anh Phùng Văn Luận, ở thôn Bãi Gạo, xã Vô Tranh, chúng tôi bắt gặp chiếc ô tô mới đỗ ngay trước hiên nhà. Anh Luận vui vẻ nói: “Gia đình vừa mua thêm chiếc ô tô con này trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tất cả đều nhờ kinh tế rừng”. Gia đình anh Luận có hơn 1 ha rừng kinh tế. Đặc biệt, cách đây 5 năm, gia đình anh mở xưởng bóc gỗ, doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Theo anh Luận, nhiều người dân vùng Tứ Sơn đã giầu lên nhờ rừng. Trung bình, mỗi chu kỳ khai thác gỗ keo hoặc bạch đàn (4-5 năm), người dân thu về từ 130 - 150 triệu đồng/ha.
Được biết, hiện các xã: Vô Tranh, Trường Sơn, Bình Sơn và Lục Sơn có gần 3 nghìn ha rừng sản xuất được trồng bằng giống mới có năng suất, chất lượng gỗ tốt. Không những thế, người dân còn đầu tư mở hàng trăm xưởng bóc gỗ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức lương bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Khi hỏi về thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, tôi được Bí thư Đảng ủy xã Lục Sơn Nguyễn Hữu Lợi cho biết, ngoài phát triển kinh tế rừng, xã đang tập trung xây dựng, mở rộng vùng nhãn chất lượng cao với tổng diện tích 271 ha, ước sản lượng năm nay đạt 1,5 nghìn tấn. Trong đó, 50 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao.
Ông Nguyễn Danh Muôn ở thôn Vĩnh Tân cho biết, gia đình có 140 cây nhãn lâu năm, năm nay cho thu 10 tấn quả. Gia đình vừa bán hơn 3 tấn quả cho một công ty để xuất khẩu, giá từ 15-20 nghìn đồng/kg. “Tuy năm nay gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 song do sản phẩm nhãn Lục Sơn đã có tem nhãn truy xuất nguồn gốc nên tiêu thụ thuận lợi, bán được giá hơn so với nhãn ở các nơi khác”, ông Muôn chia sẻ.
Một góc trung tâm xã Trường Sơn hôm nay. |
Thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm của cán bộ, người dân nơi đây còn thể hiện ở chỗ mỗi địa phương chọn ra những sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng để tập trung xây dựng thương hiệu, như Lục Sơn có nhãn, Trường Sơn có bưởi Diễn, Vô Tranh và Bình Sơn có vải thiều, thanh long… Nếu tính tổng thu nhập từ cây ăn quả ở 4 xã vùng Tứ Sơn trong năm qua cũng đạt gần 1 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện để bộ mặt nông thôn ngày càng thay da đổi thịt. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn vùng chỉ còn khoảng 8%. Nhờ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nâng lên, con em được cắp sách đến trường; các tệ nạn, hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi, an ninh trật tự ổn định.
Ý kiến bạn đọc (0)