Thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) nằm dưới chân núi Gốm với hơn 92% là người dân tộc Tày sinh sống. Do năng động học hỏi kỹ thuật mới, tập trung thâm canh cây na dai nên cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng sung túc. Không những vậy, người dân thôn Suối Ván còn biết gìn giữ làn điệu hát then, bồi đắp thêm đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư, tạo nét độc đáo ở vùng quê thanh bình này.
Na dai - cây xóa đói giảm nghèo
Tháng 10, tờ mờ sáng, tiết trời se lạnh, vợ chồng chị Hoàng Thị Thủy ở thôn Suối Ván cẩn thận khoác thêm chiếc áo gió để ra vườn na. Những tia nắng cuối thu vàng rộm chiếu khắp vườn na sai trĩu quả. Một vài giọt nắng xuyên qua kẽ lá, rơi lỗ chỗ xuống mặt đất. Vợ chồng chị Thủy cần mẫn làm việc, tiếng kéo bấm cắt tỉa những cành tăm trên cây phát ra âm thanh lách tách, hòa lẫn tiếng chim gọi đàn, tạo lên bản giao hưởng đồng quê dưới trời thu.
Vịn tay vào gốc cây na có đường kính chừng 20 cm, chị Thủy khoe: “Đây là một trong những cây na “tổ”, được trồng sớm nhất vùng, vào năm 1991. Khi ấy, thôn Suối Ván chỉ có vài hộ trồng na dai, trong đó có gia đình tôi. Mặc dù đã 35 năm nhưng cây na vẫn lên xanh tốt, cho quả quanh năm”.
Gia đình chị Thủy hiện trồng 1 ha na dai, là một trong những hộ có diện tích na dai lớn nhất xã. Theo chị Thủy, trồng na không vất vả như các loại cây khác nhưng phải tinh ý từng khâu một, từ lúc đốn cành đến bón phân, thụ phấn và thu hoạch. “Nhiều gia đình ở thôn Suối Ván khấm khá lên nhờ cây na. Riêng gia đình tôi, năm trước thu được khoảng 450 triệu đồng”, chị Thủy nói.
Chị Hoàng Thị Thủy kiểm tra vườn na dai của gia đình để chuẩn bị bọc túi ni lông cho quả.
Vườn na dai của gia đình chị Hoàng Thị Thủy có nhiều cây trồng lâu năm.
Trò chuyện với ông Hoàng Văn Triệu, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Suối Ván, chúng tôi được biết, điều kiện thổ nhưỡng, địa thế canh tác ở đây rất khó cấy lúa, trồng rau, bởi đất pha cát bạc màu, độ dốc lớn. Ông Triệu nhớ lại: “Trước khi cây na dai được đưa về thôn Suối Ván, cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Lúa chỉ cấy được một vụ không ăn chắc vì chủ yếu trông vào nước trời, năng suất đạt 30 kg/sào. Suối Ván trở thành một trong những thôn đặc biệt khó khăn của huyện. Hầu như gia đình nào cũng thiếu ăn”.
Từ năm 1991, một vài hộ dân trong thôn mang giống na dai về trồng trong vườn nhà. Qua thời gian, cây na sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập khá. Từ đây, bà con tự nhân giống, trồng ra đồi bãi. Đến năm 2015, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, bà con trong thôn mở rộng diện tích trồng na xuống các chân ruộng cấy lúa năng suất thấp. Nhờ đó, đời sống của người dân thôn Suối Ván ngày càng khấm khá. Hiện Suối Ván là thôn có diện tích trồng na lớn nhất xã, với khoảng 70 ha.
Ông Đặng Văn Thành có thời gian dài làm cán bộ khuyến nông xã, nay chuyển sang làm cán bộ văn phòng UBND xã Nghĩa Phương cho biết, người dân thôn Suối Ván rất nhanh nhạy với kỹ thuật mới trong chăm sóc cây na. Họ biết cách cho quả ra từ thân, không ra đầu cành; đồng thời nhìn cây là biết cần để lại số quả bao nhiêu thì phù hợp. Đặc biệt, thôn Suối Ván là nơi đầu tiên của xã áp dụng kỹ thuật thụ phấn cho na.
Cây na dai ở thôn Suối Ván được người dân chỉ cho quả ra từ thân, không cho ra ở đầu cành nên sai quả và to đều.
Quả na ở đây được sản xuất theo quy trình VietGAP, tất cả đều được bọc trong túi ni lông, bảo đảm an toàn thực phẩm. Có lẽ vì thế, quả na ở thôn Suối Ván luôn có chất lượng thơm ngon vượt trội, được nhiều khách hàng tìm mua. Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Na dai Nghĩa Phương được thành lập, trong đó chủ yếu thành viên là các hộ dân ở thôn Suối Ván. Sản phẩm na của HTX cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Nếu như trước đây, hằng năm cây na chỉ cho thu hoạch từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8 thì nay, người dân thôn Suối Ván đã biết cách điều tiết cho cây na ra quả hầu như quanh năm, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12, trong đó tập trung vào na trái vụ (từ tháng 11 đến tháng 12) để bán được giá cao. Bình quân, mỗi gia đình trong thôn thu khoảng 50 triệu đồng/năm từ cây na dai; nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng, như gia đình các anh, chị: Hoàng Thị Thủy, Hoàng Văn Thái, Bế Văn Quân, Lương Văn Tích, Bùi Văn Hào… Thôn Suối Ván đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn từ năm 2018. Hiện cả thôn chỉ còn vài hộ nghèo, cơ bản là hộ khá và giàu. Trong đó, 80% gia đình xây được nhà tầng kiên cố; gần 30 hộ mua được ô tô.
Chăm sóc na dai ở thôn Suối Ván.
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Thôn Suối Ván được hình thành từ những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, hiện thôn có 132 hộ, 585 nhân khẩu, hơn 92% là người dân tộc Tày. Nét văn hóa đặc sắc của thôn Suối Ván là hát then.
Biết thông tin thôn có khách, một số thành viên Câu lạc bộ (CLB) Then của thôn đã đến tập trung tại nhà trưởng thôn từ rất sớm. Trong câu chuyện về kỹ thuật chăm sóc na dai hay phong trào văn hóa văn nghệ của thôn, thỉnh thoảng chúng tôi lại được thưởng thức những làn điệu then do ông Bế Văn Tích, dân tộc Tày, trưởng thôn cùng các thành viên trong CLB thể hiện. Tiếng đàn tính, tiếng xóc then cùng âm hưởng từ cánh rừng trên dãy núi Gốm dội về khiến lòng ai cũng thấy nhẹ nhõm, bâng khuâng.
Ông Bế Văn Tích tâm sự: “CLB Then của thôn được thành lập từ năm 2014, do bà Hoàng Thị Lượng làm chủ nhiệm với hơn 10 thành viên, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi. Bà Lượng đã mất do tuổi cao, song các thế hệ trẻ ở thôn vẫn kế tục và phát huy tốt giá trị nét văn hóa truyền thống này. Hiện CLB có 35 thành viên với đủ lứa tuổi, giới tính, trong đó nhiều cặp vợ chồng cùng tham gia như gia đình tôi. Năm 2023, thôn được công nhận đạt làng văn hóa tiêu biểu cấp huyện”.
Ông Bế Văn Tích (thứ 3 từ phải sang) cùng các thành viên CLB Then thôn Suối Ván đang thể hiện một làn điệu then vừa học được.
Khi đời sống vật chất của người dân thôn Suối Ván được nâng cao thì phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn cũng sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia. Vào mỗi buổi tối, sau khi công việc gia đình đã xong, các thành viên trong CLB Then lại tụ hội về sân nhà chị Bế Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, đồng thời là Phó Chủ nhiệm CLB để tập múa, hát các điệu then mới. Chị Hoa cho biết, trước đây CLB thường hát then cổ thì nay có thêm then hiện đại. Nếu như then cổ khi thể hiện phải hát bằng tiếng Tày, không có nhạc đệm thì then hiện đại lại thể hiện bằng tiếng Kinh, có nhạc đệm nên dễ nghe hơn.
Do đam mê với làn điệu then của cha ông mình, cùng với chịu khó luyện tập, sáng tạo trong thể hiện nên CLB Then thôn Suối Ván thường xuyên được mời và cử đi thi, biểu diễn ở nhiều chương trình, sự kiện của xã, huyện, tỉnh và đều có giải cao. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã 3 lần đi biểu diễn tại hội thi dân ca, dân vũ các dân tộc; thi ca múa nhạc dân gian và biểu diễn trang phục dân tộc do tỉnh tổ chức. Ngoài ra, còn nhiều lần đi biểu diễn ở huyện và xã. Mỗi lần lên sân khấu, chúng tôi thấy tự hào bởi được giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, giúp lưu truyền cho các thế hệ sau. Thông qua đây mọi người trong thôn cũng gắn bó, đoàn kết hơn”, chị Hoa nói.
Đến thôn Suối Ván hôm nay, đi tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp những con người bình dị, phúc hậu, vui vẻ, chịu thương, chịu khó lao động sản xuất. Thỉnh thoảng những làn điệu then lại cất lên từ trên đồi, trong những vườn na sai trĩu quả. “Nghĩa Phương em cánh đồng xanh biếc. Có vườn na đồi vải xanh tươi. Hội đền suối khách về ngắm cảnh. Qua dòng sông Lục nhớ bến đò xưa. Bên dòng suối hiền, nước mát nên thơ…”. Những câu then của người dân thôn Suối Ván cứ ngân nga trong tôi trên suốt quãng đường về…
CLB Then của thôn Suối Ván tham gia biểu diễn tại Liên hoan các CLB văn nghệ tiêu biểu huyện Lục Nam năm 2024.
Thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) nằm dưới chân núi Gốm với hơn 92% là người dân tộc Tày sinh sống. Do năng động học hỏi kỹ thuật mới, tập trung thâm canh cây na dai nên cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng sung túc. Không những vậy, người dân thôn Suối Ván còn biết gìn giữ làn điệu hát then, bồi đắp thêm đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư, tạo nét độc đáo ở vùng quê thanh bình này.
Na dai - cây xóa đói giảm nghèo
Tháng 10, tờ mờ sáng, tiết trời se lạnh, vợ chồng chị Hoàng Thị Thủy ở thôn Suối Ván cẩn thận khoác thêm chiếc áo gió để ra vườn na. Những tia nắng cuối thu vàng rộm chiếu khắp vườn na sai trĩu quả. Một vài giọt nắng xuyên qua kẽ lá, rơi lỗ chỗ xuống mặt đất. Vợ chồng chị Thủy cần mẫn làm việc, tiếng kéo bấm cắt tỉa những cành tăm trên cây phát ra âm thanh lách tách, hòa lẫn tiếng chim gọi đàn, tạo lên bản giao hưởng đồng quê dưới trời thu.
Vịn tay vào gốc cây na có đường kính chừng 20 cm, chị Thủy khoe: “Đây là một trong những cây na “tổ”, được trồng sớm nhất vùng, vào năm 1991. Khi ấy, thôn Suối Ván chỉ có vài hộ trồng na dai, trong đó có gia đình tôi. Mặc dù đã 35 năm nhưng cây na vẫn lên xanh tốt, cho quả quanh năm”.
Gia đình chị Thủy hiện trồng 1 ha na dai, là một trong những hộ có diện tích na dai lớn nhất xã. Theo chị Thủy, trồng na không vất vả như các loại cây khác nhưng phải tinh ý từng khâu một, từ lúc đốn cành đến bón phân, thụ phấn và thu hoạch. “Nhiều gia đình ở thôn Suối Ván khấm khá lên nhờ cây na. Riêng gia đình tôi, năm trước thu được khoảng 450 triệu đồng”, chị Thủy nói.
Chị Hoàng Thị Thủy kiểm tra vườn na dai của gia đình để chuẩn bị bọc túi ni lông cho quả.
Vườn na dai của gia đình chị Hoàng Thị Thủy có nhiều cây trồng lâu năm.
Trò chuyện với ông Hoàng Văn Triệu, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Suối Ván, chúng tôi được biết, điều kiện thổ nhưỡng, địa thế canh tác ở đây rất khó cấy lúa, trồng rau, bởi đất pha cát bạc màu, độ dốc lớn. Ông Triệu nhớ lại: “Trước khi cây na dai được đưa về thôn Suối Ván, cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Lúa chỉ cấy được một vụ không ăn chắc vì chủ yếu trông vào nước trời, năng suất đạt 30 kg/sào. Suối Ván trở thành một trong những thôn đặc biệt khó khăn của huyện. Hầu như gia đình nào cũng thiếu ăn”.
Từ năm 1991, một vài hộ dân trong thôn mang giống na dai về trồng trong vườn nhà. Qua thời gian, cây na sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập khá. Từ đây, bà con tự nhân giống, trồng ra đồi bãi. Đến năm 2015, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, bà con trong thôn mở rộng diện tích trồng na xuống các chân ruộng cấy lúa năng suất thấp. Nhờ đó, đời sống của người dân thôn Suối Ván ngày càng khấm khá. Hiện Suối Ván là thôn có diện tích trồng na lớn nhất xã, với khoảng 70 ha.
Ông Đặng Văn Thành có thời gian dài làm cán bộ khuyến nông xã, nay chuyển sang làm cán bộ văn phòng UBND xã Nghĩa Phương cho biết, người dân thôn Suối Ván rất nhanh nhạy với kỹ thuật mới trong chăm sóc cây na. Họ biết cách cho quả ra từ thân, không ra đầu cành; đồng thời nhìn cây là biết cần để lại số quả bao nhiêu thì phù hợp. Đặc biệt, thôn Suối Ván là nơi đầu tiên của xã áp dụng kỹ thuật thụ phấn cho na.
Cây na dai ở thôn Suối Ván được người dân chỉ cho quả ra từ thân, không cho ra ở đầu cành nên sai quả và to đều.
Quả na ở đây được sản xuất theo quy trình VietGAP, tất cả đều được bọc trong túi ni lông, bảo đảm an toàn thực phẩm. Có lẽ vì thế, quả na ở thôn Suối Ván luôn có chất lượng thơm ngon vượt trội, được nhiều khách hàng tìm mua. Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Na dai Nghĩa Phương được thành lập, trong đó chủ yếu thành viên là các hộ dân ở thôn Suối Ván. Sản phẩm na của HTX cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Nếu như trước đây, hằng năm cây na chỉ cho thu hoạch từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8 thì nay, người dân thôn Suối Ván đã biết cách điều tiết cho cây na ra quả hầu như quanh năm, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12, trong đó tập trung vào na trái vụ (từ tháng 11 đến tháng 12) để bán được giá cao. Bình quân, mỗi gia đình trong thôn thu khoảng 50 triệu đồng/năm từ cây na dai; nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng, như gia đình các anh, chị: Hoàng Thị Thủy, Hoàng Văn Thái, Bế Văn Quân, Lương Văn Tích, Bùi Văn Hào… Thôn Suối Ván đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn từ năm 2018. Hiện cả thôn chỉ còn vài hộ nghèo, cơ bản là hộ khá và giàu. Trong đó, 80% gia đình xây được nhà tầng kiên cố; gần 30 hộ mua được ô tô.
Chăm sóc na dai ở thôn Suối Ván.
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Thôn Suối Ván được hình thành từ những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, hiện thôn có 132 hộ, 585 nhân khẩu, hơn 92% là người dân tộc Tày. Nét văn hóa đặc sắc của thôn Suối Ván là hát then.
Biết thông tin thôn có khách, một số thành viên Câu lạc bộ (CLB) Then của thôn đã đến tập trung tại nhà trưởng thôn từ rất sớm. Trong câu chuyện về kỹ thuật chăm sóc na dai hay phong trào văn hóa văn nghệ của thôn, thỉnh thoảng chúng tôi lại được thưởng thức những làn điệu then do ông Bế Văn Tích, dân tộc Tày, trưởng thôn cùng các thành viên trong CLB thể hiện. Tiếng đàn tính, tiếng xóc then cùng âm hưởng từ cánh rừng trên dãy núi Gốm dội về khiến lòng ai cũng thấy nhẹ nhõm, bâng khuâng.
Ông Bế Văn Tích tâm sự: “CLB Then của thôn được thành lập từ năm 2014, do bà Hoàng Thị Lượng làm chủ nhiệm với hơn 10 thành viên, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi. Bà Lượng đã mất do tuổi cao, song các thế hệ trẻ ở thôn vẫn kế tục và phát huy tốt giá trị nét văn hóa truyền thống này. Hiện CLB có 35 thành viên với đủ lứa tuổi, giới tính, trong đó nhiều cặp vợ chồng cùng tham gia như gia đình tôi. Năm 2023, thôn được công nhận đạt làng văn hóa tiêu biểu cấp huyện”.
Ông Bế Văn Tích (thứ 3 từ phải sang) cùng các thành viên CLB Then thôn Suối Ván đang thể hiện một làn điệu then vừa học được.
Khi đời sống vật chất của người dân thôn Suối Ván được nâng cao thì phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn cũng sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia. Vào mỗi buổi tối, sau khi công việc gia đình đã xong, các thành viên trong CLB Then lại tụ hội về sân nhà chị Bế Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, đồng thời là Phó Chủ nhiệm CLB để tập múa, hát các điệu then mới. Chị Hoa cho biết, trước đây CLB thường hát then cổ thì nay có thêm then hiện đại. Nếu như then cổ khi thể hiện phải hát bằng tiếng Tày, không có nhạc đệm thì then hiện đại lại thể hiện bằng tiếng Kinh, có nhạc đệm nên dễ nghe hơn.
Do đam mê với làn điệu then của cha ông mình, cùng với chịu khó luyện tập, sáng tạo trong thể hiện nên CLB Then thôn Suối Ván thường xuyên được mời và cử đi thi, biểu diễn ở nhiều chương trình, sự kiện của xã, huyện, tỉnh và đều có giải cao. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã 3 lần đi biểu diễn tại hội thi dân ca, dân vũ các dân tộc; thi ca múa nhạc dân gian và biểu diễn trang phục dân tộc do tỉnh tổ chức. Ngoài ra, còn nhiều lần đi biểu diễn ở huyện và xã. Mỗi lần lên sân khấu, chúng tôi thấy tự hào bởi được giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, giúp lưu truyền cho các thế hệ sau. Thông qua đây mọi người trong thôn cũng gắn bó, đoàn kết hơn”, chị Hoa nói.
Đến thôn Suối Ván hôm nay, đi tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp những con người bình dị, phúc hậu, vui vẻ, chịu thương, chịu khó lao động sản xuất. Thỉnh thoảng những làn điệu then lại cất lên từ trên đồi, trong những vườn na sai trĩu quả. “Nghĩa Phương em cánh đồng xanh biếc. Có vườn na đồi vải xanh tươi. Hội đền suối khách về ngắm cảnh. Qua dòng sông Lục nhớ bến đò xưa. Bên dòng suối hiền, nước mát nên thơ…”. Những câu then của người dân thôn Suối Ván cứ ngân nga trong tôi trên suốt quãng đường về…
CLB Then của thôn Suối Ván tham gia biểu diễn tại Liên hoan các CLB văn nghệ tiêu biểu huyện Lục Nam năm 2024.