“Cú hích” giảm nghèo ở Trường Giang
BẮC GIANG - Nhờ “cú hích” từ các chương trình mục tiêu, diện mạo nông thôn mới xã Trường Giang, huyện Lục Nam (Bắc Giang) thay đổi từng ngày. Hạ tầng giao thông được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Năng động làm giàu
Thăm khu vườn trồng bưởi của gia đình anh Trần Quang Hiệp (SN 1982), thôn An Phúc đúng thời điểm quả bắt đầu ngả dần sang màu đỏ - màu đặc trưng của giống bưởi được gọi tên theo màu quả chín. Theo lời anh Hiệp, trước đây trên diện tích gần 5 nghìn m2 đất vườn, anh trồng nhiều loại cây và chăn nuôi gà nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2020, anh tìm hiểu về giống bưởi đỏ bán dịp Tết Nguyên đán rồi mua 100 cây giống về trồng trên đất vườn của gia đình.
Vườn bưởi đỏ của gia đình anh Trần Quang Hiệp (phải) sắp cho thu hoạch. |
Để chăm sóc vườn bưởi, anh lên mạng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trồng bưởi đỏ ở các địa phương khác. Khi Hội Nông dân xã, huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, anh đều đăng ký học để có thêm kiến thức. Sau gần 4 năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lần đầu tiên anh đưa 1 nghìn quả bưởi đỏ bán ra thị trường với giá 70 nghìn đồng/quả. “Do hợp đất, khí hậu nên cây sai quả, mã đẹp. Thời điểm này, vườn bưởi vào giai đoạn cho quả ổn định nên dự kiến gia đình tôi thu khoảng 2 nghìn quả dịp Tết sắp tới; toàn bộ đã được ký hợp đồng bao tiêu với giá 120 nghìn đồng/quả”, anh Hiệp chia sẻ.
Là xã thuần nông, không có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương.
Diện mạo nông thôn mới xã Trường Giang. |
Từ năm 2021 đến nay, UBND xã quan tâm kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện toàn xã có 55 người đang lao động có thời hạn tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; gần 500 người đang làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh.
Có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều hộ có điều kiện xây dựng, cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như vợ chồng anh Giáp Quang Khánh (SN 1987), thôn Tòng Lệnh 1 đã xây dựng nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi từ nguồn thu nhập sau hơn 3 năm lao động tại Nhật Bản. Từ lương công nhân, mỗi tháng vợ chồng anh Hoàng Văn Dương (SN 1988), trú tại thôn An Phúc cũng tiết kiệm được gần 20 triệu đồng. “Được cán bộ xã tư vấn, giới thiệu, vợ chồng tôi đi làm tại một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Vân Trung, thị xã Việt Yên. Do có xe đưa đón nên hai vợ chồng không tốn chi phí thuê nhà trọ, có thời gian buổi tối để trò chuyện, dạy bảo các con”, anh Dương chia sẻ.
Tiếp tục củng cố hạ tầng, tạo đột phá mới
Theo ông Vi Văn Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Giang, với địa hình 2/3 là đồi núi, lại nằm bám sông Lục Nam, Trường Giang trước đây gặp khó khăn trong phát triển KT-XH, tỷ lệ hộ nghèo luôn cao hơn bình quân của huyện. Để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, UBND xã tổ chức nhiều hội nghị tìm hướng phát triển kinh tế.
Xác định giao thông là động lực để khai thác lợi thế vườn, đồi, từ các nguồn vốn, giai đoạn 2021-2023, xã đầu tư cứng hóa 9,4 km đường xã, gần 20 km đường liên thôn và 15,86 km đường ngõ xóm. Đường mới thênh thang, các hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đưa giống và kỹ thuật mới vào canh tác.
Khai thác lợi thế về đất rừng, nhiều gia đình đầu tư dây chuyền băm, bóc gỗ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Tại xã Trường Giang có nhiều xưởng chế biến gỗ, tạo việc làm cho lao động địa phương. |
Nhằm nâng cao giá trị cây vải thiều, 220 hộ dân thành lập tổ liên kết sản xuất với tổng diện tích hơn 150 ha. Cùng đó, trên địa bàn xã hình thành nhiều mô hình làm vườn, chăn nuôi tập trung như: Trồng bưởi, chăn nuôi gà lai chọi thả vườn... Các mô hình phát huy hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.
Qua thống kê, hết năm 2023, toàn xã chỉ còn 37 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,12%), giảm 27 hộ, tương đương 3,08% so với năm 2022. Dự kiến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn hơn 3%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực song qua đánh giá, kết quả giảm nghèo ở Trường Giang còn thiếu bền vững; một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của mình, chưa chủ động đăng ký tham gia các chương trình, dự án, thiếu quyết tâm vươn lên... Cùng đó, tuyến đường kết nối giữa các thôn trong xã với nhau và với các địa phương lân cận còn nhỏ hẹp, xuống cấp.
Khắc phục hạn chế này, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Cùng đó, ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông.
“Hiện tuyến đường từ trung tâm xã qua địa bàn xã Nghĩa Phương kết nối với tỉnh lộ 293 đang được UBND huyện cải tạo, nâng cấp. Trong năm 2025, UBND xã cũng bố trí vốn để sửa chữa, cải tạo một số đoạn đường xuống cấp tại các thôn đặc biệt khó khăn như: An Phúc, Đồng Chè và Tòng Lệnh 3. Các dự án hoàn thành, Trường Giang sẽ có thêm “cú hích” để phát triển, từng bước khai thác lợi thế, nâng thu nhập, giảm nghèo bền vững”, ông Vi Văn Tuyển nói.
Ý kiến bạn đọc (0)