Chuyển biến bước đầu trong thu gom, xử lý rác thải nông thôn ở Lục Nam
Lò đốt rác thải sinh hoạt của thị trấn Lục Nam có công suất 400kg/giờ. |
Hiệu ứng sau ngày ra quân
Nhân Ngày Môi trường thế giới năm nay, huyện Lục Nam đã tổ chức phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về xử lý ô nhiễm môi trường cho hơn ba nghìn cán bộ, đảng viên từ cấp huyện đến thôn, bản, tổ dân phố thông qua hội nghị trực tuyến. Xác định rõ quan điểm: "Tư tưởng không thông, vác bình tông không nổi", Huyện ủy xác định tạo sự chuyển biến sâu sắc trước hết từ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
"Khoảng một tháng nữa, chúng tôi sẽ đánh giá sơ kết Chiến dịch 100 ngày cao điểm vệ sinh môi trường (VSMT), từ đó tiếp tục chỉ đạo cụ thể để mọi người dân cùng thực hiện", Bí thư Huyện ủy Thân Văn Dàn tâm sự. Ngay trong ngày ra quân hưởng ứng Chiến dịch, toàn huyện đã có hơn 21 nghìn người tham gia VSMT; thu gom, xử lý khoảng 155 tấn rác thải sinh hoạt; nạo vét 15 nghìn mét kênh, mương; củng cố 109 tổ, đội VSMT ở thôn, bản, tổ dân phố...
Có dịp đến nhiều xã, thị trấn sau Lễ phát động Chiến dịch 100 ngày cao điểm VSMT và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), chúng tôi cảm nhận nhiều đổi thay. Trên các con đường liên xã, thôn, nhiều thôn, bản tự làm biển cấm đổ rác để nhắc nhở người dân. Xã Nghĩa Phương có 25 thôn, bản, trong đó 5 "khu phố" nằm trên các tuyến đường chính, tập trung đông dân cư, kinh tế phát triển, lượng rác thải sinh hoạt nhiều. Chính vì thế, UBND xã đã xây dựng một bãi rác thải tập trung và một bãi rác thải cụm thôn; đồng thời thành lập Tổ VSMT của xã.
"Hằng ngày, chúng tôi đi thu gom rác thải ở các điểm tập kết trong thôn, bản chuyển về bãi rác tập trung của xã tiêu hủy. Nhìn chung, ý thức người dân về bảo vệ môi trường đã nâng lên", bà Nguyễn Thị Vuông, Tổ trưởng Tổ VSMT xã nhận xét.
Ở thị trấn Lục Nam, vấn đề rác thải ngày càng phức tạp do dân cư có cả kinh doanh buôn bán, hộ làm nông nghiệp. Trung bình, mỗi ngày lượng rác thải trong sinh hoạt khoảng 3 tấn. Để giải quyết vấn đề trên, UBND huyện đã hỗ trợ một xe tải; UBND thị trấn đầu tư thêm một xe để đi thu gom, vận chuyển rác đến bãi tập trung. Thị trấn còn được trang bị lò đốt rác hiện đại, công suất 400kg/giờ. "Chúng tôi giao một đồng chí đảng viên làm Tổ trưởng Tổ VSMT của thị trấn. Vì thế không còn tình trạng rác tồn lưu trong dân", Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Chiến nói.
Hướng đến môi trường trong lành hơn
Huyện sẽ không công nhận tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; làng văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới nếu không tổ chức được việc thu gom rác và để nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường. |
Tuy vậy, thực tế vẫn còn thôn, xóm, xã chưa xử lý được triệt để vấn đề rác thải. Tại đoạn kênh Yên Lại chảy qua thôn Non Giếng, xã Khám Lạng, chúng tôi thấy tầng tầng, lớp lớp rác tồn ứ trên dòng kênh. Hay đi dọc tỉnh lộ 293 đoạn qua xã Cương Sơn, thỉnh thoảng vẫn thấy những bao rác thải nằm lăn lóc bên đường, nếu không được xử lý kịp thời, rác thải sẽ dần chất đống.
Đặc biệt, khó khăn hiện nay là 12/27 xã, thị trấn vẫn chưa quy hoạch được bãi xử lý rác thải tập trung... Trong khi lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện có khoảng 68-75 tấn/ngày.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, Huyện ủy Lục Nam đã phân công từng đồng chí Ủy viên BTV, Huyện ủy viên trực tiếp đôn đốc, kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện Chiến dịch VSMT tại các địa bàn cụ thể. Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, phân công cấp ủy viên phụ trách từng thôn, bản, tổ dân phố. Huyện sẽ không công nhận tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; làng văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới nếu không tổ chức được việc thu gom rác và để nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay các chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trong huyện đang tập trung lãnh đạo nhân dân chỉnh sửa hương ước, quy ước gắn với quy định về VSMT. Huyện phấn đấu trong năm nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố có tổ, đội chuyên trách làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác đến nơi quy định; 100% xã, thị trấn có quy hoạch, bố trí điểm tập kết, xử lý rác thải tập trung... Trong 100 ngày thực hiện Chiến dịch cao điểm VSMT, đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo và duy trì "Ngày chủ nhật xanh" tại tất cả các thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, trường học ít nhất hai lần/tháng; sau khi kết thúc Chiến dịch tổ chức ít nhất một lần/tháng, từ đó tạo ra môi trường nông thôn trong lành, sạch sẽ hơn.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)