Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang: Kiến nghị khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Đại biểu Tạ Việt Hùng phát biểu. |
Theo đại biểu Tạ Việt Hùng, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 93,1%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia (CQG) mức độ 1 đạt 94,5%, mức độ 2 đạt 20,2%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học được quan tâm, xây dựng cả về số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn.
Toàn tỉnh hiện có trên 28 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên, trong đó có 4 tiến sĩ, 887 thạc sĩ.
Tuy nhiên, trước quy định của pháp luật, yêu cầu về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và yêu cầu phát triển KT- XH, sự nghiệp GD&ĐT đang gặp phải những khó khăn.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025 có 97,3% trường đạt CQG, tăng 18 trường và mức độ 2 tăng 6,3%, tăng 48 trường. Trên thực tế, trường CQG chưa đạt mức độ 2 chủ yếu thiếu diện tích, chờ xây dựng ra khu đất mới quy hoạch hoặc mới thành lập chưa đủ 5 năm (các trường mới thành lập thì phải sau 5 năm mới được đánh giá, kiểm tra công nhận CQG); thiếu phòng học bộ môn và các điều kiện về sĩ số học sinh/lớp... Vì vậy khó đạt mục tiêu đề ra.
Cấp tiểu học thiếu nhiều giáo viên, việc tuyển dụng gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển có trình độ đại học trở lên. Theo lộ trình, dự kiến năm học 2022-2023, ngoài huy động xã hội hóa, cần cần phải bố trí thêm 666 giáo viên mầm non.
"Tình trạng giáo viên, nhân viên hành chính nghỉ việc cộng với tuyển dụng giáo viên khó khăn sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên, không đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học", đại biểu Hùng nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT; chỉ đạo các địa phương tăng cường, ưu tiên đầu tư, huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường học, xây dựng trường CQG, lồng ghép việc xây dựng CSVC trường học vào các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu kiến nghị, các huyện, thành phố rà soát kế hoạch đầu tư công, cập nhật bổ sung các hạng mục xây dựng phòng học bảo đảm tiêu chí trường CQG. UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện tiêu chí về xây dựng CSVC; hiệu trưởng các nhà trường chịu trách nhiệm thực hiện các tiêu chí về chất lượng và tổ chức, hoạt động trong trường học.
UBND tỉnh, Sở Nội vụ giao tăng chỉ tiêu tuyển hoặc hợp đồng giáo viên hằng năm, nhất là giáo viên mầm non để bù cho số giáo viên nghỉ việc. Tiếp tục tuyển giáo viên đợt 2 vào đầu năm 2023 với những cấp học chưa tuyển đủ hoặc thiếu nguồn tuyển trong đó có cấp học mầm non, tiểu học. Chỉ đạo UBND huyện, thành phố sắp xếp, bố trí giáo viên hợp lý, không để tình trạng thiếu, mất cân đối cơ cấu giáo viên khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tích cực tham mưu với T.Ư quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức ngành GD&ĐT để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục thu hẹp khoảng cách với khối doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu cuộc sống; đồng thời tiếp tục không thực hiện tinh giản biên chế 10% đối với sự nghiệp giáo dục để đáp ứng việc tăng quy mô học sinh.
PV XDĐ-NC
Ý kiến bạn đọc (0)