Đề nghị nghiên cứu thêm 2 nội dung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND với các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại hội trường. |
Theo dõi quá trình xây dựng dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy đã bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo Luật đã tổ chức thực hiện tốt hoạt động truyền thông chính sách theo QĐ số 407 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Luật và các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân với nhiều hình thức.
Về cơ bản, đại biểu nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Luật và cho rằng các nội dung được sửa đổi, bổ sung lần này đều có căn cứ về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như Tờ trình của Chính phủ đã báo cáo cụ thể đối với từng nội dung; bảo đảm phù hợp với mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, thể chế được đường lối, chính sách của Đảng. Những quy định này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Để góp phần bảo đảm nguyên tắc xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là bảo đảm tính minh bạch, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, khả thi, hiệu quả của quy định, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị nghiên cứu thêm 2 nội dung:
Thứ nhất, quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng: Tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 Luật hiện hành có quy định “Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn đủ ít nhất 3 năm công tác; trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định”.
Tôi cơ bản nhất trí với quy định này khi nhận thấy quy định nêu trên có kế thừa quy định của Luật CAND hiện hành, đồng thời có sửa đổi theo hướng cụ thể hơn. Quy định này bảo đảm thống nhất quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất, góp phần tiếp tục phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của sĩ quan được thăng cấp bậc hàm, bảo đảm về thời gian lãnh đạo, chỉ huy tiếp theo của cấp bậc hàm được thăng.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, khả thi của quy định, đề nghị quy định thời gian công tác tối thiểu được phong, thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng đối với trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định, đơn cử như quy định không đủ 3 năm nhưng phải còn tối thiểu bao nhiêu tháng.
Thứ hai, về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND:
Đối với quy định trường hợp đặt biệt được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại điểm c khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 30). Đây là quy định được bổ sung so với Luật CAND hiện hành.
Tôi nhận thấy Chính phủ cần nghiên cứu thêm về quy định trường hợp đặc biệt theo 1 trong 2 hướng:
(i) Để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, công bằng, khả thi, thống nhất trong quá trình thực hiện của quy định này theo đúng quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị quy định cụ thể hơn về trường hợp đặc biệt là những trường hợp nào vì nếu chỉ quy định “trường hợp đặc biệt” thì chưa thể chế hóa được quy định của Đảng như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu về cơ sở để bổ sung quy định này.
(ii) Trường hợp không cụ thể hóa được hơn trường hợp đặc biệt trong Luật này là trường hợp nào thì cân nhắc về sự cần thiết bổ sung quy định này trong Luật và trường hợp kéo dài hạn tuổi phục vụ sẽ thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Đảng và pháp luật hiện hành có liên quan.
Ý kiến bạn đọc (0)