Xuân sớm Trường Sa
Đón Tết cùng lính đảo
Chuyến bay từ Hà Nội vào Cam Ranh đưa chúng tôi đến với vùng đất khác biệt nhiệt độ khá lớn, ngoài Bắc đang trong những ngày “đại hàn” thì phía Nam vẫn đầy nắng và gió. Nhìn từ cửa sổ máy bay đã thấy những con sóng bạc đầu nối nhau xô vào bờ, xuống sân bay nhìn càng rõ khiến các thành viên trong đoàn công tác không khỏi lo ngại cho chuyến ra biển dài ngày sắp tới.
Bộ đội đảo Song Tử Tây trang trí chuẩn bị đón Tết. |
Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức buổi lễ xuất quân với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo, nhân dân, tuổi trẻ tỉnh Khánh Hòa và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ. Bầu trời Cam Ranh hôm đó nắng đẹp, những hồi còi ngân dài chia tay đất liền rồi lần lượt từng con tàu rời quân cảng. Trước khi xuất phát, những con tàu trọng tải hàng nghìn tấn đều chất đầy lương thực, thực phẩm và quà Tết như gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, đào, quất… Vài năm gần đây, điều kiện tàu cho phép còn chở cả lợn hơi, gà, vịt ra đảo để cán bộ, chiến sĩ có thịt tươi gói bánh chưng, bánh tét, chế biến món ăn đậm đà hương vị quê hương.
Vượt qua những con sóng lớn dồn dập khiến hầu như ai cũng say, vài ngày sau, đảo Song Tử Tây hiện ra với màu xanh của hàng cây phong ba, bão táp, bàng vuông, phi lao… Từng kiện hàng Tết được các thủy thủ hối hả chuyển xuống xuồng nhỏ để đưa vào đảo. Lượng hàng hóa năm nay dồi dào, lớn hơn những năm trước nên các anh thêm vất vả nhưng bù lại đó là niềm vui đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo.
Ngay khi đặt chân lên đảo, chúng tôi đã cảm nhận được không khí ấm cúng, thắm tình quân dân bởi sự chào đón chân tình, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo tác nghiệp. Trong hội trường, chương trình “Chào năm mới 2023” diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” mộc mạc và những tiếng cười giòn tan, tươi vui. Trung sĩ Ngô Văn Vương quê ở tỉnh Quảng Ngãi đã từng đón một cái Tết trên đảo chia sẻ: “Đồng đội đến từ mọi miền Tổ quốc nên những ngày Tết chúng tôi biết thêm nhiều phong tục, tập quán. Mọi người đều san sẻ với nhau niềm vui đón năm mới, tình cảm với gia đình và chúc nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Những chậu quất cảnh được đưa lên tàu để chuyển ra các đảo. |
Đón nhận những món quà, lời chúc Tết của đoàn công tác, Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây xúc động nói: “Những năm gần đây, đảo nhận được sự quan tâm lớn hơn từ đất liền nên đời sống cán bộ, chiến sĩ cải thiện đáng kể. Mỗi dịp đón Tết cổ truyền, ngoài việc bảo đảm chế độ theo đúng quy định, chỉ huy đảo thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để bộ đội vui xuân, đón Tết, vơi bớt nỗi nhớ nhà. Chúng tôi muốn nhắn gửi với quê hương mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều xác định rõ tư tưởng, vững chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Di chuyển đến đảo Sinh Tồn, chúng tôi cùng với các chiến sĩ gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết. Từng bó lá dong xanh mướt được bộ đội cẩn thận lau rửa sạch, gạo nếp đãi sạch, đỗ xanh đã đồ chín, thịt lợn ướp với hạt tiêu đen, đặc biệt là nhân bánh cho thêm hành tím thái mỏng. Các chiến sĩ hào hứng vây quanh, người cắt lá, người gói bánh… Trung úy Vũ Thành Đạt cẩn thận xếp lá, đổ gạo, nhân bánh và buộc lạt cho từng chiếc, anh nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết ở đảo và cũng là lần đầu tự tay gói bánh chưng vì trước kia, khi còn ở nhà, tôi chỉ phụ giúp bố mẹ. Lúc đang đi học, tôi đã có mơ ước được làm bộ đội hải quân, lớn lên thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân và ra công tác ở đảo, tôi cảm nhận được nỗi vất vả, khó khăn, thiếu thốn nhưng không vì thế mà nản lòng. Những nhiệm vụ đó giúp chúng tôi thêm trưởng thành”.
Quân và dân trên đảo Sinh Tồn gói bánh chưng. |
Đêm cuối năm ở đảo, giữa trời biển mênh mông, nồi bánh chưng sôi lục bục trên bếp lửa tỏa hương thơm của ngày Tết, các chiến sĩ và thành viên đoàn công tác quây quần bên nhau, tiếng đàn ghi-ta bập bùng hòa lẫn tiếng sóng vỗ, tiếng gió biển và những lời hát về biển đảo quê hương như nối gần khoảng cách giữa đất liền với hải đảo: Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta/Giữa đại dương/Mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba/Ta vượt qua, vượt qua…
Tình người Bắc Giang giữa biển khơi
Trên tất cả các đảo mà đoàn công tác đến thăm, tặng quà, chúc Tết, chúng tôi đều hỏi về những người con quê hương Bắc Giang đang công tác, thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. May mắn trên đảo Cô Lin, chúng tôi gặp Thiếu tá Bùi Đức Cương (SN 1985), Chính trị viên đảo, người con của xã Phì Điền (Lục Ngạn). Tay bắt mặt mừng vì gặp đồng hương tại nơi đảo xa, anh Cương cho biết, tháng 1/2022, anh được phân công ra đảo Cô Lin, với vai trò Chính trị viên, anh cùng với chỉ huy giáo dục chiến sĩ về nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Do đặc thù là đảo nhỏ nên giữa cán bộ với chiến sĩ rất gắn bó, kề vai sát cánh thực hiện nhiệm vụ, rèn luyện bản lĩnh làm chủ vùng biển đảo của ta. Ngoài ra, anh cùng bộ đội nhiều lần giúp đỡ ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa bị hết lương thực, thực phẩm, nước ngọt, xăng dầu, gặp giông bão trên biển…
Thiếu tá Bùi Đức Cương trò chuyện với chiến sĩ trên đảo Cô Lin. |
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đón Tết Nhâm Dần 2022 trên đảo, cảm xúc thật khó tả, xen lẫn nỗi nhớ nhà là niềm vui, tự hào khi cùng đồng đội đang ngày đêm canh gác biển đảo. Tôi động viên chiến sĩ nén lại tình cảm riêng để bám đảo, dù xa xôi nhưng cả nước vẫn luôn hướng về Trường Sa, do vậy mỗi cán bộ, chiến sĩ phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao để đáp lại tình cảm yêu thương đó” - Thiếu tá Cương nói.
Được các chỉ huy đảo Sinh Tồn giới thiệu, chúng tôi gặp Thượng úy Trần Văn Tân (SN 1976), cán bộ quản lý tài chính của đảo quê ở xã Song Mai (TP Bắc Giang). Được biết đây là đảo thứ 7 anh công tác trong hơn 20 năm quân ngũ. Nhiều lần đón năm mới trên các đảo, anh Tân cảm nhận rõ về sự quan tâm của đất liền đối với quân và dân ở quần đảo Trường Sa. Những năm qua, cả nước chung tay hướng về biển đảo nên cuộc sống bộ đội, người dân trên các đảo đổi thay từng ngày. Các đảo đều có máy phát điện hoặc hệ thống năng lượng gió, mặt trời, trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt, các trạm xá được xây dựng, đầu tư trang thiết bị khám, chữa bệnh, thông tin liên lạc bảo đảm… Trong câu chuyện, anh cho biết cũng có một người em trai tiếp bước, hiện đang làm nhiệm vụ trên tàu kiểm ngư. Anh Tân hào hứng kể về những kỷ niệm với quê hương: “Tôi xa quê đã lâu nhưng mỗi lần về lại thấy Bắc Giang thay đổi nhanh chóng. Vùng ngoại thành Song Mai chỗ nhà tôi cũng vậy, đời sống người thân của tôi được nâng lên, nhà cửa khang trang, nhiều tuyến đường mới to đẹp…”.
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn vui văn nghệ bên nồi bánh chưng, đêm mùng 1/1. |
Trò chuyện với Thượng tá Phạm Văn Thọ, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác được biết, hằng năm, quân đội đều tổ chức các đoàn thăm, tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Trong những chuyến đi này có sự tham gia của các nhà văn, nhà báo với mong muốn thông qua các tác phẩm báo chí sẽ động viên, phản ánh đầy đủ tinh thần, ý chí của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Các chiến sĩ hải quân và dân quân biển tuần tra, bảo vệ đảo Sinh Tồn. |
Với cảm nhận của riêng mình, tôi biết các anh đang dành lấy những gì khó khăn, gian khổ nhất để đất mẹ có được hòa bình, dù hiểm nguy nhưng các anh vẫn luôn có tinh thần lạc quan, quyết tâm sắt đá bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)