Võ sư Đỗ Xuân Hoàng: Truyền lửa đam mê võ thuật
Nỗ lực hoàn thiện bản thân
Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi gặp võ sư Đỗ Xuân Hoàng vào một ngày cuối tháng 8. Dáng vẻ thư sinh, gương mặt hiền hậu, mới gặp ít ai nghĩ anh là võ sư. Anh dẫn tôi về thăm võ đường đầu tiên do anh sáng lập tại thôn Cảm, xã Phúc Sơn (Tân Yên). Đây cũng là nơi anh sinh ra và lớn lên. Trên đường đi, anh chia sẻ về hành trình trở thành một võ sư, người thầy truyền lửa đam mê võ thuật cho rất nhiều thế hệ học trò.
Võ sư Đỗ Xuân Hoàng. |
Là người con của vùng đất Cầu Vồng nên Đỗ Xuân Hoàng cũng như bao cậu bé khác luôn tự hào về truyền thống thượng võ của quê hương. Ngay từ khi 5-6 tuổi, Hoàng đã theo ông nội và cha tập võ. Cậu bé say mê võ thuật suốt những năm tháng tuổi thơ.
Từ khoảnh sân phơi thóc trước nhà đến bãi đất trống dưới chân núi Rồng mà đám trẻ trong thôn Cảm hay vui đùa đều trở thành nơi tập võ của Hoàng. Hoàng nắm bắt nhanh những bài quyền và thực hiện một cách thuần thục, bài bản. Thế nhưng, đó cũng chỉ là những bài tập vỡ lòng của bộ môn võ thuật.
Mãi đến năm 2005, con đường đến với võ thuật của cậu học trò nhỏ mới chính thức bắt đầu khi Hoàng đi học tại Trường THPT Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Đỗ Xuân Hoàng gặp võ sư Nguyễn Tiến Đạt, giáo viên bộ môn thể dục của trường. Thời gian đầu, ngoài giờ học, vào mỗi buổi chiều, Hoàng lại dành thời gian đến nhà thầy Đạt để rèn luyện.
Đến kỳ nghỉ hè, cậu bé “khăn gói quả mướp” đến ở hẳn nhà thầy. Không chỉ tập 5 buổi/tuần chung với các bạn cùng lớp, vào những buổi tối, hai thầy trò lại tiếp tục luyện thêm. Có những hôm bị đau khắp người nhưng Hoàng không nản chí.
Với năng khiếu vượt trội cùng sự chăm chỉ, nỗ lực, chỉ sau hơn một năm học tập bài bản, Đỗ Xuân Hoàng đã trở thành “hạt giống” trong nhóm các VĐV võ thuật tham gia nhiều giải võ thuật cấp tỉnh. Đáp lại sự tin tưởng của thầy Đạt, Hoàng nhiều lần giành được tấm huy chương quý giá.
Nhận thấy học trò có khả năng vươn xa, võ sư Nguyễn Tiến Đạt đã đưa Hoàng đến gặp sư phụ của mình là võ sư có tiếng miền Bắc - ông Trịnh Đức Sung để giúp cậu tiếp tục nâng cao kỹ thuật. Từ đây, Đỗ Xuân Hoàng lĩnh hội nhiều tinh túy võ học cổ truyền.
Võ đường bên lũy tre làng
Sau ba năm theo học tại Thái Nguyên, năm 2013, Đỗ Xuân Hoàng trở về quê nhà với khát khao trở thành huấn luyện viên võ thuật. Những ngày đầu khi mới về làng, Hoàng mượn một góc sân của trụ sở UBND xã Phúc Sơn tập luyện vào mỗi buổi chiều. Nhằm thu hút các môn sinh tham gia, võ sư trẻ đã dày công đi từng ngõ xóm để chiêu sinh. Lớp võ sinh đầu tiên bên lũy tre làng thôn Cảm cũng từ đó phát triển. Nhiều em trở thành vận động viên mang lại thành tích cao cho địa phương.
Võ sinh tập luyện tại võ đường. |
Để có được môi trường tập luyện tốt hơn, Hoàng bỏ tiền ra cải tạo khu vườn của gia đình, lợp mái tôn, trải thảm, mở võ đường. Sau hơn một tháng thi công, một võ đường đơn sơ rộng chừng 70m2 nằm dưới chân núi Rồng được hình thành. “Điều kiện kinh tế khó khăn nên các dụng cụ tập luyện đều do thầy trò tự chế là chính.
Cả đội có một đôi găng tay chỉ để dành khi thi đấu mới mang ra dùng chứ không đầy đủ dụng cụ như bây giờ. Có những khi đang tập, các bao cát thủng vương vãi khắp sàn, thầy và trò lại cùng nhau dọn dẹp, làm bao mới để tiếp tục tập luyện” - võ sư Đỗ Xuân Hoàng chia sẻ. Võ đường được anh đặt tên là Nam Thiếu Lâm - Tân Yên. Đây là nền móng cho sự nghiệp võ thuật của Hoàng sau những năm tháng kiên trì tầm sư học đạo.
Chúng tôi về tới thôn Cảm khi trời đã nhá nhem tối, mưa lớn khiến đường vào trở nên lầy lội hơn, đi bộ hơn 100 m vào một con ngõ nhỏ tới võ đường. Từ đây vọng ra những tiếng hô lớn của các võ sinh.
Các em mặc áo giáp xanh, đỏ, đeo găng tay, mũ đầy đủ đang đấm mạnh vào những bao cát vô cùng dũng mãnh, dứt khoát. “Từ khi có lò võ, làng xóm không còn xuất hiện những đối tượng bất hảo lai vãng xung quanh nữa. Tình trạng trộm cắp vặt không còn, người dân đi làm cũng yên tâm hơn trước” - Ông Nguyễn Văn Luân, Trưởng thôn Cảm cho biết.
Trong những năm đào tạo võ thuật, với võ sư Hoàng, luyện võ không phải dùng để giao tranh hơn thua với người khác. Việc tập luyện là để rèn luyện sức khỏe, đạo đức và ý chí, giải tỏa áp lực. Chính vì vậy mà ngay từ cổng võ đường, một tấm biển với dòng chữ "Nơi học võ là nơi học đạo" được treo ngay ngắn.
Xuân Hoàng nói: “Học võ đòi hỏi khắt khe khi luyện tập. Điều tối thượng của võ đạo chính là tình thương vì hầu hết võ sinh đều rất trẻ, có em mới 4-5 tuổi. Do đó, không chỉ truyền dạy chuyên môn, tôi còn thường xuyên dạy các em về đạo lý của người học võ. Mỗi khi ra đòn, tối kỵ sử dụng các chiêu thức hiểm độc hạ gục đối phương. Người học võ chân chính muốn thành công cần kiên trì khổ luyện và rèn đạo đức. Võ sinh nào sử dụng võ thuật để gây gổ, đánh nhau sẽ bị ra khỏi võ đường”.
Vừa nhìn thấy chúng tôi bước vào, khoảng 20 võ sinh lễ phép cúi chào. Mỉm cười, gật đầu chào lại các học trò, Hoàng giới thiệu tôi tới các bạn nhỏ rồi nhanh chóng phổ biến nội dung tập luyện. Các võ sinh được chia thành từng cặp để luyện đánh đối kháng. Từng thế tấn, đường quyền, nội công, ngoại công trong các bài võ đặc trưng của bộ môn Nam Thiếu Lâm như: Mai hoa quyền, Mai hoa đao, Hồng gia quyền... được các em thực hành thành thạo.
Cái nôi đào tạo vận động viên thành tích cao
Tiếng lành đồn xa, phụ huynh trong vùng thấy thầy Hoàng "mát tay" nên đã gửi con nhờ dạy võ nhằm nâng cao sức khỏe. Theo lịch ấn định, hằng ngày, cứ 18 - 20 giờ lại có gần hai chục môn sinh đến từ các xã lân cận và huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đến đây học võ.
Võ sư Đỗ Xuân Hoàng điều chỉnh động tác cho môn sinh lớp phong trào tại Trường THCS Ngọc Thiện. |
Để phát triển quy mô võ đường, tạo cơ hội cho các học sinh ở nhiều địa phương được tiếp cận với võ thuật cổ truyền, Đỗ Xuân Hoàng đã mở thêm bốn chi nhánh thuộc thị trấn Cao Thượng và các xã: Quang Tiến, xã Tân Trung, Nhà văn hóa huyện Tân Yên. Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, để các học trò có thể duy trì tập luyện, võ sư Hoàng quay clip các bài võ, yêu cầu các học trò tự luyện sau đó cùng tập online với thầy nhằm điều chỉnh động tác chưa chuẩn.
Từ những lò võ này đã có nhiều gương mặt trưởng thành trở thành các vận động viên chuyên nghiệp đem lại thành tích cao cho địa phương. Trong đó có những trường hợp gia đình hoàn cảnh khó khăn được võ sư Hoàng dạy miễn phí. Đến nay đã có hàng chục võ sinh tập luyện tại các lò võ của võ sư Đỗ Xuân Hoàng trưởng thành, được tuyển chọn vào đội tuyển tỉnh tham gia các giải võ toàn quốc.
Đơn cử như vận động viên Ngô Văn Phú (SN 2000) với hàng chục tấm huy chương ở các giải đấu; Nguyễn Hải Đông (SN 2006) giành Huy chương Vàng toàn quốc năm 2022, Nguyễn Tường Vy (SN 2005) giành Huy chương Bạc toàn quốc năm 2022... Hiện võ sư Hoàng đang là cộng tác viên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), góp sức đào tạo học sinh năng khiếu võ thuật.
Niềm tự hào nhất đối với thầy, trò võ sư Hoàng là từ một sới võ nhỏ trong góc vườn nay đã trở thành nơi chắp cánh cho biết bao ước mơ, đam mê được bay cao. Trong nhiều năm liên tiếp, tại giải võ cổ truyền của tỉnh, huyện Tân Yên đều dẫn đầu, trong đó võ đường của võ sư Hoàng đóng góp 100% quân số. Điều ý nghĩa hơn cả đó là lớp trẻ hôm nay đang tiếp nối truyền thống thượng võ của vùng đất Cầu Vồng anh hùng.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)