Về Thạch Môn Trang xem bảo tàng gạch ngói đầu tiên ở Việt Nam
Ý tưởng từ thực tiễn
Ấn tượng khi đặt chân đến bảo tàng là bên cổng vào xếp những khối đá lớn nặng hàng chục tấn, bên trái là con khủng long khổng lồ bằng đá nằm dưới tán cây sanh cổ thụ. Ở tuổi 75, ông Cường vẫn khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn. Nhâm nhi chén trà nóng cùng khách, ông say sưa kể về lịch sử hình thành, phát triển của thương hiệu Thạch Bàn; những cống hiến, đóng góp của ông và ý tưởng thành lập bảo tàng.
Ông Nguyễn Thế Cường giới thiệu với các đại biểu của T.Ư và tỉnh Bắc Giang các hiện vật, mô hình trưng bày tại bảo tàng. |
Ông Cường sinh ra và lớn lên ở xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Ông, vợ ông và con trai đều là kỹ sư ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông từng có hơn 50 năm gắn bó và thành công với nghề sản xuất gạch ngói, từng giữ nhiều chức vụ của Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn, như: Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, ông Cường luôn tâm nguyện được tri ân với nghề thông qua xây dựng một bảo tàng gạch ngói.
Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn; Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thạch Bàn. Ông từng đi nhiều nước trên thế giới để trao đổi, nghiên cứu, liên kết, chuyển giao khoa học công nghệ về sản xuất gạch ngói, áp dụng tại Việt Nam. Những năm đầu của thập kỷ 80, gạch Thạch Bàn được mệnh danh là "anh cả" trong ngành sản xuất gạch ngói đất sét nung, các sản phẩm gạch xây.
Sản phẩm được sử dụng nhiều trong xây dựng các hạng mục công trình trọng điểm quốc gia, có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. Năm 1996, sau khi doanh nghiệp có chủ trương di dời một số nhà máy sản xuất gạch ngói về Bắc Giang, ông Cường trực tiếp phụ trách 2 nhà máy tại huyện Yên Dũng và "bén duyên" với vùng đất Bắc Giang từ đó.
Ông Nguyễn Thế Cường trưng bày hiện vật tại bảo tàng. |
Ngày ấy, khu đồi ở thôn Nam Lễ, xã Xương Lâm (Lạng Giang) được Nhà nước giao cho gia đình ông sử dụng hoang vu, sỏi đá cằn khô, chỉ có vài gốc bạch đàn. Nhìn quang cảnh đó, những người không bền gan dễ nản lòng, thoái chí. Nhưng với tình yêu thiên nhiên, niềm đam mê cháy bỏng, muốn góp sức vào công cuộc “cải tạo đồi hoang, phủ xanh đồi trọc”, gia đình ông đầu tư tiền của, công sức cải tạo khu đất đồi cằn cỗi này.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm, thay đổi các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, khu đồi hoang hóa trở thành trang trại sinh thái diện tích hơn 6 ha. Số lượng cây ở đây lên tới hàng nghìn, được quy hoạch thành 12 vườn cây như: Ăn quả, lấy hạt, cổ thụ... Trong đó, có những cây hàng trăm năm tuổi, cây cảnh nghệ thuật đủ chủng loại. Đặc biệt, có 9 cây được đưa vào danh sách 100 cây kiệt tác của Việt Nam, 9 cây được công nhận là cây di sản quốc gia.
Cũng từ trang trại sinh thái này, ông ấp ủ ý tưởng xây dựng bảo tàng gạch ngói với những giá trị văn hóa tạo thành một quần thể có sức hấp dẫn. Tháng 5/2022, ông khởi công xây dựng Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang và hoàn thành đầu tháng 9. Cái tên Thạch Môn Trang có nghĩa là trang trại có cổng bằng đá.
Quá trình làm bảo tàng có sự tham gia của tổ tư vấn gồm 12 người là những chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong lĩnh vực thiết kế, hội họa, xây dựng, sưu tầm, trưng bày bảo tàng, nghệ thuật cây cảnh. "Lúc tôi có ý tưởng làm bảo tàng này, có người bảo tôi lẩm cẩm, đầu tư vào những việc vô bổ, tốn kém, chẳng mang lại lợi ích gì nhưng tôi bỏ ngoài tai, quyết tâm thực hiện bằng được ước nguyện", ông Cường tâm sự.
Thỏa niềm mong ước
Nơi trưng bày hiện vật của bảo tàng có thiết kế nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, diện tích khoảng 300 m2. Tầng 1 trưng bày hơn 600 mẫu gạch ngói. Nhiều viên gạch được xác định có niên đại vài trăm năm đến hơn một nghìn năm ở thời Đinh, Trần, Nguyễn, có hình dáng, họa tiết hoa văn độc đáo.
Mô hình ống khói lò gạch tại Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang. |
Những mẫu vật này được ông và người thân, bạn bè sưu tầm từ các công trình kiến trúc cổ khi khai quật hoặc trong quá trình sửa chữa, trùng tu công trình ở các địa phương trong cả nước.
Điển hình như gạch đặc và ngói âm dương ở thành nhà Mạc (Lạng Sơn); gạch xây ở chùa Cao, xã Khám Lạng (Lục Nam) thế kỷ XIII-XIV; gạch chữ T, ngói úp nóc, gạch ngựa bay thế kỷ XVII tại di tích nghè Hang Xanh, xã Tiền Phong (Yên Dũng); gạch trang trí sưu tầm tại Nam Định thế kỷ XIII... Ngoài ra còn có sa bàn mô hình sản xuất gạch tuynel; một số dụng cụ sản xuất gạch thủ công xưa, gạch ốp lát của các nước Đông Nam Á và thế giới.
Tầng 2 trưng bày bộ sưu tập gạch ngói, các tư liệu, hình ảnh phản ánh quá trình hình thành, phát triển của Tập đoàn Thạch Bàn từ năm 1959 tới nay. Những thành tích, danh hiệu, phần thưởng cao quý của ông và Tập đoàn Thạch Bàn được Đảng, Nhà nước trao tặng. Ông Cường chia sẻ thêm, trước khi xây dựng, ông tham quan nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, trong đó có bảo tàng gạch ngói ở một số quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý...
Ở khu trưng bày ngoài trời, phía trước bảo tàng là 15 con đường lát bằng các loại gạch đất sét nung, gạch granite nhân tạo, có một mô hình ống khói cao gần 10 m - thiết bị thông gió đặc trưng cho các nhà máy sản xuất gạch ngói. Cùng đó là 8 trụ gạch nghệ thuật đan xen giữa các cây cảnh tạo ra không gian sinh thái đặc biệt mà thi vị.
Ông Cường mong muốn trong tương lai, Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang sẽ là nơi tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà khoa học, chuyên gia, thực tập của sinh viên; tổ chức các hội nghị, hội thảo về văn hóa, di sản; gặp gỡ giao lưu, sáng tác các loại hình nghệ thuật như: Thơ, ca, âm nhạc, hội họa của các văn nghệ sĩ và trở thành điểm du lịch của tỉnh. |
Trong khuôn viên trang trại Thạch Môn Trang còn có hội trường 250 chỗ ngồi, thư viện, phòng chiếu phim, nghe nhạc, khu vui chơi, giải trí là nơi để khách nghỉ ngơi, tham quan, tìm hiểu.
Dù cả 2 vợ chồng là kỹ sư nhưng ông Cường và vợ là bà Nguyễn Thị Hà Châu đều đam mê văn chương. Riêng bà Châu sáng tác, cho ra đời nhiều tập thơ, không ít bài thơ của bà đã được các nhạc sĩ phổ nhạc.
Mong muốn của gia đình ông trong tương lai đây sẽ là nơi tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà khoa học, chuyên gia, thực tập của sinh viên; tổ chức các hội nghị, hội thảo về văn hóa, di sản; gặp gỡ giao lưu, sáng tác các loại hình nghệ thuật như: Thơ, ca, âm nhạc, hội họa của các văn nghệ sĩ và trở thành điểm du lịch của tỉnh.
"Tôi cảm thấy tự hào, hạnh phúc về những việc mình đã làm. Tôi mong muốn mình được mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến, có nhiều ý tưởng, mô hình mới trong cuộc đời sáng tạo của mình", ông Cường tâm sự.
Gia đình ông Cường xác định, sắp tới còn rất nhiều việc phải làm để vận hành bảo tàng hoạt động, như: Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh về quy mô, số lượng, chất lượng các hiện vật trưng bày; việc chăm sóc, phát triển khu vườn sinh thái sao cho đẹp hơn, phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa giá trị nhiều mặt của một khu bảo tàng đối với địa phương và cả nước.
Được biết hiện nay, cả nước có hơn 60 bảo tàng tư nhân. Đây là bảo tàng ngoài công lập đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang, bảo tàng gạch ngói đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này. Việc ra đời Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao sự tâm huyết, nhiệt tình, công sưu tầm, gìn giữ của chủ nhân. Mới đây, một tin vui với gia đình ông khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã trao quyết định cấp giấy phép hoạt động cho Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang. Bảo tàng tỉnh sẽ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nội dung, các quy định của Nhà nước về tổ chức hoạt động bảo tàng.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)