Tư vấn tâm lý học đường: Rất cần, nhưng cũng rất khó
Cán bộ Phòng Tham vấn tâm lý học đường, Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội) chia sẻ với học sinh. |
Luôn bắt mình phải học giỏi để bố mẹ tự hào là gánh nặng mà em Hà L, học sinh Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội đang gặp phải. Đối với L, điểm 8 được coi là điểm thấp. Thứ áp lực quá lớn đó khiến em cảm thấy rất căng thẳng và sợ đi học. Áp lực ấy cũng khiến em Bích N, học sinh Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có những suy nghĩ tiêu cực. N chia sẻ: “Đã có lúc em nghĩ tới việc tự tử vì thấy mình vô dụng khi không thể giành điểm số cao. Em mong muốn chia sẻ với một ai đó hiểu mình”.
Còn với em Hồng Đ, Trường THCS Dịch Vọng, Hà Nội, việc từng bị bắt nạt, trải qua những “bạo lực tinh thần” khiến em có những nỗi buồn chất chứa trong lòng không thể chia sẻ với ai. “Đến phòng tâm lý, em đã cải thiện hơn vấn đề của mình. Gần như ngày nào em cũng lên phòng tâm lý bởi ở đây em có thể vẽ, làm những điều mình thích và chơi với các bạn cũng gặp những khó khăn như mình”, Đ tâm sự.
Có thể thấy, học sinh đang phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống dẫn đến những trở ngại về tâm lý, nhưng lại không thể chia sẻ do bố mẹ ít lắng nghe hoặc thiếu kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi... Thực tế này khiến nhiều học sinh mong muốn có được sự hỗ trợ từ những người bên ngoài có chuyên môn về công tác tư vấn tâm lý. Thế nhưng, ở hầu hết trường học, khâu tư vấn tâm lý cho học sinh lại chưa phát huy hiệu quả.
PGS, TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý giáo dục cho hay: “Tỷ lệ học sinh lo âu, trầm cảm tăng lên từ 3 đến 5 lần, học sinh từ THCS đến THPT có ý nghĩ tự sát tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang tập trung nhiều vào việc ôn tập kiến thức, chưa chú trọng, chưa có kế hoạch toàn diện để kích hoạt hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần như phòng tâm lý học đường”.
Chính danh cho cán bộ tư vấn
Do không có biên chế nên hiện tại, với hoạt động tư vấn tâm lý, hầu hết các trường không có giáo viên chuyên trách về mảng tư vấn tâm lý mà phải bố trí kiêm nhiệm, thường là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế, cán bộ đoàn nên hiệu quả chưa cao. Đội ngũ này chỉ được tiếp thu kiến thức tư vấn, định hướng từ các đợt tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu.
Vừa làm công tác chuyên môn, vừa tư vấn tâm lý khiến cô Nguyễn Thị Quý, giáo viên Tổ Sử-Địa-Giáo dục công dân, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên không thể quan tâm sát sao học sinh của mình, dù đặc thù học sinh dân tộc nội trú phải sống xa nhà, có nhiều tâm sự và khúc mắc tâm lý cần được hỗ trợ. Cô Quý chia sẻ: “Chúng tôi làm công tác kiêm nhiệm và không được đào tạo bài bản, có những vấn đề phải tự tìm hiểu thông qua các nguồn tài liệu khác nhau nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình tư vấn cho học sinh”.
Đây cũng là bất cập mà PGS, TS Trần Thành Nam đã chỉ ra. Đó là nguyên tắc trong tư vấn tâm lý không được có quan hệ đa chiều hoặc song chiều ở vị trí người tư vấn. “Nếu cô giáo trong một số giờ lên lớp dạy có thể phạt các em, song chính cô giáo đó ở phòng tâm lý lại yêu cầu các em chia sẻ những vấn đề của mình thì thật sự rất khó để học sinh mở lòng”, PGS, TS Trần Thành Nam cho hay. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này còn thiếu. Học sinh khó có thể mở lòng, chia sẻ thật trong một không gian không bảo đảm quyền riêng tư.
Trước khi chờ đợi các giải pháp tổng thể, để xây dựng dịch vụ hỗ trợ tâm lý hiệu quả cho học sinh, các nhà trường cũng đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt. Mặc dù chưa có biên chế riêng cho chức danh này nhưng cách đây 5 năm, Trường THCS Dịch Vọng, Hà Nội đã nỗ lực thành lập và đưa vào hoạt động phòng tham vấn tâm lý học đường.
Lãnh đạo Trường THCS Dịch Vọng cho biết, nếu chỉ có một cán bộ tư vấn cho gần 2.000 học sinh sẽ là quá tải nên trường xây dựng nhóm học sinh yêu tâm lý. Mỗi lớp sẽ có khoảng 2 đến 3 học sinh đảm nhận công việc này. Đây là lực lượng không chỉ góp phần phát hiện những trường hợp cần hỗ trợ tâm lý ở các lớp sát sao nhất mà còn có thể trực tiếp chia sẻ với các bạn trong một số trường hợp đơn giản.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, trong giai đoạn 2015-2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học, trong đó chỉ ra, công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu... Hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục công chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường.
Trên thực tế, dù được quan tâm nhưng hầu hết các trường rất khó khăn khi triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường, bởi thiếu nhân lực cũng như kinh phí hoạt động, đặc biệt là các hoạt động theo nhóm lớn; nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa. Vì vậy, các nhà trường mong Bộ GD&ĐT, các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình tư vấn tâm lý cho học sinh cũng như quan tâm đồng bộ về nguồn lực cho hoạt động này trong nhà trường, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Công tác bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý học đường cũng cần được đầu tư bài bản hơn nữa.
Theo QĐND
Ý kiến bạn đọc (0)