Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: Phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động
BẮC GIANG - Để làm tốt chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ), thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã không ngừng đổi mới hình thức tổ chức phiên giao dịch, phát triển hệ thống thông tin thị trường. Nhờ đó, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, góp phần vào mục tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Đa dạng hình thức kết nối
Trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới và trong nước, thị trường lao động, việc làm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các phiên giao dịch việc làm là cách thức kết nối hiệu quả với NLĐ và người sử dụng lao động. Tham gia các phiên giao dịch việc làm, người sử dụng lao động tiết kiệm được chi phí tuyển dụng; NLĐ tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp (DN).
DN phỏng vấn trực tuyến người lao động có nhu cầu tìm việc tại phiên giao dịch việc làm online do Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức. |
Vì vậy, Trung tâm DVVL tỉnh luôn xác định việc tổ chức phiên giao dịch việc làm là hoạt động trọng tâm, quan trọng nhất. Ban lãnh đạo thường xuyên nghiên cứu, đổi mới tổ chức các phiên theo hướng đa dạng hình thức, mở rộng địa bàn, đối tượng tham gia. Cụ thể hóa phương châm này, hai năm trở lại đây, bên cạnh các phiên định kỳ vào thứ Năm hằng tuần, trung tâm dành kinh phí, bố trí nhân lực tổ chức nhiều ngày hội tuyển dụng lưu động tại các huyện, thị xã, TP, trong đó, tập trung vào vùng nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, các phiên chuyên đề dành riêng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đã về nước, người khuyết tật, người mãn hạn tù cũng thu hút đông NLĐ tham gia. Đặc biệt, đơn vị lồng ghép việc giới thiệu việc làm với tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về cung - cầu lao động để các bạn trẻ, học sinh cuối bậc THPT lựa chọn ngành nghề phù hợp, dễ dàng tìm việc sau khi tốt nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong tỉnh.
Theo ông Trần Văn Quảng, Trưởng Phòng Tư vấn giới thiệu - Dự báo việc làm, khi DN có nhu cầu tuyển dụng đăng ký với trung tâm, đơn vị sẽ phân loại vị trí công việc theo yêu cầu, mức lương, chính sách phúc lợi… Tại các phiên giao dịch việc làm, trung tâm niêm yết cụ thể những thông tin này gắn với nhu cầu tuyển dụng trong tỉnh và xuất khẩu lao động cụ thể; bố trí khu vực, trang thiết bị, cán bộ tư vấn, phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp, trực tuyến, tạo thuận tiện cho NLĐ và DN kết nối. Hầu hết lao động tham gia phiên đều được tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển.
Để tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, sàn giao dịch việc làm được đầu tư cơ sở vật chất với hệ thống máy tính, phần mềm chuyên dụng để NLĐ tra cứu thông tin đầy đủ, chính xác; DN đến tuyển dụng được tạo thuận lợi trong tuyên truyền, quảng cáo hình ảnh, thông tin đến NLĐ. Cùng đó, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm hỗ trợ DN, NLĐ có được kết quả tốt nhất qua mỗi phiên giao dịch.
Chị Nông Thị Hằng (SN 1998), ở xã Đồng Vương (Yên Thế) chia sẻ: “Sau nhiều lần tôi tự tìm kiếm nhưng chưa có công việc phù hợp. Khi biết Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại trung tâm huyện, tôi đến tham gia với mong muốn trực tiếp được tiếp cận với DN và thông tin tuyển dụng. Nhờ vậy, hiện tôi được Công ty cổ phần May BGG Yên Thế nhận vào làm việc với thu nhập ổn định hơn 8 triệu đồng/tháng”.
Ứng dụng công nghệ, ổn định thị trường lao động
Theo kế hoạch, năm 2024, Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức 75 phiên giao dịch việc làm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức được 50 phiên với 32 phiên định kỳ, 2 phiên chuyên đề, 6 phiên lưu động và 10 phiên online. Kết quả, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 11,4 nghìn lao động; khoảng 2,3 nghìn người có việc làm ngay khi kết thúc phiên giao dịch.
Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn việc làm cho lao động tại phiên định kỳ. |
Theo kế hoạch, năm 2024, Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức 75 phiên giao dịch việc làm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức được 50 phiên với 32 phiên định kỳ, 2 phiên chuyên đề, 6 phiên lưu động và 10 phiên online. Kết quả, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 11,4 nghìn lao động; khoảng 2,3 nghìn người có việc làm ngay khi kết thúc phiên giao dịch. |
Hiện nay, với lợi thế có thể tham gia từ xa, các phiên giao dịch việc làm online đã tận dụng được tối đa mọi nguồn lực, vừa mở rộng quy mô, phạm vi tiếp cận của phiên giao dịch, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả DN và NLĐ so với hình thức trực tiếp như trước đây. Do vậy, các phiên giao dịch việc làm online được trung tâm tổ chức những năm gần đây không chỉ kết nối NLĐ - DN trên địa bàn tỉnh mà còn với nhiều tỉnh, TP khác như Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái… Cùng với triển khai các phiên giao dịch online, trung tâm cũng thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm để phục vụ hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên các nền tảng số. Với NLĐ, các phiên giao dịch việc làm không ngừng được đổi mới, mở rộng phạm vi kết nối, nâng cao chất lượng mang lại nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm nhưng với lực lượng lao động đang có xu hướng tăng và nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn như hiện nay, việc đổi mới, nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm là nhiệm vụ cấp thiết, cần được tích cực triển khai. Vì vậy thời gian tới, trung tâm tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác dự báo, phân tích thị trường lao động; tập trung đổi mới hình thức và cách thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết, đơn vị sẽ tham mưu với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động xuống tận khu vực mà lao động có nhu cầu tìm việc lớn. Đồng thời, tăng cường phiên trực tuyến, kết nối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa - nơi NLĐ khó tiếp cận thông tin, các tỉnh ngoài đang có nguồn nhân lực dồi dào. Đặc biệt, trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số bằng việc thiết lập đường dây tư vấn, giới thiệu việc làm online qua website, fanpage và zalo bằng số điện thoại của cán bộ. Từ đó, tạo thuận lợi cho lao động tiếp cận nguồn thông tin chính thống, tránh rủi ro khi tìm việc.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)