Tránh “bệnh” sợ sai, sợ trách nhiệm
BẮC GIANG - 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước. Kết quả này có được là do tỉnh quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, vẫn còn một số DN chưa thực sự hài lòng với cách giải quyết của sở, ngành liên quan.
Một chủ DN nước ngoài đầu tư tại Cụm công nghiệp Việt Nhật (Hiệp Hòa) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu mới cách âm, cách nhiệt chống cháy công nghệ Hàn Quốc chia sẻ, qua tìm hiểu và tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, DN đã chọn đầu tư tại Bắc Giang để mở rộng quy mô. Thế nhưng đến nay, DN vẫn chưa thể hoạt động dù đã tuyển đủ công nhân, xây dựng xong nhà xưởng và lắp đặt thiết bị. Nắm được thông tin, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành vào cuộc, khẩn trương giải quyết.
Ngay sau đó, cơ quan liên quan đã tổ chức cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ cho DN. Một trong những nguyên nhân được xác định dẫn đến sự chậm trễ này là do các sở, ngành hiểu quy định của pháp luật trái chiều nhau về DN mẹ, DN con, người đại diện pháp luật, kể cả đơn vị hướng dẫn, tư vấn DN tiến hành các thủ tục cũng chưa chính xác. Từ phân tích, làm rõ vấn đề, cơ quan chức năng của tỉnh đang nỗ lực giải quyết, góp phần sớm đưa nhà máy vào vận hành.
“Thủ tục hành chính kéo dài, DN chậm hoạt động sẽ bị thiệt hại, nhất là đã ký những biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với đối tác về thời gian cung cấp hàng hoá. Rất mong những vấn đề của DN sẽ được quan tâm xử lý dứt điểm. Chúng tôi cam kết sẽ cố gắng đóng góp vào sự phát triển của Bắc Giang bằng việc sản xuất, kinh doanh các loại vật liệu mới bảo vệ môi trường”, đại diện DN này nói.
Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh nêu, nguyên nhân khiến DN gặp khó cũng phải kể đến một phần là do văn bản pháp luật còn chồng chéo, không rõ ràng, thống nhất khiến cán bộ tiếp nhận hồ sơ, xử lý lúng túng. Có một số quy định sở, ngành đã gửi văn bản xin ý kiến T.Ư nhưng không nhận được hồi âm. Cùng đó, việc xin ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm định với các đơn vị phối hợp kéo dài, chất lượng trả lời chưa cao… Các yếu tố này làm kéo dài thời gian, chậm đưa dự án vào hoạt động.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên thì việc phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính cần được tăng cường. Những nội dung DN đã khắc phục hoàn chỉnh, bảo đảm cụ thể rõ ràng thì cơ quan thẩm định không nên phát văn bản hỏi lại đơn vị có liên quan. Nêu cao tinh thần đồng hành cùng DN, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ, tránh “bệnh” sợ sai, sợ trách nhiệm. Các ngành tiếp tục xem xét, phát hiện những bất cập, chồng chéo của văn bản quy định pháp luật để đề nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)