Tổ dân vận cộng đồng: Chung tay xây dựng khu dân cư đoàn kết
BẮC GIANG - Tháng 1/2023, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Kết luận về thực hiện Đề án thành lập và hoạt động tổ dân vận cộng đồng (DVCĐ) ở thôn, tổ dân phố. Từ thực tiễn triển khai, mô hình này đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở.
Bao phủ rộng khắp
Thực hiện Kết luận của BTV Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn cụ thể để các huyện ủy, thị ủy, thành ủy triển khai, đồng thời nghiên cứu xây dựng các tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của tổ DVCĐ. Hiện 209/209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập 2.128 tổ DVCĐ với 25.170 thành viên. Các tổ chia thành 11.216 nhóm với tổng số 416.452 hộ tham gia. Nhìn chung, hoạt động của các tổ đã có tác động tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở.
Lãnh đạo Đảng ủy thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) nắm tình hình tại Tổ DVCĐ tổ dân phố Bùng. |
Để phát huy hiệu quả, mỗi nơi có cách quản lý, duy trì hoạt động. Ví như ở thôn Đồng Bùi, xã Song Mai (TP Bắc Giang), tổ DVCĐ đã vận động được 90% hộ dân có người đại diện tham gia nhóm zalo. Nhờ vậy mọi thông tin được phổ biến thuận tiện, nhanh chóng. Đặc thù thôn có tuyến đường đê, đường liên thôn dài và nhiều tuyến ngõ nên để người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, hằng tuần, tổ đưa thông tin việc thực hiện Ngày Chủ nhật xanh vào nhóm. Từ đó ý thức người dân nâng lên, tích cực làm đẹp thôn xóm và xây dựng những tuyến đường kiểu mẫu sáng, xanh, sạch, đẹp.
Hiện 209/209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập 2.128 tổ DVCĐ với 25.170 thành viên. Các tổ chia thành 11.216 nhóm với tổng số 416.452 hộ tham gia. Nhìn chung, hoạt động của các tổ đã có tác động tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở. |
Các tổ DVCĐ trong tỉnh cũng thực hiện tốt việc nắm bắt và phản ánh tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi cư trú. Đồng chí Nguyễn Thành Lợi, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ DVCĐ thôn Mai Thưởng, xã Yên Sơn (Lục Nam) nói: Ngoài báo cáo cấp ủy, chính quyền và đề xuất phương án giải quyết những vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các thành viên tổ DCVĐ đã trực tiếp vận động, hòa giải được 4 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết.
Thống kê từ tháng 1/2023 đến nay, toàn tỉnh có 21.484 ý kiến của người dân phản ánh thông qua tổ DVCĐ. Năm 2023, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các địa phương tiến hành khảo sát gần 116 nghìn phiếu để lấy ý kiến người dân về những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh tại địa bàn cư trú thông qua các tổ DVCĐ. Nội dung tập trung vào các vấn đề liên quan như: Quản lý đô thị, môi trường, giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự... Qua đó giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, góp phần tạo đồng thuận và ổn định tình hình ở cơ sở.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Qua đánh giá của ban dân vận các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, sau một thời gian triển khai, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các tổ DVCĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Nổi bật là việc duy trì chế độ sinh hoạt theo quy chế chưa thường xuyên; một số thành viên nhận thức chưa rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ nên hoạt động còn lúng túng...
Thành viên Tổ DVCĐ thôn Lục Liễu Dưới, xã Hợp Đức (Tân Yên) nắm tình hình địa bàn. |
Khắc phục khó khăn, các địa phương đã quan tâm tháo gỡ để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn để có thêm kinh phí hoạt động, một số địa phương chỉ đạo các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ kinh phí; các xã, thôn tích cực vận động xã hội hóa. Ngoài ra, để cung cấp tài liệu tuyên truyền đến người dân, ban dân vận các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đề nghị các đơn vị như công an, phòng tài nguyên và môi trường biên tập bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, bảo vệ môi trường cấp phát đến từng tổ DVCĐ.
Để nâng cao nghiệp vụ cho các thành viên tổ DVCĐ, nhiều địa phương quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị chuyên đề, tọa đàm về nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở cơ sở. Đơn cử như huyện Tân Yên tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo cụm xã (6 đến 7 xã thành 1 cụm). Tham dự là thành viên ban chỉ đạo cấp xã và tổ trưởng, tổ phó tổ DVCĐ.
Đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Nhã Nam chia sẻ: Thị trấn có 17 tổ DVCĐ chia thành 55 nhóm. Nhằm nâng cao kỹ năng điều hành ở các tổ, địa phương quan tâm tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, nội dung như cách phân công nhiệm vụ cho các thành viên; hướng dẫn ghi chép cập nhật thông tin tuyên truyền, cách thức quản lý, điều hành các nhóm Zalo kết nối hộ gia đình.
Tại huyện Yên Thế, ngoài hỗ trợ kinh phí mua bút, in mẫu sổ theo dõi hoạt động, các xã, thị trấn trực tiếp hướng dẫn đến các thành viên là nhóm trưởng, tổ viên về chức năng, nhiệm vụ của tổ. Cuối năm, huyện thành lập đoàn thẩm định, đánh giá hoạt động của các tổ, từ đó nhân rộng cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Đồng chí Thân Văn Nghiệp, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các nhóm Zalo DVCĐ, quan tâm hướng dẫn các tổ thực hiện tốt các nhiệm vụ. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân nơi cư trú thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.
Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các tổ DVCĐ thực hiện nghiêm quy chế hoạt động; đổi mới hình thức hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương theo hướng linh hoạt, phù hợp trình độ dân trí và đặc điểm từng thôn, tổ dân phố nhằm tạo sự chủ động, tích cực của người dân khi tham gia. Các địa phương tiếp tục làm tốt việc đánh giá, xếp loại tổ DVCĐ. Trên cơ sở đó lựa chọn, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ để tuyên truyền, nhân rộng.
Bài, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)