Tổ chức hiệu quả hoạt động huấn luyện, ngăn ngừa tai nạn lao động
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH khu vực tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi giám sát.
|
Theo báo cáo của UBND tỉnh, để triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các quy định do Chính phủ, bộ, ngành T.Ư ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai ở các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong toàn tỉnh. Hoạt động phổ biến pháp luật được quan tâm, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về về ATVSLĐ của DN, người lao động.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành đúng quy định theo quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 97 DN đã thành lập Hội đồng ATVSLĐ; 236 DN thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với tổng số hơn 3 nghìn người tham gia.
Bà Hồ Thị Kim Ngân trao đổi một số vấn đề về ATVSLĐ tại buổi giám sát. |
Trên cơ sở giám sát thực tế tại hai DN trên địa bàn tỉnh là: Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa); Công ty TNHH MTV SJ Tech (KCN Vân Trung), bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ ra một số tồn tại như: Việc trang bị quần áo bảo hộ lao động cho công nhân theo quy định chưa đầy đủ; công nhân còn chủ quan, thiếu nghiêm túc trong sử dụng đồ bảo hộ.
Do hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế nên vẫn còn lao động chưa tuân thủ quy trình vận hành máy móc, thiết bị dẫn tới tai nạn, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc. Do áp lực về chi phí đầu tư nên tại một số vị trí sản xuất, hệ thống chiếu sáng chưa bảo đảm; nguồn thực phẩm sử dụng trong các bếp ăn ở DN hay nhà thầu cung cấp suất ăn sẵn cho công nhân khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các thành viên đoàn giám sát tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH MTV SJ Tech. |
Tại buổi giám sát, một số thành viên trong đoàn nêu một số vấn đề trong công tác ATVSLĐ cần được quan tâm làm rõ như: Việc bố trí nguồn lực phục vụ công tác tuyên truyền về lĩnh vực; phân tích cụ thể về nguyên nhân, lĩnh vực thường xảy ra các vụ tai nạn lao động để đề xuất giải pháp hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro; chú trọng hoạt động hậu kiểm sau thanh tra, kiểm tra; công tác quản lý chất thải nguy hại trong các DN; nâng cao chất lượng khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, cải thiện bữa ăn ca cho công nhân.
Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh một số nội dung. |
Trao đổi tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn giám sát, đồng chí khẳng định, thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động rà soát, đánh giá, phân loại DN.
Từ đó, kịp thời phát hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra những đơn vị tuân thủ chưa nghiêm các quy định pháp luật về lao động, trong đó có bảo đảm ATVSLĐ. Đồng thời chỉ đạo ngành chức năng, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, thiết lập cơ chế cảnh báo sớm khi DN có dấu hiệu vi phạm.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu phát biểu kết luận. |
Đồng chí đề nghị tỉnh nên có thêm đánh giá về văn bản triển khai của các sở, ngành liên quan. Từ đó nhân rộng những cách làm sáng tạo, giải pháp hiệu quả trong quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong báo cáo và trao đổi của thành viên trong đoàn giám sát.
Tiếp tục quan tâm, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền về lĩnh vực này, nhằm nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị, nhất là chủ sử dụng và người lao động để họ tự giác chấp hành. Đặc biệt, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đề nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí, tổ chức hiệu quả hoạt động huấn luyện an toàn lao động bởi đây là yếu tố quan trọng để phòng ngừa tai nạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)