Tin lời nhân viên ngân hàng rởm, hơn trăm người bị lừa cho vay tiền
Hơn 100 người bị nhóm Lê Ngọc Diệp (41 tuổi) ở TP Hồ Chí Minh, giả nhân viên ngân hàng gọi điện thoại mời vay tiền, sau đó yêu cầu đóng các khoản phí rồi chiếm đoạt.
Ngày 11/11, Lê Ngọc Diệp, Phạm Thị Kim Loan (21 tuổi) cùng 4 người khác bị Công an huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, nhiều người trình báo được nhân viên ngân hàng gọi điện, tư vấn tham gia các khoản vay 10-150 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Sau khi họ được duyệt, nhân viên ngân hàng yêu cầu phải nộp nhiều khoản phí như bảo hiểm, dịch vụ hồ sơ... rồi chiếm đoạt luôn.
Lê Ngọc Diệp tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp. |
Sau thời gian điều tra, mới đây, Công an huyện Bình Chánh ập vào căn hộ trên đường số 12, KDC Phong Phú 4, bắt quả tang một số nghi can đang thực hiện hành vi lừa đảo. Cảnh sát thu giữ nhiều tang vật liên quan như điện thoại bàn, máy tính, danh sách khách hàng, kịch bản lừa đảo...
Từ lời khai những người liên quan, cảnh sát bắt Diệp - nghi can cầm đầu. Người phụ nữ này khai đã thuê căn hộ, lên kịch bản lừa đảo, tuyển nhiều nhân viên, trang bị máy móc, mua dữ liệu khách hàng trên các nhóm chat Telegram.
Các bị can đồng phạm của Lê Ngọc Diệp. Ảnh: Công an cung cấp. |
Hàng ngày, các nhân viên gọi đến số điện thoại của người dân trong dữ liệu đã mua, xưng là nhân viên ngân hàng đang có chính sách cho vay nhanh. Số tiền khách hàng được vay từ 10 đến 150 triệu đồng, chỉ cần một số giấy tờ cá nhân...
Khi có người đồng ý, nhân viên của Diệp vờ xin các thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD, bằng lái... còn Loan trong vai quản lý ngân hàng, thông báo hoàn tất thẩm định, yêu cầu khách hàng nộp tiền phí bảo hiểm khoản vay, phí hồ sơ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tuỳ vào số tiền vay.
Với những người không có tài khoản để chuyển phí, để chiếm đoạt tiền, Loan sẽ gợi ý thanh toán phí bảo hiểm, hồ sơ thông qua dịch vụ thu hộ (COD) của bưu điện hay các công ty vận chuyển. Bằng cách này, các nhân viên sẽ gửi gói hàng (dưới danh nghĩa hồ sơ ngân hàng), để thu tiền người nhận.
Cuối tháng, Diệp cho nhân viên tổng hợp "thu nhập" để phát lương, chia hoa hồng cho các đồng phạm. Theo cảnh sát, thực tế, nhiều trường hợp có liên lạc để khiếu nại, nhóm này sẽ viện nhiều lý do để kéo dài thời gian. Do số tiền mất ít, tâm lý sợ phiền hà nên nhiều người chấp nhận bỏ số tiền bị lừa.
Cơ quan điều tra xác định, bằng thủ đoạn này, Diệp và nhóm mình đã lừa thành công hơn 100 nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố, chiếm đoạt hàng trăm triệu.
Cảnh sát đang mở rộng điều tra vụ án.
Ý kiến bạn đọc (0)