Tìm lại nụ cười cho trẻ khuyết tật
Tại đây, quá trình điều trị cho các em nhỏ không may bị khuyết tật bẩm sinh, tai nạn thương tích… thường kéo dài 2, 3, 5 năm hoặc lâu hơn. Bởi thế mà các y, bác sĩ vừa hướng dẫn điều trị, vừa là bạn, là người đồng hành chia sẻ vui buồn, nỗ lực hàn gắn, bù đắp những thiệt thòi cho các em.
Hàn gắn mảnh ghép khuyết
Phòng điều trị phục hồi chức năng ở Khoa Nhi luôn ồn ào bởi tiếng khóc, tiếng cười của những bệnh nhi khuyết tật. Các điều dưỡng, kỹ thuật viên vẫn kiên trì dỗ dành, đôi tay không ngớt xoa bóp, kéo nắn xương khớp, chiếu tia laser, tia hồng ngoại theo phác đồ điều trị. Tại đây có hơn 20 em nhỏ bị khuyết tật về trí tuệ, vận động, ngôn ngữ do bại não, tự kỷ, hội chứng down đang được điều trị. Nhiều nhất là trẻ bị bại não, việc điều trị mất rất nhiều thời gian nên các thầy thuốc đã quen với tiếng cười, tiếng khóc cũng như tình trạng bệnh của trẻ.
Niềm vui mỗi ngày của các thầy thuốc và bệnh nhân ở Khoa Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh). |
Như bé Nguyễn Lâm S. (SN 2021) ở thôn Nghĩa Vũ, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) bị bại não, gia đình thuộc hộ nghèo. Ông nội của S. từng tham gia chiến đấu ở chiến trường rồi không may bị nhiễm chất độc hóa học, bố em bị câm, ai thuê gì làm đó, thu nhập chẳng đáng là bao. Yếu cơ, xương nên S. chỉ biết lăn, lật người quanh nhà mà không thể ngồi dậy như những đứa trẻ cùng tuổi khác. Mẹ của S. gầy gò, ốm yếu, hằng ngày hì hụi đưa con đến viện bằng chiếc xe đạp để được các bác sĩ giúp đỡ. Nhìn người phụ nữ nghèo tất tả ôm con, xách chiếc túi đựng vài bộ quần áo vào bệnh viện mà ai cũng thương cảm. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, các thầy thuốc trong khoa luôn động viên, chia sẻ, nỗ lực phục hồi chức năng cho bé S. để em ngày một tiến bộ.
Tiếng khóc ngằn ngặt của một em nhỏ kế bên đang được điều dưỡng Nguyễn Thị Phương có 17 năm trong nghề cẩn thận kéo, nắn xương như át đi tiếng nói của mọi người trong phòng. Chị Phương tâm sự, việc can thiệp khi trẻ còn nhỏ càng sớm thì càng hiệu quả. Dù thể lực các em còn yếu, việc xoa, nắn bóp cơ, xương sẽ khiến trẻ đau đớn nhưng nếu không cố gắng tập luyện thì xương khớp cổ tay, cổ chân, cột sống… sẽ bị sai lệch tư thế, chai cứng rồi thành tật suốt đời. Vì thế, các em khóc, có khi các điều dưỡng cũng khóc theo vì xót nhưng không có cách nào khác là phải cố gắng thực hiện đúng quy trình, theo phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra. Vừa làm, chị Phương vừa trò chuyện động viên, dỗ dành để trẻ vơi bớt nỗi đau.
Công việc thường ngày của các y, bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh). |
Ngoài mang khuyết tật khác nhau, mỗi trẻ đến đây sức đề kháng không tốt nên thường xuyên mắc thêm một số bệnh truyền nhiễm (đau mắt đỏ, cúm...). Các bác sĩ đeo đầy đủ găng tay, khẩu trang, sát khuẩn vệ sinh tay khi tiếp xúc với bệnh nhi. Có bé khóc quá nôn, trớ ra quần áo bác sĩ, lúc này các kỹ thuật viên lại phải thay vội bộ quần áo rồi nhanh chóng trở vào làm việc. Nếu như ở các khoa điều trị khác, bệnh nhân trưởng thành có sự hợp tác thì bệnh nhi ở đây thường khóc quấy, không tập trung, hạn chế khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Lúc này, nhân viên y tế vừa phải dỗ dành vừa thường xuyên phải lặp lại một lời nói, cử chỉ đến cả trăm lần để tạo cho trẻ hình thành phản xạ tích cực.
"Không giống như mắc bệnh cấp tính điều trị một thời gian sẽ khỏi, việc chăm sóc, điều trị cho trẻ khuyết tật cần quá trình bền bỉ, lâu dài và tốn kém. Nếu không được đồng hành, khích lệ, gia đình sẽ nản, dễ bỏ cuộc. Chúng tôi luôn cố gắng chia sẻ, hỗ trợ để gia đình không đơn độc trong hành trình phục hồi chức năng cho con em họ” - Kỹ thuật viên Thân Thị Soan |
Thời gian điều trị kéo dài nên các bác sĩ đều hiểu rõ hoàn cảnh, tính cách, sở thích của mỗi bé. Vừa thủ thỉ kể chuyện, chị Phương vừa hướng dẫn vận động khớp tay cho bé K.A (SN 2020). Nhà bé ở xã Bảo Sơn (Lục Nam), bố mẹ làm công nhân nên bà nội đành gác lại ruộng vườn vào viện chăm sóc. Bà nội của K.A cho hay: “6 tháng qua chúng tôi lấy bệnh viện làm nhà. Lúc đầu nhớ nhà lắm, cháu thì khóc còn bà lạ nhà không sao ngủ nổi. Thế rồi ở mãi thành quen, bà cháu tôi được các bác sĩ thường xuyên động viên nên nguôi ngoai nỗi buồn, yên tâm điều trị. Mừng là sức khỏe của cháu tiến triển rõ rệt, hiện hai tay đã có thể cầm nắm được các vật nhẹ”.
Làm việc bằng tình thương và trách nhiệm
Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng là chuyên ngành chữa bệnh sử dụng phương pháp, kỹ thuật điều trị không dùng thuốc, giúp bệnh nhân hồi phục chức năng của cơ thể sau khi bị chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh. Bác sĩ chuyên khoa II Ngọ Văn Chắc, Trưởng Khoa Nhi chia sẻ, tại đây có 10 cán bộ thì 2 đồng chí nghỉ thai sản, 8 người còn lại làm việc gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên duy trì hoạt động khám, chữa bệnh cho 20 đến 40 bệnh nhi. Bằng tình thương, trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”, người thầy thuốc không chỉ am hiểu về bệnh lý để có thể chăm sóc tốt về thể lực mà còn phải thấu hiểu tâm lý để có thể mang đến cho bệnh nhân sự thoải mái nhất khi điều trị.
Niềm vui mỗi ngày của các thầy thuốc và bệnh nhân ở Khoa Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh). |
Từ khi chọn học nghề y, chị Thân Thị Soan (SN 1986) hiện là kỹ thuật viên vật lý trị liệu công tác tại Khoa Nhi luôn xác định tâm thế cống hiến, hết lòng vì người bệnh. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị theo học tại Trường Đại học Y dược Hải Dương. Lúc ấy ai cũng bảo nghề y vất vả, tiếp xúc nhiều với dịch bệnh, đêm hôm lại phải trực, trong khi phụ nữ còn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, dâu con gánh vác việc gia đình. Khi ấy, chị chỉ nghĩ đơn giản, mình đã chọn thì cứ theo, với lại, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe của những người khuyết tật sẽ ra sao. Đến nay, sau nhiều năm gắn bó tại Khoa Nhi, chị lại luôn tâm niệm: Một đứa trẻ khuyết tật đi không vững, nói không thành lời bị thiệt thòi rất nhiều, biết bao gia đình kiệt quệ kinh tế, dẫn đến đói nghèo. Nếu được phục hồi chức năng tốt ngay từ khi trẻ còn nhỏ, khi bệnh mới chớm thì sẽ giảm đáng kể thương tổn. Đó là lý do để chị và các đồng nghiệp trong khoa nỗ lực mỗi ngày. “Không giống như mắc bệnh cấp tính điều trị một thời gian sẽ khỏi, chăm sóc, điều trị cho trẻ khuyết tật cần quá trình bền bỉ, lâu dài và tốn kém. Nếu không được đồng hành, khích lệ, gia đình sẽ nản, dễ bỏ cuộc. Chúng tôi luôn cố gắng chia sẻ, hỗ trợ để gia đình không đơn độc trong hành trình phục hồi chức năng cho con em họ”, chị Soan cho biết.
Nói rồi, chị Soan kể về nhiều trường hợp tiến bộ rõ rệt sau thời gian điều trị tích cực tại đây. Như cháu Lê Thái H, ở huyện Tân Yên vào Khoa Nhi luyện tập phục hồi chức năng từ khi mới 1 tuổi. Sau 3 năm kiên trì luyện tập, đến nay cháu đã đi học, hòa nhập cùng các bạn tại một trường tiểu học ở TP Bắc Giang. Hay như em Vũ Đình Chí T (SN 2010) ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa) những ngày này đang luyện tập tích cực tại khoa. Tai họa ập đến liên tiếp khi T bị tai nạn đuối nước, sau đó phát hiện u tủy phải phẫu thuật cấp cứu. Sau thời gian dài điều trị, em vẫn nằm liệt một chỗ, chân tay bất động. Lúc ấy em cảm thấy rất tuyệt vọng. Cậu bé nói: “Sau 7 tháng điều trị tại đây, bây giờ sức khỏe của cháu tốt hơn rất nhiều, cháu có thể ngồi trò chuyện và tự vệ sinh cá nhân, tay trái, tay phải đều có cảm giác. Đây là điều kỳ diệu khiến cả gia đình và cháu đều thực sự bất ngờ”.
Công việc thường ngày của các y, bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh). |
Khoa học đã chứng minh vật lý trị liệu càng sớm thì hiệu quả càng rõ rệt và thực tế nhiều người khỏe mạnh phục hồi tốt sau chấn thương. Thế nhưng có nhiều gia đình thiếu kiên trì, không theo đến cùng liệu trình điều trị khiến bệnh tình con trẻ càng nghiêm trọng. Các bác sĩ cũng trăn trở là nhiều trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng dân tộc thiểu số hoặc không có đầy đủ tình yêu thương của bố và mẹ, chính vì thế điều kiện chăm sóc, điều trị gặp trở ngại. Để chia sẻ khó khăn với các gia đình có trẻ khuyết tật, hằng năm vào các dịp Tết thiếu nhi, Trung thu, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh phối hợp với các tổ chức, cá nhân tặng quà động viên các em nhỏ.
Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người bệnh là chuyên khoa hữu ích, mang lại giá trị to lớn cho các gia đình và xã hội nhưng ít bạn trẻ theo học ngành này. Bác sĩ Ngọ Văn Chắc cũng như các điều dưỡng, kỹ thuật viên mong muốn người dân hiểu hơn về công việc của các thầy thuốc nơi đây. Và nay mai, sẽ có nhiều người chọn theo ngành này, bổ sung nhân lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho những trẻ em thiếu may mắn.
Bài, ảnh: Hải Vân - Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)