Thuốc lá làm gia tăng nghèo đói và bệnh tật
Gánh nặng kinh tế - xã hội
Chi phí xã hội cho việc sử dụng thuốc lá tại các nước rất cao, như tại Mỹ, mức tổn thất này được ước tính là 184,5 tỷ đô la Mỹ (USD) mỗi năm; tại Đức là 24,4 tỷ USD; tại Pháp là 16,4 tỷ USD; tại Australia là 14,2 tỷ USD và Trung Quốc là 4,3 tỷ USD.
Gánh nặng chi phí y tế để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá đang là một thách thức đối với nhiều quốc gia. Theo số liệu của các nước phát triển, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm khoảng 6 - 15% tổng chi phí y tế.
Tranh minh họa. |
Tại Việt Nam, năm 2010, chỉ riêng chi phí điều trị cho 3 trong số 25 loại bệnh phổ biến nhất liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn) đã là 2.304 tỷ đồng.
Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là hộ có thu nhập thấp. Một người hút thuốc lá trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói. Bên cạnh đó, thuốc lá còn làm gia tăng hoạt động buôn lậu, gây ra nguy cơ cháy nổ.
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Một nghiên cứu tại 2 phường nội thành Hà Nội cho thấy: Hàm lượng nicotine trong không khí tại nhà ở khá cao (trung bình 0,687 mg/m3). Hàm lượng khí CO trong không khí tại nhà ở của các gia đình có người hút thuốc cao gấp 2,4 lần nồng độ giới hạn cho phép.
Theo thống kê của thế giới, hỏa hoạn do nguyên nhân thuốc lá chiếm 10% tổng số các vụ hỏa hoạn, gây ra 300 nghìn ca tử vong và thiệt hại vật chất lên tới 27 tỷ USD. Riêng ở Mỹ năm 2002 có tới 14.450 vụ cháy do thuốc lá gây ra, làm chết 520 người và bị thương 1.330 người.
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và tử vong
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác (ung thư vòm họng, ung thư da, loãng xương, ung thư thanh quản, phế quản, đục nhãn mắt, loét dạ dày, liệt dương, giảm khả năng sinh sản…) do khói thuốc lá có chứa hơn 7 nghìn chất hóa học, trong đó có nicotine là chất gây nghiện và khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, điển hình là các chất như nhựa thuốc lá (tar), benzen, carbon monoxide....
Người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút thuốc lá.
Tại Việt Nam, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV; tiếp theo thuốc lá là rượu và tai nạn giao thông. |
Hút thuốc lá thụ động cũng là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khỏe do khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút thở ra. Người thường xuyên hít phải khói thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 26% so với người không hít phải khói thuốc lá.
Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản ở cả nam và nữ. Khói thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ bệnh tim lên 25 - 30%, mắc bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%.
Tại Việt Nam, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV, tiếp theo thuốc lá là rượu và tai nạn giao thông. Đối với nam giới, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm với gần 11% tổng số ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70 nghìn người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm).
Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới thì có 1 người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc lá cao khiến Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng lớn về sức khỏe con người và kinh tế. Chi phí điều trị, mất và giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 1 tỷ USD/năm.
Do đó, cần phải tăng cường truyền thông về gánh nặng kinh tế và y tế do thuốc lá gây ra với ngân sách nhà nước, hộ gia đình, xã hội nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá trong nhân dân và các cơ quan nhà nước. Tăng cường thực thi các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến chính sách giá và thuế thuốc lá, nhằm giảm lượng tiêu thụ thuốc lá.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)