Thực hiện Nghị quyết số 113 của Tỉnh ủy: Đường đô thị rộng mở
BẮC GIANG - Thực hiện Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 22/7/2016 của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 113), các địa phương tập trung xây mới, cải tạo nhiều tuyến đường đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối, mở rộng không gian phát triển.
Thêm nhiều tuyến đường mới
Xác định hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững, những năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành một số chương trình, nghị quyết, kết luận về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có đường đô thị. Điển hình là Nghị quyết 113 của Tỉnh ủy. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển kết cấu giao thông tương đối hoàn chỉnh, hiện đại. Các địa phương tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư mở mới, cải tạo đường đô thị bảo đảm liên kết vùng, nhất là các tuyến vành đai kết nối với quốc lộ (QL) và đường tỉnh.
Đường trục khu dân cư Chằm, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023. |
Thực hiện Nghị quyết 113, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án, bố trí nguồn lực xây mới, nâng cấp nhiều tuyến đường. Theo đó, mấy năm gần đây, nhiều tuyến đường đô thị ở các thị trấn, thị xã và TP của tỉnh được nâng cấp, mở mới.
Tại huyện Lục Nam, cuối năm 2020, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 09-KH/HU về thu hút và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, khu dân cư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch giai đoạn 2020-2025. Mục đích nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án hạ tầng đô thị để thu hút đầu tư.
Đồng chí Đặng Văn Nhàn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 113, mỗi năm huyện bố trí từ 200-250 tỷ đồng từ ngân sách để mở mới, cải tạo hàng chục tuyến đường nội thị kết nối với đường tỉnh lộ, QL”. Điển hình như: Đường kết nối từ QL 31 đi QL 37 (đoạn cầu Mẫu Sơn đi cầu Sen); đường trục khu dân cư Chằm thuộc thị trấn Đồi Ngô... Ngoài ra, còn nhiều tuyến đường khác đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành năm nay như: Đường kết nối QL 31 đi QL 37 (đoạn cầu Mẫu Sơn đi Trung đoàn 111), thị trấn Đồi Ngô; đường nối từ QL 31 đi đường tỉnh 293 (đoạn thị trấn Phương Sơn đi xã Yên Sơn)...
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của mạng lưới giao thông đô thị trong thúc đẩy liên kết vùng, năm 2021, Thành ủy Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 36-KH/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 113, với định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, hạ tầng giao thông đô thị phát triển đồng bộ. Cụ thể hóa chủ trương này, UBND TP chủ động quy hoạch, tập trung nguồn lực thực hiện. Ba năm gần đây, TP dành gần 1,8 nghìn tỷ đồng xây dựng đường và cầu trong đô thị. Nhiều công trình đã hoàn thành, giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn giao thông. Nổi bật là công trình xây mới cầu Á Lữ và đường dẫn phía Tây TP Bắc Giang; cầu vượt qua đường Xương Giang; đường trục chính khu đô thị Tây Nam…
Tại các địa phương khác như huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng… việc phát triển đường đô thị được quan tâm đầu tư. Ngoài các tuyến đường đô thị do cấp huyện xây dựng, hằng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí để xây mới nhiều tuyến đường thuộc các khu đô thị như: Nút giao cầu vượt Hùng Vương (TP Bắc Giang); đường tỉnh 295, đoạn từ cầu Bến Tuần đi thị trấn Cao Thượng và đoạn thị trấn Cao Thượng đi cầu Bỉ Nội (Tân Yên)…
Tạo động lực để phát triển
Nhằm tiếp tục chuẩn hóa hệ thống đường đô thị, tăng kết nối vùng, tạo động lực mới cho phát triển KT-XH địa phương, ngày 7/3/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 55-KL/TU về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 113. Thực hiện Kết luận này, giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để mở mới, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, đường đô thị. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh bố trí hơn 15 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách và vốn huy động để đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, đường đô thị.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh bố trí hơn 15 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách và vốn huy động để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường đô thị. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường được xây mới, cải tạo mở rộng, làm đẹp thêm cảnh quan đô thị. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 885 km đường đô thị (tăng gần 580 km so năm 2015), tập trung ở TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện: Lục Nam, Hiệp Hòa, Lạng Giang. Đáng chú ý, số lượng đường đô thị được nâng cấp, mở mới giai đoạn 2021-2023 tăng cao hơn giai đoạn trước đó. Nếu như giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh làm mới hơn 130 km đường đô thị thì giai đoạn 2021-2023 làm mới hơn 440 km.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 113, Sở Xây dựng tập trung phối hợp với các địa phương làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh việc xây dựng, cải tạo đường đô thị. Các địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể.
Đồng chí Vũ Trí Hải, Bí thư Thành ủy cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 113, Thành ủy xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên thực hiện trước một bước. Theo đó, trên cơ sở các công trình giao thông đã được phê duyệt, Thành ủy phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, xác định lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành đối với từng dự án. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm để có biện pháp chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc. TP phấn đấu năm 2025 sẽ hoàn thành hạ tầng khung đô thị và đầu tư hạ tầng giao thông đối ngoại bảo đảm đồng bộ, hiện đại”.
Thực hiện Nghị quyết 113, cùng với Thành ủy, nhiều huyện ủy, thị ủy đã ban hành kế hoạch về phát triển hạ tầng giao thông và ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các dự án đường đô thị. Thị xã Việt Yên gắn việc làm đường đô thị gắn với các khu dân cư, khu đô thị mới bảo đảm tính kết nối với đường giao thông hiện có. Các huyện: Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang… gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với kết quả xây dựng đường giao thông, trong đó có đường đô thị. Vì thế tới đây, sẽ còn nhiều tuyến đường đô thị được mở mới, nâng cấp; đặc biệt là khi huyện Yên Dũng sáp nhập vào TP Bắc Giang, thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)