Thành lập tổ chức công đoàn trong DN ngoài nhà nước: Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy
BẮC GIANG - Ngày 19/4/2021, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 100-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn và phong trào công nhân ở các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước (gọi tắt là Nghị quyết 100). Sau 3 năm triển khai, các cấp ủy đảng đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện hiệu quả.
Tích cực triển khai
Ngay sau khi Nghị quyết 100 được ban hành, các cấp ủy đảng, công đoàn trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, cụ thể hóa các chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Trong 3 năm, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy tổ chức 276 hội nghị quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giai cấp công nhân tới gần 50 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) và đại diện lãnh đạo các DN trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và lãnh đạo Công đoàn các KCN tỉnh trò chuyện với công nhân Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu). |
Cùng với công tác quán triệt, các cấp ủy trong tỉnh đã kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước; nêu cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu; chỉ đạo, định hướng tổ chức công đoàn xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm. Cấp ủy, tổ chức đảng trong các DN lãnh đạo công đoàn cơ sở (CĐCS) phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, hỗ trợ đoàn viên khó khăn; phát động, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Đến nay, tất cả DN lớn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được tổ chức công đoàn.
Theo Nghị quyết 100, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% DN khu vực ngoài nhà nước đang hoạt động, thường xuyên sử dụng 25 lao động trở lên thành lập được tổ chức công đoàn; 90% công nhân, lao động trong các DN ngoài nhà nước gia nhập tổ chức công đoàn. Hằng năm, có ít nhất 80% CĐCS trong DN ngoài nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. |
Trong 3 năm (2021-2023), toàn tỉnh thành lập mới 161 CĐCS (hầu hết ở trong DN ngoài nhà nước) với hơn 103 nghìn đoàn viên. Năm 2023, 651/651 (đạt 100%) CĐCS trong DN ngoài nhà nước phối hợp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng, ký kết, bổ sung thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, 3 năm qua, công đoàn các cấp đã giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp hơn 1,6 nghìn đảng viên là công nhân.
Có được kết quả trên, thời gian qua, các đảng bộ cấp huyện có nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như huyện Yên Dũng, với phương châm “Ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức công đoàn”, BTV Huyện ủy chỉ đạo tổ chức rà soát DN trên địa bàn, thống kê đội ngũ lao động, nắm chắc số lượng công nhân chưa là đoàn viên công đoàn để vận động gia nhập tổ chức.
Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, LĐLĐ huyện tham mưu BTV Huyện ủy tổ chức tọa đàm cấp huyện với chủ đề “Tăng cường vai trò của cấp ủy trong phát triển tổ chức công đoàn ở DN ngoài khu vực nhà nước”; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc nắm bắt thông tin, vận động thành lập CĐCS trong DN, công nhân tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn cũng như việc đăng ký tham gia lớp nhận thức về Đảng với những công nhân đủ tiêu chuẩn. Ông Hoàng Trọng Đông, Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Dũng cho biết, nhờ triển khai bài bản, riêng trong tháng 5/2024, LĐLĐ huyện đã thành lập 4 CĐCS, nâng tổng số CĐCS được thành lập từ đầu năm đến nay là 7 đơn vị (toàn bộ trong DN ngoài nhà nước).
Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn
Toàn tỉnh hiện có 44 tổ chức cơ sở đảng ở DN khu vực ngoài nhà nước với 2,5 nghìn đảng viên. Đa số tổ chức đảng trong các DN ngoài nhà nước đã cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị và xây dựng quy chế làm việc phù hợp, thể hiện vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo xây dựng các đoàn thể vững mạnh, nhất là tổ chức công đoàn. Đặc biệt, cấp ủy chỉ đạo tổ chức công đoàn kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của công nhân để phản ánh với chủ DN xem xét, giải quyết, hạn chế tranh chấp lao động dẫn tới ngừng việc tập thể.
Đồng chí Nguyễn Viết Cường, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Sungwoo Vina (KCN Đình Trám) thuộc Đảng bộ các KCN tỉnh chia sẻ: “Trong sinh hoạt, Chi bộ chú trọng thảo luận, tìm các giải pháp chỉ đạo CĐCS tham mưu với lãnh đạo DN tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua trong công nhân lao động”. Được biết, thời điểm xảy ra dịch Covid-19, Công ty gặp khó khăn về nhập nguyên liệu, xuất hàng; nhiều DN khác phải cắt giảm lao động, công nhân lo lắng về việc làm, thu nhập. Nắm bắt điều đó, Chi bộ chỉ đạo Công đoàn Công ty tuyên truyền để ổn định tâm lý NLĐ. Đồng thời kêu gọi đoàn viên hăng hái thi đua sản xuất, yên tâm gắn bó với DN.
Dù đạt được nhiều kết quả song theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, việc triển khai Nghị quyết 100 còn có những hạn chế. Nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở, chủ sử dụng lao động về vai trò của tổ chức công đoàn chưa đầy đủ; công tác quản lý nhà nước về lao động trong một số DN thiếu chặt chẽ. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ có thời điểm chưa kịp thời, dẫn đến lúng túng trong xử lý, giải quyết những tình huống phát sinh; hoạt động của một số CĐCS còn hình thức.
Qua khảo sát của tổ chức công đoàn, toàn tỉnh còn hơn 1,7 nghìn DN đủ điều kiện nhưng chưa thành lập CĐCS, hầu hết là DN khu vực ngoài nhà nước. Trong khi đó, số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong DN còn ít. Để khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra, các cấp ủy đảng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong các DN ngoài nhà nước; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn và phong trào công nhân ở khu vực này. Tổ chức công đoàn đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút đoàn viên.
Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 100, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bắc Giang cho rằng, giải pháp quan trọng là phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng ở DN. Thực tế hiện nay, ngoài thu hút, bảo vệ chăm lo lợi ích đoàn viên, công đoàn trong DN cần phát huy hiệu quả vai trò giám sát. Để làm tốt nội dung này, công cụ quan trọng nhất là thỏa ước lao động tập thể. Vì vậy, cấp ủy quan tâm chỉ đạo tổ chức công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa DN và đoàn viên. Yêu cầu DN thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)