Tết cổ truyền Lào trong lòng người Việt
Tết Lào được tổ chức vào tháng 4 dương lịch hằng năm, đây là thời gian nóng nhất trong năm của Lào, bầu trời cao, trong xanh. Tết Lào diễn ra với mong ước cầu cho mưa xuống, mưa thuận gió hòa, người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tết Lào cũng là dịp để anh chị em, họ hàng quây quần bên nhau, chúc tụng nhau, con cháu tỏ lòng báo hiếu ông bà, cha mẹ.
Tết Lào được tổ chức vào tháng 4 Dương lịch hằng năm. |
Trước Tết Lào vài ngày, người dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm các đồ lễ, đồ cúng, nước thơm, hoa, nến… để chuẩn bị cho ngày Tết chính thức được diễn ra vào ba ngày 13, 14, 15 tháng 4 Dương lịch.
Trong 3 ngày Tết chính, trên khắp đất nước Lào diễn ra các hoạt động rất vui tươi và náo nhiệt với các nghi lễ như: Té nước, Ba sỉ sù khoẳn, buộc chỉ cổ tay, tắm phật, lau dọn, viếng thăm phần mộ ông bà tổ tiên, xây tháp cát, phóng sinh…
Những thiếu nữ xinh đẹp làm lễ rước Nangsẳngkhản. |
Ngày 13/4, các gia đình tại Lào thường đi Say bạt tại chùa vào buổi sáng sớm. Tại Thủ đô Viêng Chăn cùng với Cố đô Luổng Pha Bang sẽ diễn ra hoạt động rước Nangsẳngkhản - một nghi thức truyền thống.
Song song với đó, ở các đền chùa sẽ có tổ chức rước Phật trên bệ thờ xuống để tắm nước thơm và cho dân chúng đến chùa tắm nước thơm cho Phật cầu mong may mắn, an lành hạnh phúc.
Lễ buộc chỉ cổ tay. |
Theo quan niệm của người dân Lào, trong 3 ngày Tết, họ sẽ cố gắng đi đủ 9 ngôi chùa để tắm Phật, dâng hương cầu may mắn bình an. Các gia đình có người thân sau khi mất nếu gửi tro cốt trên chùa thì trong những ngày này cũng lên chùa lau dọn phần tháp để cốt của ông bà tổ tiên. Sau khi xong phần lễ trên chùa, mọi người sẽ cùng nhau đi phóng sinh chim trời, phóng cá, phóng lươn….
Cũng trong 3 ngày Tết chính này, các gia đình sẽ tổ chức tại nhà lễ buộc chỉ cổ tay (Ba sỉ sù khoẳn), con cháu làm ăn nơi xa cũng quay về làm lễ rửa chân, tạ lỗi, buộc chỉ cổ tay cho ông bà cha mẹ. Sau khi làm lễ buộc chỉ cổ tay, mọi thành viên trong gia đình, bạn bè cùng nhau ăn uống, hát hò…
Người dân Lào thực hiện nghi lễ té nước mong sẽ gặp nhiều may mắn. |
Các món ăn rất đa dạng và phong phú nhưng không thể thiếu món Lạp (được làm từ thịt trâu, bò, lợn, vịt) với ngụ ý Xộc lạp là may mắn,. Lạp ăn với xôi nếp nương, uống cùng bia Lào. Ngoài ra còn có cơm lam, gà luộc, canh măng, tằm mạc hung… đều là những đặc sản của Lào.
Phần hội trong Tết Lào, mọi người sẽ cùng nhau ăn uống vui vẻ, hát hò, múa lăm-vông và ra đường để té nước vào nhau với quan niệm ai được té nhiều thì gặp nhiều may mắn. Trong mấy ngày diễn ra Tết, khắp cả nước diễn ra các trò chơi, giải trí ở các địa điểm lớn như bờ sông Mê kông, sân Thạt Luổng, chợ đêm…. với không khí vui tươi nhộn nhịp.
Người Việt đón Tết ở Lào
Đối với những người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Lào thì Tết Lào là một phần không thể thiếu trong đời sống. Cùng chung không khí vui tươi nhộn nhịp của người dân Lào, mọi người Việt ở đây đều hòa mình vào với Tết cổ truyền của nước bạn, đây cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi giao lưu gắn kết tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Lào và Việt Nam anh em.
Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc thực hiện nghi lễ té nước cho học sinh. |
Thạc sĩ Nguyễn Thành Ngọc (SN 1991), Giáo viên Trường Trường THPT Viêng Phu Kha, tỉnh Luông Nậm Thà, quê ở thôn Tó, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có 10 năm sinh sống, học tập, làm việc tại đất nước Lào cho biết: Đối với những gia đình người Việt đã sinh sống và làm ăn lâu dài tại Lào thì họ đón nhận Tết Lào giống như Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam nhưng có phần đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Họ cũng sắm sanh, thực hiện đầy đủ lễ nghi và trang trọng như phong tục của người Lào. Trước Tết sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, mua sắm các đồ lễ để chuẩn bị cho việc tổ chức Tết tại nhà; đi chùa cầu phúc.
Đến ngày Tết chính, những gia đình người Việt cùng nhau đi chùa cúng dường, tắm Phật, tham gia các hoạt động tại chùa. Còn tại gia đình họ mời anh em, bà con thân thiết, những người đồng hương tới nhà tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay, liên hoan, hát hò, chuyện trò. Mục đích là để nhớ đến, ôn lại những ký ức của quê hương Việt Nam. Những người trẻ hầu hết đã quen với phong tục của Lào; ra đường vui chơi, té nước, nhảy múa hòa mình vào không khí của Tết Lào như những người bản địa.
Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc làm lễ tắm Phật. |
Tết Lào không chỉ là nét đẹp trong văn hóa của riêng người Lào mà hiện nay đã được cộng đồng người Việt đang học tập, sinh sống, định cư lâu dài tại Lào coi như là một dịp lễ Tết quan trong năm cũng như vòng đời của một con người, với ý nghĩa là dịp để vui chơi giải trí, quây quần bên nhau, chúc nhau ấm no hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi thứ thuận lợi, hanh thông.
Tuấn Minh - Thành Ngọc
Ý kiến bạn đọc (0)