Tạo bước đột phá từ chuyển đổi số
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả ấn tượng. Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh (DTI) xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (hai năm trước đứng 10). Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong cải cách hành chính dẫn đầu toàn quốc ba năm liên tiếp.
Trong đó, kết quả hoạt động kinh tế số năm 2021 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; năm 2022 xếp thứ 2, ước tính tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh năm 2022 đạt 42,13% (xếp thứ 3 toàn quốc), thuộc top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index). Đây là thành quả đáng tự hào của Bắc Giang trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và nâng cao đời sống nhân dân.
Nếu như trước đây, nói tới chuyển đổi số nhiều người nghĩ là câu chuyện xa vời, chỉ có cán bộ, người trẻ, có học thức mới thực hiện được thì nay, chuyển đổi số tham gia vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đơn cử như việc đặt hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến chưa bao giờ đơn giản như bây giờ. Chỉ cần ngồi nhà là mọi thứ đều có thể mang tới tận nơi, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại và nhiều tiện ích khác. Hay như việc kê khai các thủ tục hành chính, khi nhập đủ dữ liệu, người dân hoàn toàn có thể gửi hồ sơ đi và kiểm soát được hồ sơ của mình đang ở đâu, cơ quan, đơn vị nào đang xử lý, rất tiện dụng…
Năm nay, với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, mục tiêu tỉnh ta hướng đến là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, “lấy người sử dụng làm trung tâm”; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số” và nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”.
Để thực hiện điều đó, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Bắc Giang tại Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.
Mục đích chính của chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy, từ chuyển đổi số sẽ tạo ra bước đột phá, giá trị to lớn, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển KT- XH, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc (0)