Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe trẻ em
Khói thuốc lá - chất gây ung thư bảng A
Ở người lớn, hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân.
Với trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Hãy từ bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.. |
Người hút thuốc hấp thu khoảng 15% khói thuốc lá, còn lại 85% thải ra môi trường xung quanh và những người khác phải hít thở thứ khói độc hại đó. Khói thuốc lá, thuốc lào đã được phân loại là chất gây ung thư bảng A. Khói thuốc có thể lưu lại trong không khí lên đến 2,5 giờ; thậm chí cả trong điều kiện cửa sổ mở, nó vẫn tồn tại cho dù bạn không thể nhìn hay ngửi thấy nó.
Khói thuốc chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại độc hại và có ít nhất 69 loại gây ung thư. Khói thuốc thụ động có nồng độ nicotine lớn gấp đôi nồng độ mà người hút thuốc lá hấp thụ. Vì vậy, những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 10%, bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột qụy lên 82%.
Mọi người đều có thể bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại những nơi có người hút thuốc. Trong đó, trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.
Theo ước tính của WHO, thế giới có khoảng 700 triệu trẻ em thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá, đặc biệt là hít phải khói thuốc lá tại nhà. Không những vậy, khói thuốc có thể gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, các bệnh đường hô hấp (đặc biệt là bệnh hen), bệnh viêm tai giữa, chậm phát triển các chức năng phổi ở trẻ em.
Nguy cơ bệnh đường hô hấp, giảm thính lực
Nhóm nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế Cộng đồng Hà Nội và HeathBridge tiến hành đã khẳng định: Trẻ em dưới 6 tuổi trong gia đình có người hút thuốc mắc các bệnh về đường hô hấp nhiều hơn 40% so với trẻ em sống trong các gia đình không có người hút thuốc.
Những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 10%, bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột qụy lên 82%. |
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành khảo sát tình trạng sức khỏe của 1.500 em học sinh ở lứa tuổi từ 12 đến 19. Khi đo thính lực của trẻ, trong đó có cả mức độ cảm nhận âm thanh ở những tần số khác nhau cho thấy: Số em sống trong gia đình có người hút thuốc lá có vấn đề về thính lực nhiều gấp đôi các em được sống trong gia đình có bầu không khí trong lành. Như vậy, thuốc lá thụ động còn thêm một tác hại nữa là làm giảm thính lực của trẻ em.
Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mạn tính ở trẻ có liên quan với hút thuốc lá thụ động và tỷ lệ này cao hơn ở trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mạn tính).
Theo báo cáo mới nhất trong tạp chí European Heart, hút thuốc thụ động có thể gây tổn thương lâu dài tới động mạch của trẻ em, khiến các mạch máu bị lão hóa sớm hơn 3 năm so với bình thường. Các tổn thương biểu hiện qua việc thúc đẩy sự dày lên của thành mạch máu đồng nghĩa với việc gia tăng các cơn đau tim và đột qụy trong cuộc sống sau này. Một nghiên cứu tiến hành với hơn 2.000 trẻ em ở độ tuổi từ 3 đến 18 tuổi cho thấy, chúng có nguy cơ bị tác động cao hơn nếu cả bố và mẹ đều hút thuốc.
Việc hút thuốc thụ động có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn tới động mạch của trẻ, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch khi trưởng thành. Phương pháp siêu âm cũng cho thấy: Những trẻ em có bố mẹ hút thuốc có những sự thay đổi khác biệt trong quá trình phát triển các động mạch chính (từ phần cổ lên đầu). Các nhà nghiên cứu cho biết, sự khác biệt giữa độ dày màng mạch trong và giữa ở trẻ là chưa đáng kể, tuy nhiên nó lại rất quan trọng và có ý nghĩa chẩn trị khi trẻ em đến tuổi trưởng thành vào khoảng 20 năm sau này.
Trẻ dễ bị sinh non
Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ trong suốt thời kỳ trẻ em. Với phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, làm thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non. Các nghiên cứu cũng chứng minh hút thuốc thụ động sau khi sinh cũng làm giảm chức năng phổi của trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 0,32% dung tích sống gắng sức; 1,2% thể tích thở ra gắng sức, 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.
TS Jean Marc Olivé - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hút thuốc lá thụ động không chỉ nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai mà những người phụ nữ nói chung hay người lớn vì nó gây ung thư và có hại cho tim mạch, có thể lên tới 20 đến 30%; những người phụ nữ mà bản thân họ hút thuốc khi mang thai sẽ sinh con nhẹ cân hơn, khi sinh sẽ gặp nhiều biến chứng hơn. Ngay cả những người mẹ mang thai không hút nhưng họ bị hút thuốc thụ động cũng sẽ gặp những hiện tượng tương tự như thai sinh ra bị nhỏ hơn, sinh thiếu tháng và những trẻ bị thiếu cân gặp bất lợi về sức khỏe.
Tác hại của thuốc lá thụ động hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người đều quan tâm thiết lập môi trường sống không có khói thuốc lá, đặc biệt trong mỗi gia đình. Đó cũng là cách đơn giản, hiệu quả để dự phòng phơi nhiễm và tác hại liên quan đến thuốc lá. Hơn nữa, quyền được sinh sống trong môi trường không khói thuốc (theo Điều 8 trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới) là quyền của mỗi con người. Với trẻ em, đó còn là quyền được chăm sóc, bảo vệ, phát triển trong môi trường lành mạnh, an toàn.
Ý kiến bạn đọc (0)