eMagazine
Thứ 2: 19:43 ngày 08/10/2018
Thứ 2: 19:43 ngày 08/10/2018
bacgiang-emagazine
{keywords}

Những lời ca trong bài hát “Gửi về sông Lục, núi Huyền” do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác đã phác họa bức tranh toàn cảnh về Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Hội đủ cả hai yếu tố tâm linh và sinh thái, khu du lịch này ngày càng hấp dẫn du khách nhờ cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư khang trang, cảnh quan môi trường trong lành cùng những dịch vụ, trải nghiệm thú vị...

{keywords}
{keywords}

Đền Hạ ngày hội Suối Mỡ.

Người dân địa phương rước lễ vật tại Hội đền Suối Mỡ.

Khách đến cầu an.


Từ trên cao nhìn xuống, Suối Mỡ như một dải lụa uốn lượn trong thung lũng của dãy Huyền Đinh - Yên Tử. Trong dân gian hiện vẫn lưu truyền truyền thuyết về nàng Quế Mỵ Nương-người có công khai mở dòng suối này.

Đền Hạ nằm cạnh đường tỉnh 293. Đây là một trong ba ngôi đền có diện tích lớn nhất khu du lịch Suối Mỡ. Trước cửa đền là núi Tai Voi, có tác dụng ngăn cho tà khí không bay vào đền được và giữ lại vẻ thanh tịnh của đền. Hiện nay, tại đền Hạ lưu giữ 3 pho tượng đồng quý hiếm, bên ngoài được phủ một lớp sơn bóng quang điện rực rỡ uy nghi.

Truyện kể lại rằng: Thời Hùng Định Vương, vị Hùng Vương thứ 16 (có tài liệu ghi là Hùng Vương thứ 6) có một người con gái là công chúa Quế Mỵ Nương vô cùng xinh đẹp. Nhiều vương công, quân tử đã đến cầu hôn nhưng nàng đều khước từ, chỉ thích du ngoạn khắp nơi, vừa ngắm xem phong cảnh, vừa thăm thú đời sống dân gian. Một ngày, Quế Mỵ Nương đến vùng núi non phía Tây Yên Tử, thấy cảnh đẹp kỳ thú, cây cối rậm rạp xanh tươi, nhưng ruộng đồng dưới chân núi lại khô nẻ vì hạn hán, dân tình đói rách mệt mỏi vì thiếu ăn, thiếu mặc. Công chúa rất đau lòng, nàng cùng đoàn tùy tùng lên núi Huyền Đinh tìm nguồn nước. Núi dốc đứng, đường đi rất khó khăn. Bỗng nhiên một trận gió lớn nâng công chúa lên, đưa đến nguồn Suối Mỡ bây giờ thì hạ xuống. Công chúa phải bấm năm đầu ngón chân xuống đá và từ vết lõm của các ngón chân nàng, nước mát tuôn chảy róc rách, rồi ngày càng chảy mạnh tạo nên 5 dòng thác nước chảy ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Nước từ trong lòng núi cũng bị tiếng động đó đánh thức cùng đua nhau tuôn trào thành dòng, thành suối. Dòng suối tươi mát đó cung cấp cho đồng ruộng quanh năm xanh tốt, người dân nơi đây nhờ thế mà no ấm, giàu có lên. Dân làng ghi nhớ công ơn của nàng đặt tên dòng suối ấy là Suối Mỡ hay Suối Mẫu và lập 3 ngôi đền thờ trên dọc bờ suối, bao gồm: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Công chúa Quế Mỵ Nương được nhân dân phong tặng cái tên: Thánh Mẫu Thượng Ngàn-một nữ thần, một người mẹ núi rừng đầy quyền năng.

Cũng chính từ Suối Mỡ, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng các tướng lĩnh thân tín lập đại bản doanh chặn đứng mũi tiến quân của quân xâm lược Nguyên Mông từ Ải Chi Lăng kéo về đánh chiếm Vạn Kiếp nhằm tiến về kinh thành Thăng Long. Để ghi nhớ chiến công hiển hách này, người dân đã lập đền Trần. Tại đây còn khu di tích Ba Dinh, Bẩy Nền, Bãi Quần Ngựa, Suối đá mài gươm, Thao trường luyện kiếm…


{keywords}
{keywords}

Bên thác Thùm Thùm.


Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ nằm cách TP Bắc Giang khoảng 30 km theo quốc lộ 31 và đường tỉnh lộ 293 về phía Đông Bắc. Đặt chân tới đây, du khách sẽ cảm nhận được sự mát mẻ, một không gian xanh của trời mây non nước.

Men theo con đường mòn uốn lượn bên suối, ngoài đền Suối Mỡ, du khách sẽ được khám phá những thắng tích như: Đấu Đong Quân, chùa Hòn Trứng, chùa Hồ Bấc, đỉnh Tròi Xoan, bãi Quần Ngựa, thác Thùm Thùm...

Từ đền Hạ nằm cạnh đường tỉnh 293-một trong ba ngôi đền có diện tích lớn nhất trong Khu du lịch, lên đền Trung du khách không khỏi ngạc nhiên bởi hệ thực vật khá đa dạng với những cánh rừng thông cùng nhiều loài cây bản địa… Phóng tầm mắt ra xa là thác nước từ trên cao đổ xuống đẹp như mái tóc dài của nàng tiên nữ. Chị Lê Thị Thủy du khách từ tỉnh Yên Bái nói: "Điều tôi thích nhất khi đến Suối Mỡ là được hòa mình vào không gian xanh của núi rừng, ngồi nghỉ chân tại một phiến đá bên suối, nghe nước chảy, thông reo rất lãng mạn...". Nhiều du khách khi được hỏi đều có chung nhận xét: Ở nơi đây, thiên nhiên làm nên một trong bức tranh sơn thuỷ tuyệt mỹ ít nơi nào có được.

Suối Mỡ bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối rồi chảy len lỏi theo khe núi và lớn dần lên. Do sự kiến tạo của địa chất tự nhiên, những phiến đá lớn xếp chồng lên nhau theo nhiều dạng, nhiều cấp độ đã làm cho lòng suối thay đổi độ dốc, tạo ra nhiều thác nước lớn nhỏ khác nhau. Trong đó thác Thùm Thùm có lẽ ấn tượng hơn cả. Đây là thác đẹp nhất, cao nhất và còn có tên gọi khác là thác Chúa. Từ trên cao đổ xuống nên thác Thùm Thùm có vẻ đẹp huyền bí với những dòng nước trắng chảy xiết. Tiếng thác đổ còn tượng trưng cho tiếng trống, tiếng chiêng của Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng giặc ngoại xâm. Làn nước trong mát khiến cho ai đến đây cũng muốn một lần vui đùa trong những bồn tắm tự nhiên, hòa mình vào thiên nhiên trong lành.

Ngoài thác Thùm Thùm có thể kể đến thác Dội thuộc đền Trung, thác Ông Cuộc thuộc đền Thượng. Mỗi thác đều có những nét đẹp khác nhau, tạo nên quần thể Suối Mỡ đẹp huyền bí hút hồn du khách thập phương.


{keywords}
{keywords}

Hội đền Suối Mỡ.


Đền Suối Mỡ (gồm đền Hạ, Trung, Thượng) thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn Quế Mỵ Nương, người có công giúp nhân dân mở suối khai thông nguồn nước mát, dạy dân làm nông nghiệp.

Hàng năm, tưởng nhớ đến công lao của bà, lễ hội Suối Mỡ long trọng tổ chức vào ngày 30 - 3 và 1 - 4 âm lịch. Đây là dịp để nhân dân địa phương và du khách thập phương cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an và hạnh phúc.

Cũng như các lễ hội khác, lễ hội đền Suối Mỡ gồm 2 phần. Phần lễ trang trọng với hoạt động lễ rước từ các làng đến các đền trong quần thể di tích Suối Mỡ. Làng Dùm có ngôi đình to cách đền Suối Mỡ hơn một km về phía Đông. Tinh mơ dân làng và quan viên đã tế lễ ở đình. Tế xong xin rước sắc và bài vị ra đền suối. Đám rước trống dong, cờ mở qua đền Cây Xanh đến xế trưa thì tới đền Hạ. Cũng thời điểm ấy, dân làng Quỷnh cũng rước từ đình Quỷnh ở phía Tây Suối Mỡ rước lên, đi qua nghè Hàn Lâm để vào đền Trung làm lễ. Khi đám rước tới đền Hạ thì tế an vị. Những năm hội lớn, lễ này thường mổ lợn to. Cuộc tế diễn ra ở ngay sân tiền đường của đền Hạ.

{keywords}

Hội thi hát chầu văn trong lễ hội.


Phần hội với những trò chơi dân gian như: Đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu, chọi gà...cùng các môn thể thao: Cờ tướng; bóng chuyền; đẩy gậy… Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, nét văn hóa truyền thống độc đáo của lễ hội là nghi lễ hát văn hầu đồng. Từ truyền thuyết về nàng Quế Mỵ Nương-Thánh Mẫu Thượng Ngàn mà diễn xướng hầu đồng, hát văn tại đền Suối Mỡ không đơn thuần là hoạt động văn hóa tưởng nhớ công ơn của người xưa mà còn mang đậm màu sắc tâm linh, thể hiện mong muốn mãnh liệt của người dân về một cuộc sống bình an, trù phú, nhiều tài lộc. Diễn xướng hầu đồng, hát văn tại đền Suối Mỡ là nét văn hóa độc đáo ít nơi có được. Đặc biệt từ năm 2009, tại lễ hội tổ chức Liên hoan hát văn, diễn xướng hầu đồng đã từng bước nâng cao giá trị của bộ môn nghệ thuật dân gian này.

Với những giá trị đó, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội đền Suối Mỡ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

{keywords}

1- Đảo giữa hồ - khu vực tổ chức lễ hội.

2- Hội Suối Mỡ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

3- Các gia đình thường đến Khu du lịch Suối Mỡ vào dịp cuối tuần.

4- Du khách tổ chức hòa nhạc ngoài trời.

5- Nhiều nông sản địa phương được bày bán làm quà cho du khách.

6- Lưu lại kỷ niệm.



{keywords}

Nhằm từng bước đánh thức tiềm năng khu du lịch tâm linh, sinh thái Suối Mỡ, năm 2005, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, đồng thời đầu tư làm mới tuyến đường nội bộ trong khu du lịch này với tổng chiều dài 4km, làm cầu bắc ra đảo, kè lát mái hai bên bờ suối. Hệ thống đường nội bộ và các công trình phụ trợ đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan Suối Mỡ của du khách. Với chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho nhiều loại hình dịch vụ đầu tư vào đây, năm 2008, một doanh nghiệp thương mại ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) đã mạnh dạn đầu tư một nhà hàng ẩm thực trong khu du lịch. Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và PTNT chính thức khởi công dự án hồ chứa nước Suối Mỡ với dung tích chứa 2,2 triệu m3 nước, diện tích lưu vực 10,2 km2. Mục đích của dự án là bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ du lịch lòng hồ nằm trong quần thể khu du lịch.

{keywords}

Suối Mỡ thu hút nhiều bạn trẻ, nhất là vào dịp ngày nghỉ lễ.


Nhận thức rõ vị trí đặc biệt của Suối Mỡ trong kết nối du lịch nội tỉnh và liên tỉnh, từ năm 2010 đến nay, chính quyền các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng sức hút cho khu du lịch sinh thái này. Đáng chú ý là năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định về việc thành lập khu rừng bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ có tổng diện tích 1.207,1ha thuộc 2 tiểu khu 99A và 100 tại xã Nghĩa Phương. Mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị lịch sử - văn hóa, các giá trị đa dạng sinh học trong khu vực với việc phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường góp phần bảo tồn các di tích văn hóa - lịch sử, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

{keywords}

Tiếp đó, năm 2015, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 309/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung khu du lịch Suối Mỡ, huyện Lục Nam đến năm 2030. Đây là khu du lịch tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng cấp vùng, được quy hoạch gần 480ha. Quy mô khách du lịch đến năm 2020 ước đạt 160.000 người và đến năm 2030 đạt gần 650.000 người. Đồ án tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục như: Sân lễ hội và cụm công trình đón tiếp khách; cụm dịch vụ phục vụ tham quan khu nuôi động vật bán hoang dã, thác Thùm Thùm; tôn tạo khu vực tổ cắm trại; cải tạo chỉnh trang cảnh quan khu đền Trung, đền Thượng, đền Hạ; các cụm nghỉ dưỡng, khách sạn; xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật như giao thông, kênh mương, cấp thoát nước...

Trên cơ sở hệ thống hạ tầng hiện có, năm 2011, UBND huyện Lục Nam (chủ đầu tư) tiếp tục triển khai dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Suối Mỡ giai đoạn II. Các hạng mục gồm: Hai tuyến đường ô tô nội bộ; ba tuyến đường đi bộ, leo núi; bãi đỗ xe cạnh tỉnh lộ 293; nạo vét và kè xung quanh hồ đền Trung; thiết kế hệ thống an toàn giao thông với các đường đi bộ, leo núi đã xây dựng. Năm 2016, một loạt các hạng mục công trình tại khu du lịch sinh thái này tiếp tục được đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp gồm các tuyến đường giao thông (tổng chiều dài khoảng 6,7km); kè, nạo vét lòng hồ đền Trung để bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch. Năm 2017, công trình tu bổ, tôn tạo hạng mục nghi môn và điện thờ chính của đền Hạ- di tích lịch sử quốc gia thuộc quần thể di tích thắng cảnh Suối Mỡ cũng được triển khai với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện, xã Nghĩa Phương và nguồn xã hội hóa. Ông Hà Quốc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: “Xác định Suối Mỡ là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của huyện nên chúng tôi luôn ưu tiên đầu tư tăng sức hút cho khu du lịch này. Cùng với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang triển khai, tới đây, huyện sẽ đầu tư xây dựng Nhà hát Văn và cầu treo sang đền Trần nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan và thưởng thức nghệ thuật của du khách. Đồng thời nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Tiềm năng du lịch Suối Mỡ đã từng bước được đánh thức. Cùng với các địa danh khác trong tỉnh, khu du lịch sinh thái này là một trong những những điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi tới Bắc Giang. Với định hướng phát triển và sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của các cấp, các ngành, việc bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, danh thắng di tích của người dân nơi đây, tin rằng ngày càng nhiều du khách đến với Suối Mỡ để được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, nghe tiếng suối reo, hoa lá thì thầm...


Huy Nam
Việt Hưng, Huy Nam, Đại La
Thế Đại
Minh Tiến

* Tác phẩm có sử dụng một số hình ảnh, tư liệu trên internet.

suoi-mo-khong-gian-van-hoa-tam-linh-giua-troi-may-non-nuoc.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...