Sức sống mới ở những làng kiểu mẫu
Nhà có số, ngõ có tên
Cánh đồng mẫu tại thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng. |
Con đường quê thênh thang dẫn tôi đến làng Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng). Cứ tưởng chỉ có nơi đô thị chật chội, đông đúc mới đánh số nhà, số ngõ cho dễ tìm nhưng ở đây từng cổng nhà đều được đánh số, tất cả ngõ xóm đều có tên gọi. Được biết đến với danh tiếng là làng nghề mộc, không chỉ sản xuất phát triển, Đông Thượng còn là thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu duy nhất của huyện Yên Dũng tính đến thời điểm này.
Nhà, ngõ ở thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn được đánh số, ghi tên. |
Đi qua cổng làng là thấy không khí của một làng nghề ngót nghét trăm năm. Trên mỗi bức tường, ngoài hình vẽ về phong cảnh còn đan xen cả những bức vẽ về nghề mộc. “Người dân nơi đây chắc chắn đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết cho nghề”- tôi nhủ thầm. Cần cù, chịu khó, khéo léo lại sáng tạo - tôi cảm nhận điều ấy từ hình ảnh đôi tay nghệ nhân Bùi Văn Tuấn tỷ mẩn đục đẽo tác phẩm nghệ thuật “Cây đồng hồ” có giá bán cả trăm triệu đồng với những nét tinh xảo.
Ông Nguyễn Đức Cam, Trưởng thôn nhẩm tính: Thôn có 43 hộ gắn bó với nghề mộc, kéo theo đó là các cửa hàng dịch vụ, rồi ô tô vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm đi tiêu thụ khắp cả nước. Cả thôn có 183 hộ mà có tới hơn 70 ô tô, trong đó có hai đội xe chuyên đưa đón công nhân, tính cả số xe tải và xe hơi thì cứ trung bình hơn 2 hộ dân sở hữu một chiếc.
Từ nghề mộc, nhiều gia đình thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Đông Thượng cũng có gần 30 hộ có người làm thợ nề, có mặt ở mọi miền đất nước. Sản xuất nông nghiệp mặc dù thu nhập không cao nhưng không vì thế mà người dân bỏ bê, cánh đồng vẫn mùa nào cây ấy xanh tốt, phương tiện cơ giới đến tận chân ruộng.
Các cụ Bùi Thị Thinh, Nguyễn Thị Khuê, Tạ Thị Chu nay đều đã ở tuổi ngoài 80, cụ nào mái tóc cũng bạc trắng, bỏm bẻm nhai trầu kể: “Chúng tôi đều là người gốc ở đây, ngày nào chả gặp nhau chuyện trò. Thấy quê mình giờ đổi thay nhiều quá, đường NTM rộng đẹp, chỗ nào cũng vẽ tranh, trồng hoa.
Giờ ở đâu cũng có nhà cao cửa rộng”. Là thôn văn hóa được duy trì từ năm 1996 đến nay, người dân Đông Thượng có đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Tại nhà văn hóa thôn có thư viện, phòng truyền thanh, sân bóng chuyền hơi, khu tập thể thao được trang bị nhiều dụng cụ luyện tập.
Bình yên thôn Chằm
Giữa cuộc sống công nghiệp len lỏi với ba bề bốn bên là nhà máy, công ty, nhưng thôn Chằm, xã Tăng Tiến (Việt Yên) vẫn giữ được sự yên bình vốn có. Đứng ở sân đình làng, thấy cả một không gian xanh mát. Trước mặt là hồ nước lăn tăn sóng, cánh đồng lúa hướng ra phía cao tốc Hà Nội- Bắc Giang. Cây đa sát cổng nhà văn hóa thôn, rễ bám chặt đất làng chắc phải đến cả trăm năm. Dưới bóng đa xòe rộng đặt nhiều bộ bàn ghế đá, là nơi người dân, nhất là các cụ thảnh thơi chơi cờ, uống trà.
Quần thể văn hóa thôn Chằm, xã Tăng Tiến. |
Ông Lê Đức Thắng, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn cười sảng khoái: Làng Chằm vui nhất cuối buổi chiều về, khi đó người già, trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ sau một ngày làm việc, học tập đều ra nhà văn hóa thư giãn, tập thể thao, đi bộ trên con đường hoa ven hồ.
Ông Thân Văn Bình, Trưởng thôn bổ sung: Trước kia, con đường ven hồ nhỏ hẹp, cỏ và cây dại mọc um tùm. Xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, người dân bảo nhau làm con đường hoa, chọn cây mười giờ để trồng, giao Chi hội Phụ nữ đảm nhận chăm sóc nên đẹp lắm. Nhờ có không gian này, các hoạt động cộng đồng ở thôn Chằm ngày càng được lan rộng.
Thôn Chằm nhỏ, chỉ có 125 hộ, tổng diện tích đất tự nhiên 17ha, trong đó có 2ha đất ở. Để đáp ứng đủ 7 tiêu chí của thôn NTM kiểu mẫu (Giao thông; vệ sinh môi trường; phát triển sản xuất; nhà ở và vườn hộ gia đình; nhà văn hóa, khu thể thao thôn; văn hóa, y tế; hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội), cấp ủy, Chi bộ, Ban Quản lý thôn xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là vấn đề trọng tâm.
Nhưng lo lắng nhất lại là tiêu chí về an ninh trật tự xã hội, bởi theo guồng máy công nghiệp, tệ nạn xã hội rất dễ phát sinh, len lỏi vào các làng ven khu công nghiệp. Thế nhưng có điều hay là gần hai chục năm qua thôn không có đơn thư khiếu nại, tố cáo; chuyện “con cá, lá rau” đều được hòa giải thành công từ các gia đình. Thôn không có vụ việc hình sự hay tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội.
Biến khó khăn thành lợi thế
Sản phẩm sâm Nam núi Dành của HTX Đồng Sen, xã Việt Lập. |
Thôn Đồng Sen, xã Việt Lập (Tân Yên) có nét độc đáo là đa số những bức tranh vẽ trên tường đều là phong cảnh cánh đồng hoa sen nở rộ như thể minh chứng cho tên gọi của làng. Trục đường nào cũng được đổ bê tông rộng rãi dẫn đến tận cổng từng nhà, hai bên là những hàng cây hoa chiều tím cao đến thân người. Các ngõ đều lắp bóng điện thắp sáng.
Cổng làng lắp camera an ninh. Đi khắp làng không thấy một bao rác vứt bừa bãi hay điểm rác tồn lưu. Thì ra 100% người dân nơi đây tự xử lý rác tại nhà, sau đó đem thẳng ra bãi rác tập trung.
Toàn tỉnh hiện có 16 thôn Nông thôn mới kiểu mẫu: 1. TP Bắc Giang: Thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn; 2. Huyện Việt Yên: Thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn; Chằm, xã Tăng Tiến; Xuân Lạn, xã Hương Mai; Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh; 3. Huyện Tân Yên: Thôn Đồng Sen, xã Việt Lập; Hợp Tiến (trước thuộc xã Cao Thượng, nay thuộc thị trấn Cao Thượng); Hòa Minh, xã Hợp Đức; Trám, xã Phúc Sơn; 4. Huyện Lục Ngạn: Thôn Ngọt, xã Hồng Giang; Bồng 1, xã Thanh Hải; 5. Huyện Lạng Giang: Thôn Trằm, xã Nghĩa Hưng; 6. Huyện Yên Dũng: Thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn; 7. Huyện Lục Nam: Thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng; 8. Huyện Hiệp Hòa: Thôn Tân Sơn, xã Đoan Bái; 9. Huyện Yên Thế: Thôn Tân Văn, xã An Thượng. |
12 năm làm Trưởng thôn Đồng Sen, ông Thân Hải Đăng tự hào khi chứng kiến từng bước phát triển của thôn mình. Là thôn miền núi, 110 hộ dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, số ít đi làm công ty, đất đai không phải màu mỡ... nhưng thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng. Kết quả này có được là do thôn đã biết biến khó khăn trong sản xuất nông nghiệp thành lợi thế. Vùng chiêm trũng 30 ha cấy lúa một vụ không ăn chắc được chuyển đổi sang nuôi cá, mỗi năm thu hơn chục tỷ đồng. Bà con trồng bưởi, nhãn trên đồi thay thế cây tạp. Hàng chục hộ chuyên nuôi gà trống thương phẩm tập trung quy mô mỗi lứa khoảng 6.000 đến 1 vạn con...
Nằm dưới chân núi Dành, ít ai biết rằng đất núi Đồng Sen đã có một loại cây trồng từng đem tiến vua, đó là củ sâm Nam quý hiếm. Và giờ đây, tại chính khu vườn của gia đình ông Trưởng thôn Thân Hải Đăng lại đang lưu giữ một cây sâm có tuổi đời hơn 50 năm. Dẫn chúng tôi ra vườn sâm, ông nói gốc sâm này là do ngày trước bà ngoại cùng mẹ ông lên núi Dành đào, mang ra chợ bán nhưng không được nên mẹ ông lại mang về trồng tại vườn nhà.
Khi biết tác dụng của loại cây này, ông cùng mọi người trong gia đình tìm cách nhân giống và bảo tồn. Hiện, sâm tươi được bán với giá 2 triệu đồng/kg, năm vừa qua gia đình ông thu 400 triệu đồng từ củ sâm, rễ, hoa nụ sấy khô và cây giống.
Không để mất cơ hội từ cây dược liệu quý, đầu năm 2020, “HTX trồng và tiêu thụ sâm nam núi Dành” được thành lập do ông Đăng làm Giám đốc, quy tụ 11 hộ trong thôn trồng với diện tích 5ha. Với sự hỗ trợ của tỉnh về “chỉ dẫn địa lý”, tin rằng người dân nơi đây sẽ có thêm cơ hội tăng thu nhập từ chính cây trồng trên đồng đất quê mình.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)