Sức khỏe học đường: Cải thiện chiều cao cho trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi
Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở TP Bắc Giang là 12,6% nhưng ở các huyện: Lục Nam 23,9%, Yên Thế 23,2%, Lục Ngạn 21,6%. Số trẻ em thấp còi ở tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước (cả nước là 19,5%).
Qua tìm hiểu, nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Dũng có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy sinh dưỡng thể thấp còi cao. Mới đây, trong đợt kiểm tra sức khỏe tại trạm y tế, xã Trí Yên có 586 trẻ dưới 5 tuổi được đo chiều cao, cân nặng thì có đến 133 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm 22,7%.
Trẻ được bổ sung Vitamin A tại Trạm Y tế phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) để giảm tình trạng thấp còi. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Xoan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trí Yên cho biết: Nhiều em có chiều cao, cân nặng thấp hơn tiêu chuẩn đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phần lớn bà mẹ chưa nắm chắc kiến thức nuôi con, chăm sóc trẻ chưa đúng cách, chưa chú trọng khẩu phần ăn của các cháu.
Được biết, vóc dáng còi cọc, nhỏ bé của trẻ em chiếm tỷ lệ cao ở nhiều xã miền núi, vùng cao như: Lục Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Trường Sơn (Lục Nam), Phúc Sơn, Đại Sơn, Dương Hưu (Sơn Động), Phong Minh, Sa Lý (Lục Ngạn).
Bác sĩ chuyên khoa II Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cho biết: Địa phương có hơn 22,4% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi. Số hộ nghèo ở nhiều xã cao, đời sống của các hộ dân còn khó khăn nên nhiều bé bị thiếu vi chất dinh dưỡng ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ dẫn đến suy nhược cơ thể, còi cọc, chậm lớn.
Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 5,27% hộ nghèo, trong đó huyện Sơn Động có tỷ lệ cao nhất là 25,8%. Trong khi nhiều bà mẹ thiếu kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc con trẻ, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa kinh tế eo hẹp, điều kiện cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em chưa khoa học, hợp lý.
Hầu hết các bậc cha mẹ thường chỉ quan tâm đến cân nặng, ít chú ý đến chiều cao của trẻ. Khẩu phần ăn của các em chưa được cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như khi đang ở trong bào thai, giai đoạn bú mẹ, ở tuổi phát triển.
Suy dinh dưỡng thấp còi phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em. Theo kết quả điều tra dinh dưỡng, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi sẽ thấp hơn bạn bè cùng trang lứa khi trưởng thành khoảng 10 cm. Sau này trở thành người lớn cũng có chiều cao hạn chế, thể lực kém hơn bình thường, ảnh hưởng lớn đến tầm vóc nòi giống. Đáng lo ngại là người bị suy dinh dưỡng thể thấp còi thường hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn do suy giảm hệ miễn dịch, lao động kém hơn.
Bà Nguyễn Lan Anh, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khuyến cáo, các gia đình cần quan tâm chăm sóc dinh dưỡng từ khi chuẩn bị làm mẹ đến mang thai và khi trẻ ra đời tiếp tục phát triển trong từng giai đoạn. Lưu ý bữa ăn hằng ngày cần đa dạng nhiều nhóm thực phẩm phù hợp từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Đặc biệt, các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bổ sung vitamin A, tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện vệ sinh ăn uống, sinh hoạt bảo đảm khoa học, hợp lý để trẻ phát triển khỏe mạnh, thông minh. Mỗi gia đình cần theo dõi, đánh giá chiều cao, cân nặng hằng tháng của con qua biểu đồ dinh dưỡng theo tuổi của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, từ đó sớm phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)