Say trong vũ điệu Tắc Xình
BẮC GIANG - Ai đã từng tham dự lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sơn Động, chắc hẳn sẽ chung cảm nhận ấn tượng về vũ điệu Tắc Xình sôi động, khỏe khoắn của người dân tộc Sán Chay (hay còn gọi là Cao Lan). Mỗi khi nghe tiếng “tắc - xình, tắc - xình, tắc - tắc” là già, trẻ, gái, trai không phân biệt tuổi tác lại nhún chân, đưa người theo điệu nhạc. Bao vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống hằng ngày theo đó dường như tan biến, nhường chỗ cho tiếng cười, điệu múa mang khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
“Món ăn” tinh thần độc đáo
Vũ điệu Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay hiện nay được cấp ủy, chính quyền và người dân các xã Vĩnh An, Lệ Viễn chung tay gìn giữ. Còn nhớ vài năm trước, cả xã chỉ vài người biết thì nay bà con tự hào vì nhà nhà đều biết nhảy Tắc Xình. Trong tủ mỗi nhà đều có vài ba bộ quần áo của dân tộc mình sạch tinh tươm, thơm tho treo sẵn, chỉ chờ dịp làng mở hội là diện đi nhảy Tắc Xình.
Đồng bào dân tộc Sán Chay huyện Sơn Động múa Tắc Xình tại Lễ hội đàn tính, hát then. |
Ông Đàm Hồng Phúc (SN 1965), Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An là người dân tộc Sán Chay tâm huyết với công tác bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc mình. Nhắc đến điệu Tắc Xình, ông Phúc phấn khởi kể, xa xưa, cộng đồng người Sán Chay thường sinh sống đầu nguồn các sông, suối, gắn liền với tập quán canh tác thô sơ. Điều này được mô phỏng qua vũ điệu Tắc Xình với 9 động tác cơ bản gồm: Thăm và dọn đường, bắt quyết, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cảm tạ thần linh đã mang đến cho dân làng mùa vụ tốt tươi. Âm nhạc và động tác khá đơn giản chỉ xoay quanh 2 âm tiết “tắc” và “xình” dễ nhớ, dễ thực hành; bộ gõ là các ống tre, nứa dễ tìm kiếm trong đời sống.
Nét hấp dẫn ở điệu múa này là tính cộng đồng rất cao, động tác khỏe khoắn, nhịp nhàng. Không phân biệt già, trẻ, gái, trai; không hạn chế số lượng người tham gia, tất cả đều có thể hòa chung một nhịp. Ông Phúc khoe: “Bố, mẹ, chị gái tôi là những người hát hay, múa Tắc Xình rất điệu nghệ. Những buổi đi xem hát hội làng, xem vũ điệu Tắc Xình trở thành một phần tuổi thơ đẹp đẽ theo tôi suốt cuộc đời”. Vì thế, hơn 20 năm công tác ở Đảng ủy, UBND xã, mặc dù công việc bộn bề song ông Phúc luôn trăn trở là số nghệ nhân biết tiếng dân tộc, múa Tắc Xình của đồng bào mình không còn nhiều. Trong khi lớp trẻ giao lưu, hội nhập văn hóa mới rất nhanh, điệu múa Tắc Xình có nguy cơ mai một nếu không được truyền dạy, gìn giữ.
Gìn giữ, lan tỏa vũ điệu truyền thống
Sơn Động có 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Cùng với cộng đồng người Tày, Nùng, Dao, dân tộc Sán Chay có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Anh Lý Văn Cao (SN 1984), dân tộc Sán Chay hiện là Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Lệ Viễn từng đến gia đình các nghệ nhân, người già trong xã để tìm hiểu, ghi chép lại những nét độc đáo văn hóa dân tộc. Bỏ việc nhà “vác tù và hàng tổng”, không hề có kinh phí hỗ trợ song từ niềm đam mê văn hóa dân tộc, năm 2019, anh Cao đã mở lớp truyền dạy Tắc Xình đầu tiên tại thôn Lạnh và thôn Thia Tu Nim.
Anh Lý Văn Cao (giữa) dạy Tắc Xình cho học sinh Trường THPT Sơn Động số 1. |
Gọi là “lớp” nhưng ngày đầu chỉ có vài người là thanh, thiếu niên trong làng đến học; địa điểm tại nhà văn hóa thôn, không phấn trắng, bảng đen, sách vở. Dần dần, lớp học được nhiều người biết đến. Mỗi khi tiếng nhạc “tắc - xình, tắc - xình, tắc, tắc” vang lên là bà con trong xóm kéo đến xem đông kín hội trường. Lớp học phải di chuyển ra sân bóng của thôn cho cả làng cùng tập, ai cũng say sưa hòa theo điệu múa Tắc Xình. Năm sau, thực hiện Dự án bảo tồn lễ hội truyền thống đình Lạnh và bản sắc dân tộc, xã Lệ Viễn mở thêm 2 lớp dạy Tắc Xình cho người dân. Người học trước dạy người học sau, cứ vậy phong trào được tiếp thêm sức sống, lan tỏa khắp địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hòe, Chủ tịch UBND xã Lệ Viễn bồi hồi nhắc lại kỷ niệm lần đầu tiên đưa điệu múa Tắc Xình đi diễn tại lễ hội Tây Yên Tử đầu năm 2022. Khi ấy, huyện giao cho mỗi xã xây dựng một trại văn hóa để trưng bày những “của ngon, vật lạ” đặc trưng nhất của địa phương. Băn khoăn mãi cuối cùng Ban lãnh đạo xã quyết định mang điệu múa Tắc Xình đến hội. Không ngờ, tiết mục thành công ngoài tưởng tượng, thậm chí còn níu chân, thu hút rất đông du khách tham gia nhún nhảy đồng điệu cùng với các nam, nữ diễn viên. "Từ thành công năm ấy, chúng tôi càng thêm tự hào, nguyện nỗ lực gìn giữ, bảo vệ nét đẹp độc đáo của đồng bào dân tộc mình", ông Hòe nói thêm.
Cô và trò Trường Mầm non Vĩnh An số 2 chuẩn bị trang phục múa Tắc Xình. |
Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản múa Tắc Xình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, khơi dậy lòng tự hào về bản sắc riêng của cộng đồng Sán Chay, mà còn khích lệ tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa. Hiện Đảng ủy, UBND hai xã Lệ Viễn và Vĩnh An đều lấy trường học làm điểm triển khai giảng dạy múa Tắc Xình. Riêng Trường Mầm non Vĩnh An số 2 có Câu lạc bộ Tắc Xình với hơn 30 thành viên nhí từ 3 đến 5 tuổi; vũ điệu cũng trở thành hoạt động ngoại khóa, dân vũ của toàn trường kể từ năm học 2023-2024. Tại các thôn làng như thôn Lạnh, Thia Tu Nim (xã Lệ Viễn); Hiệp Reo, Phú Cường (xã Vĩnh An) đều có câu lạc bộ Tắc Xình do người cao tuổi, hội viên phụ nữ, nông dân làm nòng cốt. Thậm chí, nhiều gia đình cả vợ, chồng, con trai, con gái cùng tham gia đội múa.
Được biết, tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên huyện Sơn Động cử câu lạc bộ Tắc Xình của thôn Thia Tu Nim tham gia biểu diễn tại Liên hoan dân ca, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang năm 2024 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Mang cái tình, hồn quê mộc mạc, chân chất, sự khỏe khoắn của người vùng cao vào tiết mục, các diễn viên say sưa, tỏa sáng trong vũ điệu Tắc Xình. Kết quả, điệu múa Tắc Xình độc đáo đã đoạt giải tiết mục Xuất sắc tại Liên hoan. Lần khác, trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc diễn ra tại Bảo tàng tỉnh hồi đầu năm 2023, vũ điệu Tắc Xình đã tạo ấn tượng đặc biệt, khó quên trong lòng những người dự, nhất là những du khách nước ngoài.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, thời gian qua, huyện Sơn Động đã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình dân ca, dân vũ, trong đó có việc hướng dẫn, chỉ đạo, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ hát dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có câu lạc bộ múa Tắc Xình). Các hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà còn biến di sản thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Múa Tắc Xình là điệu múa nghi lễ, vừa tái hiện các hoạt động lao động sản xuất của người Sán Chay, vừa thể hiện đời sống tâm linh của người làm nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên. Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản múa Tắc Xình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, khơi dậy lòng tự hào về bản sắc riêng của cộng đồng người Sán Chay, mà còn khích lệ tinh thần đoàn kết cộng đồng và góp phần vào công tác xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đó cũng là hoạt động tín ngưỡng mang triết lý nhân sinh, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên và hướng người dân tới cuộc sống tốt đẹp. Với ý nghĩa đó, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang sưu tầm, nghiên cứu, triển khai giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)