Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo
BẮC GIANG - Chiều 28/11, Ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là BCĐ tỉnh) tổ chức hội nghị thông qua quy chế hoạt động của BCĐ, phân công nhiệm vụ các thành viên, đánh giá kết quả thực hiện chương trình vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ tỉnh; các thành viên BCĐ, đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu chủ trì hội nghị. |
Năm 2024, BCĐ tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.396 nhà ở, trong đó có 968 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, 233 nhà của hộ người có công, 195 nhà của hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành và bàn giao 968/968 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; 233/233 nhà cho người có công; 192/195 nhà cho hộ vùng đồng bào DTTS và miền núi, dự kiến đến 31/12/2024 sẽ hoàn thành 195/195 nhà cho hộ vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; sự chia sẻ, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Công tác huy động các nguồn lực được thực hiện linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng, điều kiện với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, ủng hộ từ kinh phí, ngày công vận chuyển, tháo dỡ công trình đến vật liệu xây dựng, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt... BCĐ tỉnh đã chỉ đạo vận động được hơn 86 tỷ đồng ủng hộ chương trình.
Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến nêu: Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở nhưng còn vướng mắc về quyền sử dụng đất nên chưa được thụ hưởng hỗ trợ từ chương trình. Mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở còn thấp. Nhiều hộ khó khăn, không có khả năng đối ứng nên không thể triển khai sửa chữa, xây mới nhà ở.
Năm 2025, BCĐ tỉnh xây dựng kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào Bắc Giang”. BCĐ tỉnh chỉ đạo vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân có mức thu nhập trung bình khá trở lên ủng hộ. Mức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tối thiểu là 1 ngày lương hoặc 1 ngày thu nhập trở lên; vận động các hộ dân có mức thu nhập trung bình khá trở lên ủng hộ bằng sự tự nguyện như hỗ trợ ngày công, nguyên vật liệu, trang thiết bị sinh hoạt.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Mức hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất xây nhà mới là 60 triệu đồng/nhà; sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà. Các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế chủ động 50% kinh phí, tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí còn lại theo định mức hỗ trợ. TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện còn lại tự bảo đảm kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, đồng thời quan tâm giúp đỡ một phần kinh phí cho 4 huyện trên. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 trong tháng 11/2025.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn đánh giá chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024 đã kêu gọi được nhiều nguồn lực hỗ trợ. Đồng chí đề nghị trong kế hoạch triển khai chương trình năm 2025, các huyện, thị xã, TP đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ và nhanh chóng tổ chức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ.
Tập trung cao giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất, chính sách hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tích cực ủng hộ nguồn lực thực hiện chương trình. Trong đó chú trọng vận động ủng hộ các nguồn quỹ “Vì người nghèo” và quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” phù hợp, tránh tình trạng phải đề xuất chuyển mục đích sử dụng từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” sang nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh, đây là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công.
Với mục đích, ý nghĩa cao đẹp đó, đồng chí đề nghị trong năm 2025, BCĐ tỉnh tập trung cao chỉ đạo hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện về quyền sử dụng đất. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cao tháo gỡ khó khăn cho các hộ còn vướng mắc về quyền sử dụng đất.
Để thực hiện hiệu quả chương trình này trong năm 2025, đồng chí yêu cầu BCĐ các xã, phường, thị trấn chú ý chỉ đạo rà soát đầy đủ, chính xác các trường hợp cần được hỗ trợ, bảo đảm hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở được thụ hưởng đầy đủ chính sách.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương đặt quyết tâm chính trị cao nhất, triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo sự đồng thuận và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đề nghị các đoàn thể chính trị xã hội, lực lượng quân đội, công an tích cực huy động chiến sĩ, đoàn viên, hội viên ủng hộ sức người, sức của để chương trình hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền đã góp phần vào sự thành công của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng chí đề nghị tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tạo sự lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy sự chung tay giúp sức của đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tầng lớp nhân dân, mạnh thường quân ủng hộ chương trình trong thời gian tới.
Đối với việc xem xét điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ, đồng chí Nguyễn Văn Gấu đề nghị phân công đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó trưởng BCĐ tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ.
Ý kiến bạn đọc (0)