Trang tin tức Bloomberg mới đây có bài viết về chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu đã tạo ra “cú hích” đối với vùng nông thôn nghèo của Việt Nam, cụ thể là tỉnh Bắc Giang, như thế nào.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang gần như tăng gấp đôi hàng năm, ngay cả trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, và tỉnh dự báo kim ngạch xuất khẩu của địa phương sẽ đạt con số 11 tỷ USD trong năm nay, tăng gấp 10 lần so với cách đây 6 năm.
Bloomberg đã phản ánh quá trình “thay da đổi thịt” ở Bắc Giang, nơi từng là một trong những vùng nghèo nhất Việt Nam, khi tỉnh này trở thành nơi đặt nhà máy của những hãng công nghệ lớn của thế giới. Từ đó cho thấy lợi ích mà Việt Nam có được nhờ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Bài báo cho biết cách đây không lâu, Bắc Giang còn là một tỉnh nghèo của Việt Nam, chủ yếu được biết đến như một vùng sản xuất gạo, quả vải và chăn nuôi gà.
Tuy nhiên đó là câu chuyện trước khi chuỗi cung ứng của ngành công nghệ toàn cầu bắt đầu dịch chuyển.
Giờ đây, lãnh đạo Bắc Giang thường xuyên tiếp đón các vị khách là đại diện của tập đoàn Apple hay Hon Hai Precision.
Công nhân trên đường tới các nhà máy trong Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang gần như tăng gấp đôi hàng năm, ngay cả trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, và tỉnh dự báo kim ngạch xuất khẩu của địa phương sẽ đạt con số 11 tỷ USD trong năm nay, tăng gấp 10 lần so với cách đây 6 năm.
Người dân Bắc Giang cũng đã thay đổi những chiếc xe máy cũ kỹ, bẩn thỉu sang những chiếc xe máy Honda mới, trong khi một số người thậm chí lái xe SUV Toyota hay sedan Mercedes trên những con đường mới rải nhựa.
“Cuộc sống bây giờ rất tốt, nhờ có các nhà máy,” ông Nguyễn Văn Lành, 64 tuổi, cho biết. Gia đình ông Lành, trước kia không mua nổi thịt cho bữa ăn, giờ đây đã khấm khá lên nhờ việc cho thuê phòng trọ dành cho công nhân. Khoản tiền để xây nhà trọ của gia đình cũng được lấy từ tiền tiết kiệm từ lương công nhân nhà máy.
Sự bùng nổ kinh tế ở Bắc Giang phản ánh rõ nét thay đổi ngoạn mục mà chuỗi cung ứng toàn cầu có thể mang lại cho những vùng đất trước kia vốn lạc hậu.
Việt Nam ngày càng thu hút được đầu tư vào những ngành sản xuất tinh vi hơn trong bối cảnh chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và những trở ngại về logistics trong đại dịch Covid-19.
Bloomberg nhận định điều này một phần là nhờ Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Sự dịch chuyển sản xuất
Trong nhiều thập kỷ sau chiến tranh, khi Việt Nam mở cửa với các nhà đầu tư nước ngoài và trao đổi thương mại quốc tế, Bắc Giang vẫn còn là một tỉnh nghèo.
Công nhân trên đường tới nhà máy Luxshare ICT Bắc Giang.
Theo thống kê của chính phủ, vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Bắc Giang mới chỉ đạt 650 USD/năm, bằng một nửa mức trung bình toàn quốc. Các vùng đồng bằng dễ bị lũ lụt của tỉnh chủ yếu sản xuất các loại cây trồng năng suất thấp, vì vậy người dân địa phương đã tìm kiếm các công việc trong nhà máy cách nhà khoảng 1.700km về phía nam.
Tuy nhiên, Bắc Giang hiện ở trong thời kỳ bùng nổ kinh tế đầu tiên, với thu nhập bình quân đầu người được dự báo đạt 3.000 USD trong năm 2020.
Các công ty sản xuất đang “gõ cửa” các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và cam kết đầu tư hàng tỷ USD để mở nhà máy. Trong số đó có hãng điện tử Hàn Quốc Samsung - công ty với khoảng một nửa sản lượng điện thoại thông minh được sản xuất từ khu vực này.
Petragon, một đối tác lắp ráp của hãng công nghệ Mỹ Apple, có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Hải Phòng, sau động thái đến Việt Nam của các nhà cung cấp khác cho công ty Cupertino, California.
Apple gần đây đã đăng thông báo tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, bao gồm một kỹ sư tay nghề cao, nhà quản trị chuỗi cung ứng, và nhân viên quan hệ với cơ quan quản lý.
Hiện nay, vốn đầu tư từ các công ty sản xuất hàng điện tử tiếp tục đổ vào Việt Nam, trong khi một số ngành khác gặp khó khăn vì đại dịch. Doanh thu du lịch của Việt Nam sụt giảm khoảng 50% trong khi các xưởng may mặc và các nhà máy khác đang sa thải hàng chục nghìn công nhân do xuất khẩu đình trệ.
Tăng trưởng kinh tế năm 2020 được dự báo sẽ giảm xuống còn 2-3%, từ mức 7,02% của năm trước. Dù vậy, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế lên 6-7% trong giai đoạn 2021-2025.
Chi phí thấp, sự ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, hạ tầng ngày càng được cải thiện, và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ nhằm phát triển các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam, chuyên gia về chuỗi cung ứng Gene Tyndall của công ty tư vấn eMATE Consulting có trụ sở ở Atlanta, Mỹ, cho hay.
Đổi thay từng ngày nhờ các nhà máy
Ở trung tâm của tỉnh Bắc Giang, nơi những đàn bò vẫn chậm rãi di chuyển trên đường, một con đường 6 làn xe giờ đã thay thế cho đường 1 làn xe trước kia. Trong 9 tháng đầu năm nay, nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng của cả nước đạt 2,12%.
“Chúng tôi đang phát triển dựa vào sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên cho biết. Việt Yên là nơi có 4 trong số 5 khu công nghiệp đang hoạt động của tỉnh Bắc Giang.
Nhiều khách sạn mới được xây dựng ở huyện Việt Yên.
Tốc độ dịch chuyển tới Bắc Giang của các công ty sản xuất tăng vọt từ năm 2016, với 3,8 tỷ USD vốn đầu tư đổ vào tỉnh trong vòng 4 năm, tăng gấp 4 lần so với 4 năm trước đó.
Ông Lượng cho biết hiện Bắc Giang đang xây một cảng đường thủy nội địa để phục vụ cho việc vận chuyển linh kiện, đồng thời, theo đề nghị của Apple, tỉnh đã cấp đất để xây nhà ở cho công nhân gần khu nhà máy rộng 16ha của Luxshare Precisioon - nhà sản xuất tai nghe AirPod lớn nhất thế giới.
Nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy tại Bắc Giang. Ảnh tư liệu.
Tỷ lệ người lao động có việc làm của Bắc Giang hiện đạt gần 100%. Lao động ở các tỉnh lân cận cũng đổ tới Bắc Giang để tìm việc làm tại các nhà máy như Luxshare.
Công ty Trung Quốc này dự kiến sẽ tuyển 20.000 công nhân trong 4 tháng cuối năm nay, nâng tổng số công nhân tại nhà máy ở Việt Yên lên 47.000 người. Ngoài ra, Luxshare còn sử dụng 12.000 lao động tại các địa điểm khác trong tỉnh.
Cũng theo ông Lượng, những công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp hàng điện tử có thể đạt mức thu nhập sau thuế khoảng 5.500 USD/năm, bao gồm cả tiền làm thêm giờ và tiền thưởng, cao hơn mức lương bình quân dưới 3.000 USD/năm của người lao động toàn quốc.
Công nhân Công ty Newwing (Khu công nghiệp Vân Trung) trong dây chuyền sản xuất. Ảnh tư liệu
Nguyễn Thị Hà, 22 tuổi, từng làm công nhân trộn bê tông cho một công ty xây dựng trước khi làm việc cho nhà máy lắp ráp hàng điện tử, hiện có mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. “Trước đây, tôi chỉ kiếm được khoảng một nửa so với thu nhập hiện nay trong khi phải làm việc dưới nắng, đôi khi là cả dưới mưa,” Hà nói.
Những nhà máy mọc lên tại Bắc Giang không chỉ đem đến thu nhập cho những người công nhân địa phương mà còn giúp các ngành dịch vụ của Bắc Giang như dịch vụ ăn uống, nhà ở phát triển.
Quản lý nhà hàng mang tên Lão Chư Quán cho hay khách hàng của họ có rất đông công nhân. “Họ chi tiêu khá thoải mái. Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi, thật tuyệt vời,” Nguyễn Thị Ly, 26 tuổi, cho biết. Trước khi có các nhà máy ở vùng này, gia đình Ly gần như không có gì. Giờ đây, nhờ nhà hàng, gia đình cô đã mua được ôtô và 5 chiếc xe máy mới.
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ tăng sức hấp dẫn cho các khu công nghiệp của Bắc Giang. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, làm việc cho các dây chuyền sản xuất có áp lực khá cao, đòi hỏi người lao động phải tập trung cao độ.
Nhà kinh tế học Scott Rozelle thuộc Đại học Stanford nhận định, thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là đảm bảo rằng giáo dục cần được cải thiện để đất nước không bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” một khi các nhà máy rời đi, cũng sẽ đến lúc chi phí tăng lên và nền kinh tế đòi hỏi phát triển theo hướng kỹ năng cao.
Nhiều nhà hàng và dịch vụ phục vụ công nhân ở khu phố gần Khu công nghiệp Vân Trung.
Giáo dục chất lượng cao cho thế hệ tương lai chính là giấc mơ của người dân Bắc Giang, để thế hệ trẻ có nhiều cơ hội hơn so với thế hệ của họ.
Ý kiến bạn đọc (0)