Nơi đất lành chim đậu
Vườn chim trong khuôn viên trường học
Đứng trên đài cao quan sát, vườn chim là một quần thể đa dạng sinh học với thảm thực vật phong phú. Ở đây có đủ các loại cây tạp mọc ở tầng thấp, xen lẫn tầng cao bao quanh hồ nước như: Muồng đen, keo tai tượng, keo lá tràm, lim xẹt, vàng anh, tre. Từ xa vọng lại những âm thanh rộn ràng của các loài biết hót, tiếng sải cánh, đạp nước, mò thức ăn của những chú cò trắng cổ dài, cú nhào lộn trên mặt nước của đàn bói cá có bộ lông nhiều màu sắc.
Đàn cò trong khuôn viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: CTV. |
Với đặc thù là cơ sở giáo dục đại học chuyên về nông, lâm nghiệp, nhà trường bố trí nhiều khu vực cho sinh viên thực hành, nghiên cứu khoa học nên hệ sinh thái trong khuôn viên rất đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài chim hoang dã cư trú, làm tổ. Vườn chim được hình thành tự nhiên từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Lúc đầu chỉ là nơi nghỉ chân của một vài đàn cò trắng trên những ụ đất có nhiều cây cối rậm rạp trong lòng hồ, sau đó số lượng đàn tăng dần cùng với sự xuất hiện của nhiều loài chim khác. Cảnh quan môi trường phù hợp với tập tính của các loài chim nước, rừng cây trở thành nơi cư trú, làm tổ và sinh sản với thành phần loài cùng số lượng cá thể đông đúc, tạo thành hệ chim nước đặc sắc trong khuôn viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.
Vườn chim tự nhiên có 15 loài với hơn 10 nghìn cá thể. Trong đó có 3 loài chủ yếu là: Cò trắng, cò bợ, vạc. Đặc biệt có 1 loài chim quý hiếm được xếp ở mức sắp nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam là cò nhạn. |
Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang) kể: Vườn chim tự nhiên có 15 loài với hơn 10 nghìn cá thể. Trong đó có 3 loài chủ yếu là: Cò trắng, cò bợ, vạc. Đây là những loài chim định cư thường sống và kiếm ăn theo nhóm từ vài chục đến hàng trăm cá thể, sinh sản tập trung trong khuôn viên nhà trường.
Đặc biệt có 1 loài chim quý hiếm được xếp ở mức sắp nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam (danh sách các loài động vật, thực vật quý hiếm tại Việt Nam đang giảm sút về số lượng và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng) là cò nhạn (cò ốc). Trong số các loài chim ở đây, có một số loài di cư theo mùa như: Diệc xám, cò ngàng lớn, cò ngàng nhỡ, cò nhạn chỉ xuất hiện từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau và không sinh sản tại đây. Trong các loài chim di cư, diệc xám có số lượng cá thể nhiều nhất với hơn 500 cá thể.
Các loài chim nước cư trú ở hầu hết diện tích có cây lâm nghiệp phân bố trong khuôn viên nhà trường với tổng diện tích là 4,7 ha, trong đó khu vực cư trú chính khoảng 1,7 ha, tập trung ở hai đảo, đầu nhà hành chính và dọc ven hồ đầu nhà thư viện. Số lượng đàn tập trung trong vườn đông, có những khu vực phân chim dày vài chục cm. Đây là vườn chim duy nhất trong hệ thống các trường cao đẳng, đại học trên cả nước, thuộc khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia.
Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn
Theo nghiên cứu của giáo viên phụ trách các bộ môn động vật rừng, quản lý động vật hoang dã, buổi sáng, chúng bay đi kiếm ăn trong phạm vi hàng chục km ở những cánh đồng xung quanh các xã Tự Lạn, Minh Đức, Thượng Lan. Hoàng hôn buông xuống, từng đàn chim lũ lượt bay về tổ theo trật tự, tách biệt từng loài. Có đội hình như mũi tên lao về phía trước, đội hình khác lại lưa thưa, tản mạn, khi về đến nơi thì quần đảo làm lao xao cả một góc hồ. Ở đây riêng loài vạc có tập tính kiếm ăn khác biệt so với các loài chim nước khác, thường đi ăn vào ban đêm tại những cánh đồng, ao, hồ ở các khu vực xung quanh trường.
Du khách quan sát vườn chim từ xa. |
Trước tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm, từ tháng 11/2021, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là điểm du lịch sinh thái.
Ông Đàm Thuận Minh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ giáo dục và sinh thái môi trường (Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang) nói: “Vườn chim nằm trong số những địa điểm tham quan trải nghiệm của tour du lịch. Nhà trường đã xây dựng một cây cầu trên hồ nước để cho du khách ngắm vườn chim từ xa và có thể nghiên cứu tập tính sinh hoạt của các loài qua hệ thống ống nhòm. Trung bình mỗi ngày tại đây thu hút khoảng 300-500 lượt du khách; những ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ lượng khách đông hơn”.
Không chỉ khách trong tỉnh, vườn chim thu hút nhiều bạn trẻ ngoại tỉnh về dã ngoại, cắm trại, chụp ảnh cưới. Hiện nay, nhà trường có đầy đủ các dịch vụ lưu trú (homestay nhỏ) để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Đây đang là điểm đến lý tưởng trong chuỗi liên kết du lịch chùa Bổ Đà - làng cổ Thổ Hà - điểm du lịch sinh thái Đại học Nông - Lâm Bắc Giang - chùa Vĩnh Nghiêm.
Bảo vệ các loài chim hoang dã
Nhiều năm qua, nhà trường đã làm tốt công tác quản lý, quy hoạch khu bảo tồn vườn chim, cải tạo, mở rộng môi trường sinh thái cho các loài chim về trú ngụ, sinh sản, nhân đàn. Tuy nhiên, gần đây, số lượng cá thể chim có xu hướng giảm nhẹ. Do trên địa bàn huyện, công nghiệp phát triển mạnh, còn ít diện tích ao, hồ, đất trồng lúa nên nguồn thức ăn tự nhiên không phong phú, nhiều đàn chim đã di cư đến những vùng khác.
Cò nhạn (cò ốc) - loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam sinh sống tại vườn chim của trường. |
Khi đàn chim đi ăn xa không tránh khỏi việc bị săn bắn, tận diệt làm sụt giảm số lượng cá thể. Các loại cây chính tại khu vực này già cỗi, chết dẫn đến thiếu nơi ở và nơi sinh sản cho các loài chim. Các loài chim nước sinh sản từ tháng 1 đến tháng 8 và thường làm tổ sơ sài, chênh vênh ở chạc cây nên khi thời tiết xấu (mưa bão) dễ bị rơi làm suy giảm tỷ lệ sinh sản và tỷ lệ sống của con non.
Để vườn chim phát triển tự nhiên, nhà trường đã triển khai kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Mạc Trọng Thành, nhân viên bảo vệ vườn chim cho biết: “Mặc dù phát triển du lịch trải nghiệm thu hút đông khách nhưng nhà trường chỉ sắp xếp cho du khách ngắm nhìn vườn chim từ xa, khu vực chim sinh sống được bố trí cách biệt. Đội nhân viên bảo vệ vườn chim trực 24/24 giờ hằng ngày. Tại những địa điểm quan trọng lắp đặt hệ thống camera theo dõi, tuyệt đối không cho người tiếp cận gần vườn chim”.
Từ năm 2022, nhà trường thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Hỗ trợ sinh sản cho các loài chim nước” bằng biện pháp làm hơn 200 tổ nhân tạo trong khu vực sinh sống của chim, trong đó có 71,6% số tổ được chim đẻ trứng, ấp nở thành con. Đến nay, nhà trường tiếp tục làm các tổ chim nhân tạo để bảo vệ quá trình nhân đàn, phát triển vườn chim.
Giai đoạn 2017-2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư 6,9 tỷ đồng thực hiện dự án “Bảo tồn loài và sinh cảnh khu hệ chim nước trong khuôn viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang”. Trong quá trình giảng dạy các môn: Đa dạng sinh học, động vật rừng, quản lý động vật hoang dã, giảng viên còn cho sinh viên thực hành nghiên cứu sự phát triển của các loài chim nước. Năm 2017, sinh viên Bùi Đình Tiến đã tốt nghiệp loại xuất sắc với đề tài khóa luận: “Bổ sung dẫn liệu về thành phần loài, đặc điểm sinh thái học của các loài chim nước trong khuôn viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang”.
Nhằm góp phần tạo môi trường sống an toàn cho đàn chim, tới đây nhà trường sẽ triển khai nâng cấp dự án lắp đặt tường rào thép gai, hệ thống giám sát cảnh báo cháy rừng, thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại khu vực vườn chim.
Khoa Lâm nghiệp mở rộng đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp dẫn dụ nhằm mở rộng khu vực cư trú các loài chim nước tại Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang”. Trong đó chú trọng mở rộng và cải tạo môi trường cư trú bằng việc trồng bổ sung các loại cây như: Tre, tràm, keo và xây dựng khu thực nghiệm nghiên cứu chim nước phục vụ việc học tập, nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giáo viên, sinh viên.
Qua trò chuyện với nhiều cán bộ, giáo viên, sinh viên nơi đây, mọi người đều bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng săn bắn, bẫy chim, siết chặt kiểm tra các nhà hàng, truy xuất nguồn gốc cung cấp món ăn từ các loài chim trong tự nhiên. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, người dân về trách nhiệm bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)