Thôn Đồng Cống có nhiều hộ trồng dứa nhất xã. Con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn đưa chúng tôi đến những vạt đồi dứa bạt ngàn, hai bên là những ngôi nhà tầng khang trang, bề thế và kiểu cách. Nhiều năm nay, nông dân nơi đây duy trì vùng trồng dứa thâm canh, rải vụ. Thông thường đầu tháng Giêng hằng năm hoặc sau khi thu hoạch xong người dân sẽ xuống giống lứa mới, sau đó bón thúc, dọn cỏ và chăm sóc chờ ngày cây dứa đơm hoa kết trái.
Thời gian từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch mất khoảng một năm. Từng cây non nhỏ dưới bàn tay chăm sóc của nông dân Bảo Sơn, những tàu lá dứa nhọn khỏe khoắn bất chấp thời tiết khắc nghiệt giữa các vạt đồi dãi nắng đâm lên tua tủa.
Đến lứa, cây trổ hoa rồi kết trái, những quả dứa xanh to đều và dần chuyển màu hơi vàng. Khi thời tiết nắng gắt, bà con sẽ dùng rơm, cỏ, lá cây để che cho quả khỏi bị rám nắng, giữ nguyên màu sắc và hương vị khi đến tay người tiêu dùng.
Bà con mặc áo dài tay, đeo găng tay và ủng khi thu hoạch dứa.
Mùa thu hoạch rộ thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm. Với kinh nghiệm tích lũy lâu năm, nông dân Bảo Sơn có thể điều khiển cho dứa rải vụ quanh năm, trong đó tập trung vào hai vụ chính là tháng 6, 7, 8, 9 và vụ tiếp vào tháng 1, 2, 3 dương lịch.
Nhờ trồng rải vụ nên đầu ra cho sản phẩm thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao hơn. Khi chín, vỏ quả từ màu xanh phủ một lớp phấn trắng mỏng ngả sang màu hơi vàng, mắt đều, mọng hơn khi trái còn non, nhiều quả nặng hàng cân, thậm chí hơn. Thịt dứa màu vàng tươi, thơm nức, vị ngọt sắt.
Vào mùa thu hoạch dứa, từ sáng sớm bà con đã rôm rả giục nhau lên đồi hái dứa. Tranh thủ lúc trời còn mát, trái dứa cắt xuống sẽ tươi lâu. Để tránh bị gai dứa cào vào da, mỗi người đều mặc bộ quần áo dài, tay mang găng, mũ, nón, dao nhỏ, rổ đựng; chân đi ủng nhựa phòng trượt ngã khi làm việc trên những triền đồi dốc thoai thoải.
Sau khi cắt những quả dứa vừa độ chín, bà con xếp lên những chiếc thuyền tôn nhỏ và đẩy từ trên đỉnh đồi xuống. Chất đầy dứa nặng, đáy vát, những chiếc thuyền tôn dễ dàng trượt từ lưng chừng hay trên đỉnh đồi xuống. “Ngày trước phải gánh từng ít một, vừa mất sức lại kém năng suất. Từ ngày dùng thuyền, việc vận chuyển quả từ trên đồi xuống nơi tập kết dễ dàng hơn”, anh Vi Văn Thùy nói.
Là một trong những hộ có thâm niên 20 năm trồng dứa Queen, anh Vi Văn Thịnh chia sẻ: “Nhà tôi có 2 ha dứa trồng theo quy trình VietGAP. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật sản xuất, xử lý giống sạch bệnh, bón phân đầy đủ nên năm nào cũng được mùa. Nhiều năm nay, cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính không chỉ cho gia đình tôi mà nhiều hộ trong thôn; như năm ngoái, trừ chi phí tôi thu lãi 200 triệu đồng”.
Nhiều người nông dân ở Bảo Sơn kể rằng, trước đây không ai nghĩ đến một ngày cây dứa lại trở thành cây chủ lực, cây làm giàu của vùng đất này. Thực ra từ 40-50 năm trước, dứa đã được nhiều hộ dân ở Lục Nam trồng trên những vùng đồi thấp; sau này trồng xen dưới tán vải thiều nhưng đó là loại giống cũ, năng suất rất thấp.
Vì không phải là cây trồng chính nên bà con không đầu tư nhiều về giống, phân bón, cũng không bỏ công chăm sóc nên quả nhỏ, mã xấu, không tiêu thụ được. Từ đó loại cây này dần mai một, người dân quay sang trồng vải thiều. Từ năm 2002, khi cây vải thiều không hiệu quả, người dân ở Bảo Sơn đưa cây dứa trở lại và có hướng chuyển đổi diện tích vải sang trồng dứa. Lúc đầu, các hộ chỉ trồng diện tích nhỏ, sau khi thấy đầu ra thuận lợi, cấp ủy, chính quyền xã Bảo Sơn vận động người dân chú trọng đầu tư công sức, giống vốn và định hướng phát triển nhân rộng thành vùng nông sản đặc trưng.
Một số công đoạn trong quy trình trồng dứa.
Tháng 11/2014, dứa Bảo Sơn (Lục Nam) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Với mục tiêu đưa cây dứa trở thành cây trồng trọng điểm, UBND huyện Lục Nam chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích dứa Queen sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau khi huyện xây dựng quy hoạch vùng chuyên canh, nhiều hộ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào trồng dứa. Các hộ tham gia mô hình tự tổ chức sản xuất trên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và các cơ quan chuyên môn.
Vợ chồng anh Vi Văn Định phấn khởi vì vụ dứa được giá.
Ông Trần Đức Mỳ, trưởng thôn Đồng Cống cho biết: Là thôn đặc biệt khó khăn, đời sống bà con hơn chục năm về trước rất chật vật. Từ khi mở rộng vùng trồng dứa theo quy trình VietGAP, thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nghề trồng dứa có nhiều tiến triển. Cả thôn hiện có 40 ha với 30 hộ có đồi dứa. Cũng từ cây dứa mà bà con có đồng ra đồng vào; tích cực tham gia đóng góp các hoạt động, phong trào của địa phương.
Anh Vi Văn Lượng, thôn Đồng Cống cho biết, gia đình anh trồng dứa từ năm 2001. Hiện gia đình có 2 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 40 - 50 tấn quả. Cây dứa đã mang lại đời sống no ấm cho gia đình anh và nhiều bà con nông dân trong thôn, xã.
Những ngôi nhà tầng khang trang tại thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn.
Theo ông Chu Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã, qua thời gian, cây dứa đã khẳng định được vị thế trên đất Bảo Sơn; phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Quả có vị ngọt sắt, thơm lại đẹp mã nên được khách hàng ưa chuộng. Dứa đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 3 lần được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Hiện toàn xã Bảo Sơn có khoảng 300 ha trồng dứa; trong đó có 170 ha cho thu hoạch quanh năm. Diện tích trồng chủ yếu ở các thôn: Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Quất Sơn và Huê Vận 2. Do người dân có kinh nghiệm canh tác, Hợp tác xã Dứa Lục Nam đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ, liên kết sản xuất theo chuỗi nên đầu ra cho dứa Bảo Sơn thuận lợi. Năm nay, năng suất bình quân đạt 35-40 tấn/ha.
Từ cây dứa mà bà con từng bước vươn lên thoát nghèo; thu nhập bình quân đạt 43 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo hằng năm giảm, hiện còn 4,85% hộ nghèo, giảm 1,56% so với năm trước.
Không chỉ là cây giúp bà con nhân dân nơi đây thoát nghèo và làm giàu, những đồi dứa thoai thoải trùng điệp, luống cây quả đều tăm tắp như sắp hàng vào mùa thu hoạch đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách đến tham quan trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Tranh thủ ngày hè, tôi cho con đến đồi dứa ở xã Bảo Sơn chụp ảnh. Hai mẹ con vừa có bộ ảnh đẹp mà con trẻ cũng được hòa mình với thiên nhiên. Khung cảnh nơi đây thật đẹp và yên bình”.
Mấy năm trở lại đây, những đồi dứa ở Bảo Sơn trở nên nổi tiếng với những người mê chụp ảnh. Không chỉ người dân ở trong tỉnh mà ở các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... cũng về đây “săn” ảnh. Với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Hoa đào, rượu, dứa, lãnh đạo UBND xã Bảo Sơn cho hay, địa phương đang nghiên cứu, định hướng xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm trong thời gian tới.
Đến với miền quê này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan vùng trồng dứa, tìm hiểu về quy trình sản xuất, được tự tay hái quả, thưởng thức tại chỗ và mua làm quà mang về. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm tại đây hứa hẹn đem đến cho du khách cơ hội thư giãn tinh thần, rèn luyện thể lực, gần gũi với thiên nhiên, hiểu thêm về cuộc sống nhà nông. Lãnh đạo xã Bảo Sơn kỳ vọng kết hợp làm du lịch ở đây sẽ giúp tăng thu nhập cho người dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ.
Vì vậy, chính quyền xã cho biết sẽ tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện để đào tạo nguồn nhân lực nhằm tổ chức mô hình trải nghiệm. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng, hành động của người dân trong quá trình bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng túi nilon cũng như xả thải bừa bãi ra môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, phát triển bền vững.
Ý kiến bạn đọc (0)