Nâng chất lượng thỏa ước lao động tập thể - Khâu đột phá của công đoàn Bắc Giang
BẮC GIANG - Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là cơ sở pháp lý quan trọng, công cụ để tổ chức công đoàn tham gia bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động (NLĐ). Vì vậy, các cấp công đoàn đã nỗ lực trong quá trình xây dựng, thương lượng, ký kết, bổ sung thỏa ước, coi đây là khâu đột phá nhằm góp phần tạo quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp (DN).
88,1% DN ký kết TƯLĐTT
Theo bà Diêm Bích Liên, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ Lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, chất lượng TƯLĐTT được đánh giá qua các điều khoản có lợi cho NLĐ. Với vai trò đại diện tập thể lao động trong thương lượng, cán bộ công đoàn tập trung lấy ý kiến NLĐ; đưa ra dự thảo đề xuất trước khi tiến hành các phiên họp, hạn chế thương lượng kéo dài. Đến nay, toàn tỉnh có 617/700 DN có CĐCS (đạt 88,1%) tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Trong đó, theo thang điểm 100 của Tổng LĐLĐ Việt Nam (tính theo hướng có lợi cho NLĐ), có 199 thỏa ước đạt loại A (80 điểm trở lên); 203 thỏa ước đạt loại B (từ 60-80 điểm); 215 thỏa ước đạt loại C (từ 50-60 điểm); không có thỏa ước loại D (dưới 50 điểm).
Cán bộ Công đoàn các KCN tỉnh, CĐCS Công ty TNHH Italisa Việt Nam giám sát chất lượng bữa ăn ca. |
Nội dung có lợi cho NLĐ chủ yếu là phúc lợi về ăn ca, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, ưu tiên lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ. Điển hình như: Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang) tặng NLĐ 1 túi sữa tươi/ngày để bổ sung dinh dưỡng; Công ty TNHH Mplus Hà Nội (Tân Yên) cải thiện 2 bữa ăn đặc biệt (vào tuần đầu và tuần cuối) có giá trị dinh dưỡng cao hơn cho NLĐ…
Đến nay, toàn tỉnh có 617/700 DN có CĐCS (đạt 88,1%) tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Trong đó, theo thang điểm 100 của Tổng LĐLĐ Việt Nam (tính theo hướng có lợi cho NLĐ), có 199 thỏa ước đạt loại A (80 điểm trở lên). |
Công ty TNHH Italisa Việt Nam (KCN Song Khê - Nội Hoàng) là DN 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất thiết bị vệ sinh hợp kim cao cấp. Hiện nay, công ty được đánh giá là một trong những DN quan tâm, chăm lo đời sống NLĐ. Chị Hoàng Thị Thu, Chủ tịch CĐCS chia sẻ về thành quả này: “Hằng tuần, qua họp chuyên môn với tổ trưởng các bộ phận sản xuất, ban chấp hành công đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Sau đó tổng hợp để cuối năm lấy ý kiến của chủ sử dụng lao động và công nhân tại hội nghị NLĐ trước khi sửa đổi, bổ sung trong TƯLĐTT; nguyên tắc tăng dần những điều có lợi nhằm từng bước cải thiện đời sống của gần 800 công nhân”.
Trong thỏa ước hiện đang áp dụng (ký cuối năm 2023), bên cạnh những điều khoản được duy trì từ những lần ký trước như: Thưởng chuyên cần, hỗ trợ xăng xe, ăn ca, tiền thuê trọ, trợ cấp đột xuất trường hợp ốm đau, bệnh hiểm nghèo, nội dung mới được bổ sung gồm: Tăng khẩu phần bữa ăn ca vào 2 ngày cố định trong tuần; tặng quà các ngày lễ, Tết; khen thưởng công nhân có sáng kiến; tăng trợ cấp nắng nóng từ 5 nghìn đồng lên 10 nghìn đồng/ngày. Đặc biệt, với gần 70% là lao động nữ, thỏa ước còn có nhiều chính sách ưu tiên như: Mang thai từ tháng thứ 7 trở đi đến khi sinh được hỗ trợ 80 nghìn đồng/người/tháng; đi làm 7 giờ nhưng vẫn được tính lương làm 8 giờ đến khi con đủ 12 tháng tuổi. “Qua CĐCS, chúng tôi được bày tỏ nguyện vọng và có thể được đáp ứng qua TƯLĐTT, thu nhập, đời sống công nhân được cải thiện đáng kể” - chị Nguyễn Thị Diện, công nhân của công ty chia sẻ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả TƯLĐTT
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vấn đề tiền lương, điều kiện làm việc, chế độ ăn ca, điều chỉnh các khoản phụ cấp. Một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả để ổn định quan hệ lao động, ngăn ngừa ngừng việc tập thể chính là xây dựng được TƯLĐTT chất lượng. Dù đạt những kết quả tích cực song thực tế, vẫn còn gần 12% DN chưa ký kết TƯLĐTT; nhiều thỏa ước được DN ký kết song các điều khoản còn mang tính hình thức, nội dung chủ yếu là sao chép một số quy định bắt buộc của pháp luật lao động hoặc điều khoản chung chung nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Thêm nữa, còn DN chưa rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời khi phát sinh vấn đề liên quan đến NLĐ.
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nguyên nhân vẫn là do chủ DN chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của TƯLĐTT. Họ cho rằng những điều khoản được ký kết trong văn bản này sẽ ràng buộc trách nhiệm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thêm nữa, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm (số chuyên trách chiếm chưa đến 2%), năng lực, kỹ năng hạn chế nên còn e ngại đề xuất nội dung thương lượng có lợi cho NLĐ. Theo quy định, đại diện tập thể lao động đứng ra thương lượng, ký kết TƯLĐTT với chủ sử dụng là CĐCS. Tuy nhiên, khảo sát thực tế hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 1,7 nghìn DN đủ điều kiện (có từ 5 đoàn viên trở lên) nhưng chưa thành lập CĐCS.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Kha, Chủ tịch LĐLĐ huyện Lạng Giang cho biết: Hiện huyện có 59/59 DN có tổ chức công đoàn ký kết TƯLĐTT. Kinh nghiệm của chúng tôi là soạn thảo, ban hành tờ gấp hướng dẫn riêng về quy trình thương lượng, nhấn mạnh vai trò của thỏa ước để chủ DN, NLĐ tìm hiểu, phối hợp thực hiện. Hằng năm, trên cơ sở rà soát số DN thành lập mới, số đủ điều kiện thành lập công đoàn, đơn vị tham mưu với UBND huyện gửi công văn chỉ đạo các DN xây dựng thỏa ước gắn với nội quy lao động; phân công cán bộ chuyên trách bám sát địa bàn để hướng dẫn kịp thời.
Đại hội XVIII Công đoàn Bắc Giang xác định “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, ký và thực hiện TƯLĐTT” là một trong những nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2023-2028. Chỉ tiêu phấn đấu là 95% TƯLĐTT có nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Để đạt được chỉ tiêu này, LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển đoàn viên, vận động thành lập công đoàn trong DN, tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng TƯLĐTT; đổi mới tuyên truyền giúp chủ sử dụng lao động nhận thức được vai trò tích cực của thỏa ước để quan tâm ký kết.
Đặc biệt, bản TƯLĐTT chất lượng với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ là thước đo năng lực, bản lĩnh của người cán bộ công đoàn. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng đối thoại, thương lượng cho cán bộ CĐCS; cử cán bộ vững nghiệp vụ, có kinh nghiệm hướng dẫn, hỗ trợ thẩm định nội dung thỏa ước cho CĐCS trước khi ký kết. Tiếp tục yêu cầu 17 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chấm và phân loại TƯLĐTT, đánh giá kết quả thực hiện.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)