Mọi cơ quan trong cơ thể đều bị tổn thương do hút thuốc
Hãy từ bỏ thuốc lá sớm nhất có thể. |
Hút thuốc lá gây tổn thương tới gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Các tác động mạn tính chính của thuốc lá sẽ dẫn tới sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý sau đây:
Bệnh mạch vành: Chiếm từ 30 đến 40% tổng số ca tử vong do thuốc lá. Nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp tăng do tình trạng tổn thương tế bào nội mạc, tăng nhẹ huyết áp và nhịp tim, khởi phát hình thành huyết khối và các tác dụng không mong muốn tới mỡ máu.
Ung thư phổi: Chiếm từ 15 đến 20% số ca tử vong do thuốc lá. Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất của ung thư phổi ở Bắc Mỹ và Châu Âu, và chiếm hơn 87% số ca tử vong do ung thư phổi. Các chất gây ung thư được trực tiếp hít tới nhu mô phổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Chiếm khoảng 20% số ca tử vong do thuốc lá. Thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất của COPD và chiếm 61% tổng số ca tử vong do bệnh phổi. Hút thuốc làm suy yếu các cơ chế bảo vệ đường hô hấp cục bộ. Đặc biệt đối với những đối tượng có sự nhạy cảm về mặt di truyền, sự suy giảm chức năng hô hấp có xu hướng phát triển nhanh. Ho và khó thở khi gắng sức là những triệu chứng rất phổ biến.
Các bệnh lý ít nghiêm trọng hơn liên quan đến hút thuốc bao gồm thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, bệnh mạch máu không do tim (như đột quỵ, phình động mạch chủ), các loại ung thư khác (như ung thư bàng quang, cổ tử cung, đại trực tràng, thực quản, thận, thanh quản, gan, hầu họng, tụy, dạ dày, họng, leukemia cấp dòng tủy), đái tháo đường, viêm phổi, viêm khớp dạng thấp và lao.
Thêm vào đó, hút thuốc là một yếu tố nguy cơ dẫn tới việc mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác như nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái diễn, hen, đục thủy tinh thể, vô sinh, rối loạn cương dương, mãn kinh sớm, loét dạ dày, loãng xương, gãy xương chậu và nha chu.
Hút thuốc trong khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên, thai ngoài tử cung, sinh non và các khuyết tật bẩm sinh. Người mẹ hút thuốc thường sinh ra trẻ có trọng lượng thấp hơn và gia tăng nguy cơ gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, hen và các bệnh lý hô hấp có liên quan, viêm tai giữa, sứt môi.
Tác động cấp tính: Nicotine làm tăng nhịp tim, huyết áp và nhịp thở. Những người hút thuốc có thể cảm thấy năng lượng và sự hưng phấn tăng lên, tăng khả năng tập trung, giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời cảm thấy vui vẻ. Buồn nôn là triệu chứng thường gặp khi lần đầu tiếp xúc nicotine. Nicotine làm giảm sự thèm ăn và có thể trở thành hành vi thay thế cho việc ăn uống.
Ngộ độc hoặc quá liều: Ngộ độc nicotin cấp tính thường do tiếp xúc qua đường miệng (ví dụ, trẻ em ăn thuốc lá hoặc kẹo cao su nicotin hoặc ăn phải chất lỏng điện tử) hoặc qua da (ví dụ, xử lý các sản phẩm thuốc lá thô).
Ngộ độc nicotine mức độ nhẹ: Thường gặp nhất là hội chứng nhiễm độc thuốc lá xanh hoặc khi trẻ em vô tình nuốt phải ở liều thấp (ít hơn 1 điếu hoặc 3 đầu lọc). Triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn, đau đầu và yếu mệt. Triệu chứng tự biến mất, thường trong thời gian từ 1 đến 2 giờ sau khi nuốt nếu ngộ độc nhẹ; tuy nhiên, các triệu chứng có thể tồn tại trong 24 giờ nếu ngộ độc nặng.
Ngộ độc nicotine mức độ nặng: Dẫn tới các biểu hiện của hội chứng cường cholinergic bao gồm: Buồn nôn, nôn, chảy nước bọt, chảy nước mắt, tiêu chảy, tiểu tiện, co giật và yếu cơ. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau bụng với các cơn nhói đau nhói. Ngộ độc ở mức độ rất nặng thường dẫn tới rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật và hôn mê. Liều gây độc của nicotin là khoảng 60 mg ở người trưởng thành không hút thuốc, 120 mg ở người trưởng thành hút thuốc, và chỉ 10 mg ở trẻ em.
Ảnh hưởng mãn tính: Hút thuốc kéo dài thường dẫn tới việc hình thành các vết ố vàng ở răng và ngón tay. Các triệu chứng khác thường nằm trong bệnh cảnh chung của các bệnh lý hô hấp và tim mạch liên quan đến hút thuốc lá. Ho mạn tính và khó thở gắng sức là những triệu chứng rất phổ biến. Các rối loạn tuần hoàn và hô hấp làm giảm khả năng tập luyện thể lực và càng làm giảm mức độ dung nạp tập luyện. Vì vậy, tất cả những người hút thuốc được khuyến cáo ngừng hút bởi những tác hại đối với sức khoẻ của họ.
Anh Thư (t/h)
Ý kiến bạn đọc (0)