Mở rộng sản xuất, doanh nghiệp “khát” lao động
BẮC GIANG - Thời điểm này, do mở rộng quy mô, hàng loạt công ty đang tăng tốc tuyển lao động để hoàn thành kế hoạch sản xuất. Nguồn cung càng khan hiếm khi nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng vào cùng thời điểm. Vì thế, ngành chức năng và các đơn vị liên quan đang tích cực phối hợp để hỗ trợ, bảo đảm nguồn nhân lực ổn định cho DN.
Nhu cầu lớn
Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong quý III năm nay có 31 DN trong tỉnh đăng ký tuyển hơn 37,2 nghìn lao động, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, lao động phổ thông chiếm 70%, chủ yếu thuộc các ngành: Điện, điện tử, may mặc, pin năng lượng mặt trời. Một số DN có nhu cầu tuyển số lượng lớn như: Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam, KCN Vân Trung, KCN Quang Châu (20 nghìn người); Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, KCN Đình Trám, KCN Quang Châu (18 nghìn người); Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology Bắc Giang, KCN Vân Trung (9 nghìn người)... Chuẩn bị nhân lực cho việc mở rộng quy mô sản xuất, từ nay đến cuối năm, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải có nhu cầu tuyển 18 nghìn lao động phổ thông và khoảng 2 nghìn người có bằng cấp.
Doanh nghiệp phỏng vấn trực tuyến người lao động có nhu cầu tìm việc tại phiên giao dịch việc làm online do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. |
Để tăng hiệu quả tuyển dụng, trung tâm tuyển dụng của Tập đoàn phối hợp với trung tâm DVVL của hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp hoặc online. Ngoài ra, đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo; kêu gọi, có chính sách thưởng “nóng” với người lao động (NLĐ) giới thiệu được người thân, bạn bè của mình vào ứng tuyển. Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Thu Chung, Phó Giám đốc Nhân sự của Tập đoàn, số người ứng tuyển rất hạn chế, trung bình mỗi ngày chỉ từ 80-100 người (giảm hơn một nửa so với thời điểm trước). DN mong muốn UBND tỉnh, các ngành chức năng hỗ trợ, kết nối với các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn tỉnh. Từ đó tổ chức các ngày hội việc làm, giúp Tập đoàn tuyển dụng lực lượng lớn lao động, có thể làm ngắn hạn, giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực trước mắt.
Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu) đang có nhu cầu tuyển dụng 2,2 nghìn công nhân may trình độ phổ thông để phục vụ dây chuyền sản xuất mới. Chị Phạm Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Tuyển dụng của công ty cho biết: Ngay khi ký hợp đồng, công nhân có mức lương cơ bản hơn 5,4 triệu đồng/người/tháng; bảo đảm tổng thu nhập trong 3 tháng đầu không thấp hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Để khuyến khích họ ứng tuyển, công ty chỉ đưa ra những yêu cầu như: Nhanh nhẹn, có sức khỏe, chăm chỉ trong công việc; tuyển lao động từ 18 - 40 tuổi, thậm chí đến 45 tuổi. Lao động chưa có tay nghề sẽ được đào tạo miễn phí tại chỗ. Tuy vậy, do có nhiều DN cùng trong KCN cạnh tranh gay gắt nguồn lao động nên công tác tuyển dụng của đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Phối hợp đồng bộ, có cơ chế thu hút, giữ chân nhân lực
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 7,6 nghìn DN đang hoạt động, sử dụng hơn 306 nghìn lao động, trong đó khoảng 60 nghìn người ngoại tỉnh. Dự báo trong quý IV năm nay, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng, khoảng 50 nghìn người. Cùng với lao động phổ thông, dự báo giai đoạn 2025-2030, trung bình mỗi năm các DN cần tuyển khoảng 6 nghìn người có trình độ đại học, cao đẳng, nhất là lĩnh vực linh kiện bán dẫn.
Dự báo trong quý IV năm nay, nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục tăng thêm khoảng 50 nghìn người. Cùng với lao động phổ thông, dự báo giai đoạn 2025-2030, trung bình mỗi năm các DN cần tuyển khoảng 6 nghìn người có trình độ đại học, cao đẳng, nhất là ở lĩnh vực linh kiện bán dẫn. |
Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, các DN “khát” nhân lực phổ thông là do nhiều đơn vị quy mô lớn tiếp tục mở rộng sản xuất. Trong khi đó, cùng thời điểm này, nhiều công ty trong tỉnh, khu vực lân cận (Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn) cũng có nhu cầu tuyển người. Cầu lớn hơn cung nên việc cạnh tranh lao động là điều khó tránh. Trong bối cảnh cạnh tranh lao động gay gắt, nguồn cung trong tỉnh khó đáp ứng, từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến thu hút lao động tại 4 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng đến nay, Trung tâm DVVL tỉnh thường xuyên kết nối, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh này. Đặc biệt, Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam với nhu cầu tuyển dụng lớn nhất tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác tuyển dụng với trung tâm DVVL 11 tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc.
Thời gian tới, để cân bằng cung-cầu, Sở LĐTBXH yêu cầu DN thực hiện nghiêm quy định thông báo lần đầu quy mô sử dụng lao động và biến động lao động; Trung tâm DVVL tỉnh chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, phân tích được xu hướng cạnh tranh. Từ đó làm căn cứ để Sở tham mưu hoạch định, điều chỉnh chính sách, hỗ trợ DN tuyển dụng.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, việc ổn định nguồn cung nhân lực cho DN đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ nhiều phía. Sở đề nghị các huyện, thị xã, TP chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền xuống cơ sở; Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý tốt các DN hoạt động DVVL, cung cấp thông tin chính thống, tạo niềm tin với lao động có nhu cầu tìm việc tại Bắc Giang. Về phía DN, trong chính sách tuyển dụng cần thể hiện rõ mong muốn giữ chân lao động lâu dài bằng mức lương cơ bản, chế độ đãi ngộ tốt, nên lựa chọn hợp đồng không xác định thời hạn để ký kết với lao động mới.
Quan tâm bố trí kinh phí tổ chức xe đưa đón công nhân, lựa chọn nhà xe uy tín để bảo đảm an toàn; phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh rà soát, tổ chức ghép chuyến nếu công nhân của nhiều DN có nhu cầu, phù hợp theo số lượng và tuyến đường. Với lao động chất lượng cao, DN chủ động liên kết đào tạo, "đặt hàng" sớm các trường đại học, cao đẳng để giới thiệu sinh viên chuyên ngành liên quan về đơn vị thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)