Khoảng trời sau cơn mưa
BẮC GIANG - Chiều một ngày đầu tháng Sáu. Cơn mưa rào mùa hạ vừa ào qua thành phố. Đâu đó, từ trên cao, vòm lá sấu xanh mát thi thoảng vẫn thả xuống những giọt nước mưa còn sót lại. Cụ ông, dáng người còn nhanh nhẹn dù mái tóc đã bạc đang cẩn thận giương chiếc ô che cho người bạn đồng hành, một cụ bà vẫn còn nét duyên dáng một thời xuân sắc trong tà áo dài màu tím thẫm nền nã.
Hai người thong thả tiến lại trạm gác nơi cổng Đài Tiếng nói Việt Nam tại 58 Quán Sứ. Cụ ông nhẹ nhàng nói với người cảnh sát gác cổng:
- Chào đồng chí. Liệu chúng tôi có thể vào thăm và chụp một vài tấm hình bên chiếc loa đang trưng bày trong kia được không?
Thấy anh cảnh sát trẻ còn phân vân, cụ bà nói thêm bằng giọng miền Trung đã nhẹ đi rất nhiều:
- Chẳng là chúng tôi có chút kỷ niệm với chiếc loa này...
Minh họa: Hiền Nhân. |
Sau khi xem tấm thẻ nhà báo cụ ông cẩn thận đưa bằng cả hai tay, anh cảnh sát trẻ lễ phép:
- Dạ, cháu mời hai bác. Để cháu gọi người giúp hai bác chụp hình ạ.
Xin phép vào chụp hình, nhưng phần lớn thời gian hai người dành cho việc ngắm nhìn cỗ loa đại được đặt trên bệ đá cao như ngắm gương mặt của một người thân quen đã lâu không gặp lại. Cụ bà, vẫn không cần dùng kính, khẽ đọc dòng chữ ghi trên tấm biển: Loa 500W phục vụ công tác tuyên truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (bờ Bắc cầu Hiền Lương sông Bến Hải- Quảng Trị).
Ngắm nhìn rồi chụp hình bên tượng đài, hai người tỏ ra vô cùng xúc động. Vẫn tầm vóc vạm vỡ thuở nào cùng những vết thương kiêu hùng vì bom đạn giặc, nhưng xem ra chất hợp kim của ngành luyện kim nước bạn dù tốt mấy cũng không chịu được với mưa gió thời gian. Cỗ loa đại như cũng mang dáng dấp một người già trải bao sóng gió cuộc đời gợi cho họ những kỷ niệm một thời tuổi trẻ…
***
Đầu tháng Ba năm 1972, Phương cùng đơn vị tham gia phục vụ chiến dịch giải phóng Quảng Trị trong đội hình của Trung đoàn công binh cầu phà 249. Khoảng giữa tháng Tư, cậu lính trẻ quê Bắc Giang cùng mấy anh em trong tiểu đội được cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Đó là lập một trạm chốt ở thị trấn Hồ Xá để đón xe đơn vị chở khí tài bổ sung từ Bắc vào. Ngày ấy, thị trấn Hồ Xá bị tàn phá nặng nề do bom đạn địch. Mấy anh em chọn khu hầm bê tông kiên cố, nghe nói từng là chỗ làm việc dã chiến của Đặc khu ủy Vĩnh Linh làm chỗ trú quân.
Theo nhiệm vụ được giao, tầm 9 - 10 giờ đêm tổ công tác mới phải ra gác chốt, đón xe. Ban ngày, vì công tác độc lập, xa đơn vị nên mọi chế độ điều lệnh cũng được nới lỏng hơn. Thường là sau những giấc ngủ bù, mấy chàng lính trẻ dành thời gian khám phá thị trấn Hồ Xá. Cũng có lúc còn mò xuống bờ sông đánh bộc phá kiếm cá cải thiện.
Trong một lần khám phá như vậy, mấy anh lính đến một nơi, sau này được biết nguyên là cơ sở của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh. Đây cũng là nơi hiếm hoi còn một dãy nhà cấp 4 núp dưới bóng cây chưa bị bom đánh sập. Đó cũng là lần đầu tiên Phương cùng đồng đội được nhìn thấy chiếc loa nổi tiếng. Còn nhớ, lúc ấy mấy anh em không nghĩ đó là một chiếc loa, vì “tầm cỡ” của nó. Chiếc loa lớn đến mức, hai cậu chàng to khỏe nhất là Bách “trâu” và Hùng “kều” có thể cùng ngồi gọn bên trong.
Đó cũng là lần đầu tiên họ gặp nhau. Vốn là sinh viên năm thứ nhất khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội trước khi nhập ngũ, Phương có biết chút ít về chiếc loa này qua sách báo, dù không mấy tường tận. Anh đang kể với đồng đội câu chuyện về một buổi phát thanh trực tiếp ngay đầu cầu Hiền Lương do Đài Truyền thanh Vĩnh Linh thực hiện mà anh đọc đâu đó trên báo thì có một giọng con gái miền Trung dễ thương cất lên:
- Răng anh bộ đội biết chuyện đó hề…
Giật mình quay lại, thì ra một cô gái cùng một chàng trai mặc thường phục đứng nghe mấy anh em nói chuyện tự lúc nào. Vốn nhát gái, lại bị ánh mắt tinh nghịch mà bạo dạn của cô gái khá xinh đẹp chiếu tướng, Phương lúng túng không biết trả lời ra sao. May có thằng Hùng “kều” dân Hà Nội lém lỉnh nhất tiểu đội cứu nguy bằng cách bắt chước giọng miền Trung của cô gái:
- Răng không biết. Hắn là cuốn từ điển sống của đại đội tui đó!
Sau màn chào hỏi vui vẻ đó, mấy cậu lính được biết đó là hai phát thanh viên của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh ở lại trực chiến. Mấy chàng lính cũng không ngờ là ngoài mình và mấy anh bên giao thông, lại còn có người đang bám chốt nơi đây, mà lại là những nhà báo, biên tập viên, phát thanh viên. Tuổi trẻ dễ gần nhau. Tổ công tác và nhóm phóng viên, biên tập viên trẻ trực chiến nhanh chóng trở nên gần gũi. Họ cùng chia sẻ từng phong lương khô, điếu thuốc, ấm trà…
Mối quan hệ ấy đem tới những niềm vui hiếm hoi trong khung cảnh bom rơi, đạn nổ. Trong những cuộc vui chung, Phương thường được chú ý với những câu chuyện tếu táo về đời sống sinh viên. Cũng qua giọng kể vui nhộn rất có duyên của Ngọc, cô phát thanh viên trẻ mà anh cùng đồng đội lần đầu tiên được nghe giai thoại vui, mà sau này còn được nghe ở nhiều nơi, gắn với hoạt động nghiệp vụ của nhiều đài truyền thanh cấp huyện. Đó là câu chuyện: “Đây là Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, anh nói trước hay em nói trước…”.
Có ấn tượng mạnh ngay từ lúc gặp gỡ ban đầu, lại đồng cảm vì cùng yêu văn chương nên Phương và Ngọc nhanh chóng thân nhau. Mà cũng có lẽ, đời sống chiến tranh ác liệt khiến họ dễ bỏ qua những lễ nghi thường tình để đến với nhau. Nhóm bạn cũng cảm nhận được điều đó nên trong những cuộc vui chung thường gán ghép, thậm chí mấy cậu lính còn tạo điều kiện cho hai bạn trẻ có những phút riêng tư.
Đơn giản là vì họ cũng là những cậu trai mới lớn, chưa một lần được cầm tay con gái, họ hiểu và chia sẻ những khát khao của đồng đội. Dù vậy, với bản chất trong sáng, cả Phương và Ngọc cũng mới chỉ dừng ở buổi tâm sự về mong ước tương lai khi chiến tranh chấm dứt. Như bao chàng sinh viên xếp bút nghiên lên đường đánh giặc, Phương luôn mong ước hết chiến tranh sẽ được quay về trường học tiếp, trở thành nhà nghiên cứu văn học dân gian mà anh rất say mê. Còn Ngọc, cô thổ lộ với Phương ước mơ sẽ được cơ quan cử đi học để trở thành một nhà báo. Cô tỏ ra rất thích thú khi Phương bảo từ Ký túc xá Mễ Trì của khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội sang Trường Tuyên huấn Trung ương, nơi đào tạo các nhà báo rất gần nếu đi tắt qua một cánh đồng.
- Vậy thì khi nớ eng phải qua thăm Út luôn đó…
Cô chuyển sang xưng “Út” với Phương rất tự nhiên, biểu lộ niềm tin ước mơ của hai người chắc chắn sẽ thành hiện thực, cũng là một cách “bật đèn xanh” cho anh chàng nhát gái…
Cái hạt mầm tình yêu nảy nở giữa bom đạn cuộc chiến những tưởng sẽ tiếp tục đâm chồi, nảy lộc trong sự vun đắp của đồng đội, bạn bè. Nhưng cuộc sống nhiều khi lại không đơn giản như vậy. Là cô gái khá xinh đẹp, dễ thương, Ngọc là niềm mơ ước của không ít chàng trai. Trong số đó có Hoàng, kỹ thuật viên bá âm, con trai của một vị lãnh đạo. Trước khi Phương xuất hiện, Hoàng được coi và cũng tự xem mình là ứng cử viên sáng giá nhất trong đám vệ tinh xung quanh Ngọc. Và tất nhiên trong suy nghĩ của anh, Phương bị coi như một anh chàng phá đám. Và cơ hội để loại bỏ anh chàng phá đám đã tới.
Đó là một buổi sáng hiếm hoi không có tiếng ầm ì của các loại máy bay trên bầu trời Vĩnh Linh. Có vẻ như đám phi công không lực Hoa Kỳ đang bận ăn lễ Phục sinh. Tranh thủ lúc đó, Ngọc đưa Phương ra đồi sim cách thị trấn vài cây số. Cô nhớ trong một lần tâm sự, Phương kể về thị trấn miền trung du quê anh, nơi có ga tàu nhỏ, những đồi sim mùa này đang nở đầy hoa tím. Trong bóng mát của một bụi sim đang nở đầy hoa, Phương đã đọc cô nghe bài thơ về màu tím hoa sim mà bất cứ chàng sinh viên khoa Văn nào cũng thuộc nằm lòng. Và như không kìm nén được tình cảm, Ngọc chủ động ngả vào vai Phương và họ đã trao nhau nụ hôn thánh thiện đầu đời…
Phút giây lãng mạn của đôi bạn trẻ không may đã lọt vào tầm mắt của Hoàng, người vì ghen tuông luôn để ý theo dõi họ. Điều phải đến đã đến. Có thư nhân danh người dân địa phương gửi đến Ban chỉ huy tiểu đoàn công binh tố cáo Phương có quan hệ không lành mạnh với phụ nữ, vi phạm 10 Lời thề danh dự của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời chiến, kỷ luật quân đội vô cùng nghiêm khắc. Cũng là để tránh phiền phức, ngay hôm sau Phương được gọi về đơn vị, bổ sung vào mũi xung kích của tiểu đoàn đang làm nhiệm vụ tại một trọng điểm phía trước.
Vào buổi chiều trước khi Phương đi, trong căn hầm mà đồng đội đã ý tứ dành riêng cho đôi bạn, như linh cảm những bất trắc của cuộc chia xa, Ngọc cuống quýt ghì chặt mái đầu đẹp đẽ với những gợn tóc lượn sóng của Phương mà cô yêu quý vào bầu ngực thanh tân của mình. Sức trẻ, tình yêu đã vượt lên tất cả những ngượng ngùng, e sợ. Giây phút quý báu đó họ đã thuộc về nhau.
***
Lời hứa nhất định sẽ trở lại mà Phương trao Ngọc giữa những cái hôn lúc chia tay phải đến nửa thế kỷ sau mới thành hiện thực. Khi làm nhiệm vụ tại một bến vượt thượng nguồn sông Bến Hải, Phương đã bị thương lúc cùng đồng đội hướng dẫn cho xe chở thương binh qua phà. Vết thương khá nặng khiến anh phải về tuyến sau điều trị rồi ra Bắc an dưỡng. Không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ quân đội, Phương được chuyển ngành trở về trường cũ tiếp tục học tập. Anh cũng cố gắng liên lạc với đồng đội đơn vị cũ để hỏi tin tức của Ngọc nhưng ngay sau khi anh đi, tổ công tác cũng hoàn thành nhiệm vụ, rồi đơn vị cũng đi sâu vào mặt trận. Vậy là họ bặt tin nhau.
Không ngờ những yêu thương vụng dại của lần đầu tiên cũng là duy nhất ấy đã đơm hoa kết trái. Cái "án" yêu đương khiến Ngọc phải từ bỏ ước mơ đi học trường báo chí. Vào những năm 1980 đầy khó khăn, cô để con gái nhỏ cho mẹ rồi đi lao động xuất khẩu ở một nước Đông Âu. Rồi thời cuộc thay đổi, cô ở lại định cư, đón con sang, một mình nuôi con khôn lớn.
Số phận cũng không cho Phương trở thành một nhà nghiên cứu văn học dân gian. Do yêu cầu công việc, anh được chọn đi học báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương, nơi từng là mong ước của Ngọc. Trong suốt mấy năm học, rồi cả sau này khi công tác tại một tờ báo lớn, có điều kiện làm việc với nhiều đồng nghiệp khắp cả nước, Phương luôn dõi tìm những mong gặp lại người yêu đầu đời của mình. Cũng có một vài cơ hội lập gia đình, nhưng không hiểu sao Phương vẫn không quên được cô gái quê Vĩnh Linh, có cặp mắt sáng, nước da nâu mịn cùng cặp môi cong duyên dáng ấy. Đặc biệt là phút giây cô run rẩy mà nồng nhiệt dâng hiến trước lúc chia xa. Thời gian không chờ đợi. Cho đến khi trở thành một nhà báo đáng kính, ông vẫn sống một mình trong khu tập thể cũ ở Hà Nội.
Mãi tới tháng 4/2022, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Quảng Trị giải phóng, họ mới gặp lại nhau. Ông Phương được mời với tư cách cựu chiến binh gắn bó với đất lửa Quảng Trị. Còn bà Ngọc tham dự buổi lễ trong đoàn Việt kiều có những đóng góp cho quê hương. Gặp lại bà, ông cứ tự nhủ phải cảm ơn ông trời run rủi cho họ được chia sẻ với nhau tình yêu thật trong sáng lúc đôi mươi và rồi lại trở về với nhau vào những năm cuối của cuộc đời trong những cảm xúc thánh thiện mà không phải trải qua những hệ lụy của đời người. Không còn điều gì ngăn cản họ đến với nhau làm bạn lúc tuổi già. Vậy là lời hẹn năm nào đã thành hiện thực. Đôi bạn già đang lên kế hoạch trở về những nơi gắn với kỷ niệm một thời, đầu tiên là thăm “cố nhân” mà bà gọi một cách hóm hỉnh là Cụ Loa…
Lúc ông bà ra xe lên sân bay đón vợ chồng con gái và hai đứa cháu ngoại bay về từ Berlin, cơn mưa đã dứt hẳn. Qua vòm lá sấu vừa được tắm mát bởi cơn mưa mùa hạ, một khoảng trời lộ ra mênh mang, xanh thẳm!
Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Anh
Ý kiến bạn đọc (0)