Khai thác tiềm năng du lịch dưới chân Yên Tử
Dãy núi Yên Tử (TP Uông Bí) với hệ thống chùa, am tháp dày đặc, có lịch sử cả nghìn năm, hiện nằm trong quần thể di tích - danh thắng được đề cử là Di sản thế giới, lâu nay đã là trung tâm du lịch văn hoá tâm linh nổi tiếng của cả nước. Bên cạnh đó, các khu dân cư dưới chân núi cũng rất giàu tiềm năng về cảnh quan, văn hoá có thể khai thác cho phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, hứa hẹn sự tươi mới, sức hấp dẫn với du khách.
Dưới chân Yên Tử chính là làng người Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công với những giá trị văn hoá đặc trưng. Tương truyền, nhiều cung tần, mỹ nữ xưa theo vua Trần Nhân Tông về Yên Tử nhưng không được chấp thuận, sau này đã ở lại đây sinh cơ lập nghiệp nên vùng đất này có nhiều phụ nữ xinh đẹp, khéo léo.
Du khách trải nghiệm dịch vụ ngâm chân lá thuốc tại mô hình du lịch cộng đồng người Dao Thanh Y, xã Thượng Yên Công. |
Người dân nơi đây trong những năm qua đã tham gia vào các hoạt động văn hoá - du lịch tại khu vực Làng Nương dưới chân núi do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư, khai thác.
Thời gian qua, bà con trên địa bàn cũng đã xây dựng những mô hình du lịch từ phát huy lợi thế văn hoá riêng của mình, như: Mô hình du lịch cộng đồng người Dao Thanh Y, mô hình hầm rượu mơ Quang Vinh.
Năm nay, Uông Bí còn đưa vào xây dựng công trình Nhà trưng bày không gian văn hoá dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú, là sản phẩm du lịch mới của địa phương, dự kiến đưa vào khai thác trong quý II năm nay.
Sản phẩm hiện đã khởi động với việc sưu tầm để trưng bày các giá trị truyền thống của đồng bào về trang phục, ẩm thực, các điệu hát xướng, nhạc cụ, lễ hội... Công trình đang được lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, dự toán trình UBND thành phố phê duyệt.
Các sản phẩm nghề truyền thống dưới chân Yên Tử, cùng với mô hình hầm rượu mơ kể trên còn có khu vườn mơ được Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và Dịch vụ Thăng Long, có trụ sở tại TP Uông Bí, đầu tư xây dựng tại xã Thượng Yên Công từ 2 năm qua.
Khu vườn có diện tích 4ha, trồng hơn 3.000 cây mơ giống từ cây nhỏ tới cây lâu niên vài chục năm tuổi, đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên, tạo thành vùng nguyên liệu cho sản phẩm rượu mơ và nước mơ gắn với vùng đất thiêng Yên Tử, trong đó sản phẩm rượu mơ của đơn vị đã được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh.
Một vùng hoa mơ nở trắng và mùa mơ chín là những cảnh sắc nên thơ giữa núi rừng, vì vậy, công ty có mong muốn mở rộng tạo thành vùng trồng mơ lớn tại đây với sự tham gia của các hộ dân trên địa bàn, vừa cung cấp nguyên liệu cho đơn vị vừa tạo thành điểm du lịch sinh thái trải nghiệm vườn mơ dưới chân non thiêng Yên Tử.
Một dư địa cho du lịch sinh thái mà lâu nay địa phương chưa khai thác còn có thể tính đến là việc nghiên cứu phát triển du lịch trải nghiệm trong phạm vi Khu rừng quốc gia Yên Tử. Đây là khu vực rất tiềm năng khi sở hữu các giá trị đa dạng sinh học độc đáo, có những loài cây cổ gắn với sự thăng trầm của dòng thiền Trúc Lâm, là biểu tượng riêng có của Yên Tử như mai vàng, xích tùng…
Bên cạnh đó, được hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên, dưới chân Yên Tử còn khá nhiều những cảnh điểm đẹp có thể khai thác cho du lịch sinh thái, như đồi Bình Hương, Phượng Hoàng, danh thắng Khe Song - Thác Bạc.
Nếu như đồi Bình Hương, Phượng Hoàng gây thương nhớ bởi những đồi cỏ bạt ngàn, đổi màu theo các mùa trong năm, đặc biệt thích hợp cho camping thì danh thắng Khe Song - Thác Bạc lại thu hút bởi cảnh quan êm đềm của cánh đồng xanh phía trước, đi sâu vào là rừng cây, khe suối tự nhiên mát mẻ.
Khu sinh thái Khe Song - Thác Bạc có cảnh quan rừng cây, suối nước tự nhiên nên thơ. |
Các khe suối, thác nước từ trên đỉnh núi đổ xuống tạo thành những vụng nước nhỏ mát lành vào mùa hè, thích hợp cho các nhóm gia đình, bạn trẻ bơi lội, leo núi, check in…
Đây cũng là những sản phẩm du lịch mới của thành phố định hướng phát triển trong 2 năm nay. Hiện Uông Bí đang tích cực rà soát, bổ sung các thủ tục cần thiết đối với sản phẩm du lịch trải nghiệm núi Phượng Hoàng, núi Bình Hương.
Khu vực sinh thái Khe Song - Thác Bạc cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở Du lịch công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Các sản phẩm này sẽ tiếp tục truyền tải thông điệp về những trải nghiệm du lịch xanh ở vùng đất Uông Bí khi được hiện thực hoá.
Theo Báo Quảng Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)