Hương sắc mùa xuân
Cứ tưởng đợt mưa lạnh này phải kéo dài hết cả tuần sau, vậy mà đến trước ngày cưới của chị, mưa dứt hẳn, khô ráo như chưa từng có đợt rét buốt nào vừa qua đây. Chị đẹp dịu dàng như chính cái tên Hương Xuân mà ngày xưa mẹ đặt cho chị. Chiếc áo dài trắng giản dị lại càng làm tôn lên vẻ đẹp đằm thắm của cô dâu dù tuổi đã gần bốn mươi. Ai cũng tấm tắc khen họ thật đẹp đôi.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Đến lúc chuẩn bị bước lên xe hoa, chị cứ bịn rịn, lưu luyến quay lại nhìn về phía người em trai út. Huy ngồi quềnh quàng trên chiếc xe lăn được người thân đưa ra tận ngoài đường to để tiễn chị gái. Cảnh tượng ấy khiến ai nấy đều không khỏi bùi ngùi. Người thím dâu thấy vậy liền chạy đến bên động viên cháu gái:
- Đi đi con, không phải lo lắng gì hết, Huy ở nhà đã có các em, có chú thím, có họ hàng rồi.
Đôi mắt chị nhòe lệ chẳng nỡ rời đi. Cậu út giọng ngọng nghịu không thành tiếng, cố rướn cánh tay gầy guộc huơ huơ như muốn ra hiệu bảo chị gái đừng khóc nữa, hãy yên tâm đi đi.
Với Huy, chị chẳng khác gì một người mẹ. Nhà có bốn chị em nhưng Xuân vẫn thương cậu em út nhất vì nó kém may mắn hơn các chị của mình. Năm 3 tuổi, Huy từ một bé trai kháu khỉnh, lanh lẹ chỉ sau một trận ốm nặng toàn thân trở nên co cứng. Cha Huy rất đau xót với căn bệnh của đứa con trai duy nhất mà ông vô cùng kỳ vọng. Ông làm đủ mọi việc, bất kể sớm tối, ngày đêm, chắt chiu, tằn tiện để có tiền chữa bệnh cho con nhưng bệnh tình vẫn không chuyển biến. Suy nghĩ nhiều cộng thêm làm lụng vất vả nên ông bị lao lực, sức khỏe suy kiệt rồi ốm nặng qua đời.
Từ lúc em trai bị như vậy, Xuân đã nuôi ý định sau này sẽ làm việc trong ngành y để có thể chăm sóc cho em mình và những người ốm đau, bệnh tật bởi họ thật đáng thương. Xuân học rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên chị đã từ bỏ ước mơ vào đại học. Chị theo học trung cấp điều dưỡng ngay tại tỉnh để vừa giảm bớt gánh nặng cho mẹ, vừa có thể phụ mẹ chăm lo cho các em.
Nhưng còn chưa kịp tốt nghiệp ra trường thì lại một tai họa nữa ập đến. Mẹ chị đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. Khi đó Xuân mới 21 tuổi, còn quá trẻ để thay cha mẹ gồng gánh trên đôi vai nhỏ bé những trọng trách thật lớn trước đàn em nhỏ. Hai em gái đứa học lớp 8, đứa học lớp 5, còn cậu em út lên 8 tuổi. Họ hàng, làng xóm dù rất thương chị em Xuân, nhưng ở cái xóm núi heo hút này nhà ai cũng khó khăn, vất vả nên chẳng thể cưu mang, hỗ trợ được gì nhiều.
Những năm tháng vô cùng khó khăn mà nhiều khi nghĩ lại Xuân cũng không hiểu tại sao lúc đó mình lại có thể bền bỉ và nhiều sức khỏe đến thế. Xuân may mắn được thừa hưởng đôi bàn tay khéo léo của mẹ và cả đức tính kiên trì của cha. Để có tiền trang trải cuộc sống của bốn chị em, Xuân tiếp tục duy trì công việc đan lát mây, tre mà mẹ chị vẫn làm bao năm qua. Nghề này mẹ chị được học từ ông ngoại lúc còn ở nhà và làm cho tới tận bây giờ.
Sau này vì muốn các con có điều kiện học hành đến nơi đến chốn để có một công việc nhẹ nhàng hơn nên mẹ chị chỉ cho các con phụ một vài công việc đơn giản những lúc rảnh rỗi sau giờ học. Chỉ có Xuân là chăm chỉ hay xắn tay vào ngồi làm cùng mẹ, thành thử chị rất thạo việc và tay nghề cũng không thua kém mẹ là bao. Nhiều khi mẹ chị xót xa vuốt ve đôi bàn tay búp măng đã sớm hằn lên những vết chai sần của con gái rồi nói: “Cứ để mẹ làm cố thêm một tí cũng được mà. Con ráng lo học hành, sau này cuộc sống đỡ cơ cực như bố mẹ”.
Những lúc đó chị lại áp má mình lên đôi bàn tay thô ráp của mẹ mà nũng nịu: “Không sao hết, con vẫn thấy đẹp mà, như đôi tay khéo léo của mẹ này”.
Mẹ nhìn chị cười, trong ánh mắt dịu dàng của mẹ luôn ánh lên sự trìu mến và niềm hy vọng. Thật lạ, người phụ nữ không được học hành nhiều, cũng chẳng được đi đâu xa bao giờ nhưng lại luôn có những suy nghĩ thật tích cực và tân tiến. Sự lam lũ, vất vả, cả những mất mát thầm sâu cũng không thể khiến niềm tin trong mẹ gục ngã. Cuộc sống vốn thế, luôn đặt con người ta vào những nghịch cảnh. Nhưng dẫu vậy cũng đừng bao giờ bỏ cuộc. Mẹ chị vẫn luôn nhắc nhở các con như vậy khi thấy Xuân và hai em gái có tư tưởng muốn nghỉ học để ở nhà phụ giúp mẹ.
Sau khi học xong, dù được vào làm ở trạm y tế gần nhà nhưng chị vẫn tranh thủ đan lát, thu mua măng, nấm, lá thuốc của người đi rừng rồi mang lên chợ huyện, chợ tỉnh bỏ mối cho người ta. Thấy Xuân một mình chật vật làm lụng nuôi em ăn học, nhiều người cũng nói ra, nói vào rằng con gái sao phải học nhiều làm gì, đến tuổi thì gả đi lấy chồng là xong. Chị chỉ cười bảo với các em:
- Ngày xưa lúc còn bố mẹ như thế nào thì bây giờ vẫn thế. Chị hứa dẫu có phải vất vả đến cỡ nào cũng sẽ lo cho các em học hành đàng hoàng như mong muốn của bố mẹ lúc còn sống.
Không phụ công chị, hai cô em gái đều học rất giỏi và ngoan ngoãn. Chẳng mấy chốc, hai đứa em đã vào đại học. Mỗi lần về nhà, bốn chị em lại tíu tít ngồi quây quần bên nhau kể đủ thứ chuyện, cười nói rôm rả vang nhà y như lúc còn nhỏ. Tối đến, hai đứa em gái lớn đùng rồi nhưng vẫn tranh nhau ôm chị ngủ, hít hà hương bồ kết vương trên tóc chị mà lòng lại nao nao nhớ mẹ. Đột nhiên đứa em gái lớn khẽ khàng hỏi:
- Chị cứ bận bịu lo cho chúng em thế này thì bao giờ mới đi lấy chồng được?
Chị thấy sống mũi mình cay cay, cố ngăn giọt nước mắt đong đầy nơi khóe mắt. Xuân thấy hạnh phúc biết bao vì các em mình đã lớn thật rồi. Hơn 30 tuổi nhưng Xuân chưa một lần nào tính đến chuyện lấy chồng vì chị muốn lo cho hai đứa em học hành xong xuôi, ổn định cuộc sống. Cũng vài ba lần có người mai mối giới thiệu nhưng phần vì cám cảnh trước hoàn cảnh của Xuân, phần vì thấy Xuân hờ hững quá nên cuối cùng họ đều rời đi.
- Chỉ cần nhìn thấy các em luôn mạnh khỏe, trưởng thành và bình an là cuộc đời này chị đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.
Có tiếng thút thít, nghẹn ngào:
- Cảm ơn chị, cảm ơn chị đã hy sinh tất cả cho chúng em.
Xuân xoa đầu hai đứa em:
- Ngốc à! Thương bố mẹ, thương chị, thương cậu Huy thì hai đứa ráng sống thật tốt, thật hạnh phúc và thành công nghe không.
***
Một lần, Xuân đang trực ở trạm thì đám trẻ con trong xóm dẫn theo một người đàn ông tới tìm chị. Người đàn ông dáng cao gầy đeo cặp kính trắng. Thoạt nhìn chị còn tưởng anh đang cần sự giúp đỡ của y tế, liền hớt hải chạy ra.
- Xin lỗi, chị là chị Xuân, người nhà của em Nguyễn Minh Thư phải không?
Nghe thấy người đàn ông gọi đầy đủ tên em gái, chị hốt hoảng nghĩ rằng có chuyện gì đó xảy ra với em mình. Giọng chị lắp bắp:
- Vâng, vâng ... đúng rồi. Em là chị gái của Thư. Có chuyện gì vậy anh?
Người đàn ông thấy vậy vội cười trấn an:
- Không có chuyện gì đâu, chị đừng lo lắng. Tôi tên là Minh, giáo viên chủ nhiệm của em Thư.
Xuân mời thầy giáo vào phòng uống nước nhưng trong lòng vẫn rất hoang mang. Chắc chắn có chuyện gì đó thì thầy giáo mới phải lặn lội tìm về tận đây thế này. Sau khi trò chuyện, hỏi thăm một hồi về hoàn cảnh gia đình, thầy Minh đã hiểu tại sao Thư lại từ bỏ suất học bổng đi du học ở Anh, một cơ hội mà bất kể sinh viên nào cũng mơ ước. Thật tình Thư lo ngại dù có học bổng nhưng vẫn còn phải lo thêm nhiều chi phí khác nữa. Cô không muốn lại tăng thêm gánh nặng cho chị gái ở nhà, nhất là lúc này chị gái trên Thư bắt đầu vào năm cuối, phát sinh thêm nhiều chi phí. Về phía thầy Minh thì lại cảm thấy rất tiếc vì đây là một cơ hội tốt cho Thư, cô sinh viên xuất sắc nhất khóa. Sang đó nếu học tập tốt, Thư còn có cơ hội tiếp tục nhận học bổng thạc sĩ. Sau khi phân tích cho Thư, thầy Minh bảo: “Thầy cho em hai ngày để suy nghĩ. Sau hai ngày đó, nếu em vẫn quyết định không đi du học thì nhà trường sẽ chuyển suất học bổng này cho sinh viên khác”.
Kỳ thực thầy Minh đã lên kế hoạch nhân tiện có chuyến công tác ở trên này vào ngày mai sẽ ghé thăm nhà Thư để thuyết phục thêm người nhà em. Chị Xuân rơm rớm nước mắt, liền tức tốc gửi Huy sang nhà chú thím rồi theo thầy Minh về Hà Nội gặp em gái. Cảm động trước sự quan tâm của thầy Minh và được sự động viên của chị, Thư nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đi du học. Chị em Thư rất biết ơn thầy Minh, vì nếu không có thầy thì chắc chắn Thư đã bỏ lỡ một cơ hội rất tốt trong cuộc đời. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Thư tiếp tục nhận được học bổng thạc sĩ, rồi làm việc và định cư luôn bên Anh.
Thỉnh thoảng Xuân vẫn hỏi thăm tình hình thầy Minh qua Thư. Thấy chị gái rất quan tâm tới thầy Minh, có lần Thư trêu: “Chị quý thầy Minh phải không?” Xuân bối rối né tránh câu trả lời. Qua Thư, Xuân được biết thầy Minh một mình nuôi con gái từ lúc bé Na mới 2 tuổi. Khi ấy vợ thầy bỏ đi theo một người đàn ông giàu có. Thương con gái cộng thêm lo sợ lại đổ vỡ thêm lần nữa nên tới giờ thầy vẫn chưa dám đến với ai. Lần đầu gặp Xuân, Minh cũng rất ấn tượng và cảm phục những gì chị đã làm cho các em mình.
Thế rồi, Xuân gặp lại thầy Minh trong đám cưới của Thư. Mới đó mà đã 7 năm. Minh ở lại để dự hôn lễ chính thức vào hôm sau. Đêm đó, họ đi dạo bên nhau dưới ánh trăng huyền ảo của núi rừng, trong thoang thoảng hương hoa dẻ ngọt ngào. Âm thanh của núi rừng vang vọng, mênh mang một cõi bình yên. Tình yêu đến với họ nhẹ nhàng mà say đắm như vừa bước ra từ những câu chuyện cổ tích vậy.
***
Vợ chồng em gái nhiều lần muốn đón Huy về ở cùng để chị gái yên tâm xây dựng gia đình, nhưng thương các em nên Xuân cứ lần nữa mãi.
- Chị đã dành tất cả thanh xuân để lo cho chúng em rồi. Giờ là lúc chúng em muốn được nhìn thấy chị hạnh phúc.
Minh lấy chiếc khăn mùi xoa trong túi áo nhẹ nhàng chấm giọt nước mắt vừa lăn dài trên má cô dâu. Anh âu yếm nhìn vào mắt Xuân rồi nói:
- Em quên anh đã từng nói gì với em sao?
Xuân còn đang ngơ ngác thì Minh đã nói tiếp: Các em của em cũng là em của anh. Anh muốn được cùng em chăm sóc cho các em, chăm sóc cho Huy.
Xuân bật khóc nức nở. Bao dồn nén trong lòng suốt 20 năm qua như được trút bỏ hết. Chị đã tìm được cho mình một bờ vai để tựa vào, không còn phải cố gồng mình mạnh mẽ nữa. Bó hoa tầm xuân tím biếc trên tay, chị hạnh phúc bước đi bên anh trong hương sắc mùa xuân.
Truyện ngắn của Việt Nga
Ý kiến bạn đọc (0)